Phía sau lệnh đóng cửa các nhà máy ở Tứ Xuyên

Thay vì sử dụng than đá, mở rộng sản xuất năng lượng từ nguồn tài nguyên như Mặt Trời, gió và khí đốt sẽ giúp Trung Quốc giải bài toán thiếu điện một cách bền vững khi hạn hán.

Tỉnh Tứ Xuyên từ lâu đã được biết đến là “cái lò” của Trung Quốc, nhưng cái nóng mùa hè năm nay lại có cường độ và tác động đặc biệt nghiêm trọng.

Tại Tứ Xuyên, khoảng 3/4 sản lượng điện đến từ thủy điện. Nhưng mực nước ở các hồ chứa, sông ngòi tại một số nơi đã giảm mạnh, chỉ còn một nửa so với mức bình thường, khiến điện năng đột nhiên trở nên khan hiếm vào tháng 8.

Nhà sản xuất Toyota Motor, nhà lắp ráp Apple Foxconn Technology Group cùng các công ty khác đã buộc phải đóng cửa nhà máy ở Tứ Xuyên và Trùng Khánh trong ít nhất 10 ngày.

Việc đóng cửa trên diện rộng đã làm dấy lên những lời kêu gọi Tứ Xuyên xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than, với lập luận chúng đáng tin cậy hơn trong bối cảnh hạn hán.

Tuy nhiên, điều này là thiển cận và không đem lại lợi ích kinh tế, theo Liutong Zhang, Giám đốc của hãng tư vấn năng lượng WaterRock Energy Economics, có trụ sở tại Hong Kong.

Tại Tứ Xuyên, khoảng 3/4 sản lượng điện đến từ thủy điện. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Than không phải là giải pháp

Trong thập kỷ qua, các nhà máy than của Tứ Xuyên chạy trung bình ít hơn 3.000 giờ/ năm. Điều này có nghĩa là những nhà máy đã “nhàn rỗi”, không làm gì trong khoảng 2/3 thời gian nhờ có lượng thủy điện dồi dào. Là một công nghệ đòi hỏi vốn đầu tư cao, tỷ lệ sử dụng thấp này không thể ngay lập tức đáp ứng được công suất mới.

Hơn nữa, các nhà máy nhiệt điện than phụ thuộc rất nhiều vào nước để làm mát. Do đó, hạn hán cũng có khả năng khiến các nhà máy này đứng trước nguy cơ buộc phải ngừng hoạt động.

Và mặc dù có thông tin cho rằng 67 tổ máy nhiệt điện than của Tứ Xuyên – có khả năng tạo ra 18 gigawatt – đã chạy trên công suất định mức vào tháng 8, điều đó cũng không đủ để đáp ứng sự thiếu hụt của tỉnh.

Ông Zhang nhận định trong khi biến đổi khí hậu có khả năng gây ra hạn hán thường xuyên hơn, sản xuất thủy điện vẫn sẽ là nguồn lực quan trọng giúp đưa ngành điện Trung Quốc hướng tới phát thải ròng bằng 0 – mục tiêu mà Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra vào năm 2021.

Hơn nữa, theo ông, nhiều biện pháp có thể áp dụng để cải thiện tính linh hoạt của các hồ chứa, nhà máy sản xuất thủy điện phức tạp dọc theo những con sông quan trọng.

Chẳng hạn, Trung Quốc đang có kế hoạch nhanh chóng mở rộng nhà máy thủy điện tích năng nhờ bơm (PSH). Công dụng chính là tích lũy năng lượng để bổ sung cho hệ thống vào những lúc cần thiết. Nó được ví như “bình ắc quy” của hệ thống điện, được “sạc đầy” ở khoảng thời gian nhu cầu điện thấp, và mang ra dùng vào các thời điểm có nhu cầu điện cao.

Tứ Xuyên, trung tâm sản xuất chất bán dẫn quan trọng, ra lệnh đóng cửa nhiều nhà máy vào tháng 8 vì thiếu điện do nắng nóng. Ảnh: AP.

Thông thường, Tứ Xuyên tạo ra lượng thủy điện dư thừa vào tháng 7 và tháng 8 trong năm.

Nhưng rõ ràng, năm 2022 là năm bất thường, khi tỉnh ghi nhận nhiệt độ cao nhất và lượng mưa thấp nhất trong khoảng 60 năm. Với nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao, phụ tải điện vào giờ cao điểm đã tăng vọt ngay cả khi nhiều nhà máy thủy điện khó hoạt động vì có quá ít nước.

Vào năm 2021, Tứ Xuyên cũng trải qua đợt khô hạn bất thường, nên nhiều người dự đoán rằng năm nay điều kiện thời tiết tốt hơn. Nhưng thực tế đã cho thấy các nhà điều hành lưới điện cấp tỉnh ở miền Trung Trung Quốc đã thất bại trong kế hoạch của mình.

Đây là một vấn đề lớn vì Tứ Xuyên cam kết xuất khẩu khoảng 300 GWh thủy điện/ngày cho Thượng Hải và các tỉnh ven biển của Chiết Giang cùng Giang Tô thông qua những đường dây điện một chiều siêu cao áp. Có rất ít cách hợp pháp để Tứ Xuyên có thể đảo hướng nguồn năng lượng này và sử dụng cho nhu cầu của mình.

Mức tiêu thụ điện trung bình ở Tứ Xuyên đã tăng khoảng 10%/ năm kể từ năm 2018, trong bối cảnh các nhà sản xuất polysilicon, pin và phụ tùng ôtô thành lập nhà máy lớn sau khi bị thu hút bởi sản lượng thủy điện dồi dào, ít phát thải carbon tại nơi đây.

Đa dạng hóa nguồn cung

Rõ ràng, Tứ Xuyên đang cần đa dạng hóa các nguồn sản xuất năng lượng để giảm thiểu tác động tiềm tàng của hạn hán.

Một lựa chọn khả thi là thúc đẩy xây dựng nhanh hơn các nhà máy năng lượng Mặt Trời và gió tại địa phương.

Một lợi ích khác là sản xuất năng lượng Mặt Trời và gió có mối tương quan nghịch biến với sản xuất thủy điện. Cụ thể, sản lượng năng lượng Mặt Trời thường thấp khi trời mưa và sản lượng gió tạo ra có xu hướng cao hơn vào mùa đông, thời điểm rét khô ở Trung Quốc.

Mở rộng sản xuất năng lượng Mặt Trời và gió có thể giúp Trung Quốc giải bài toán khó. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp giảm thiểu chứ không thể giải quyết triệt để nguy cơ hạn hán của Tứ Xuyên. Bởi việc nhanh chóng mở rộng sản xuất năng lượng Mặt Trời và gió ở Tứ Xuyên có thể gặp nhiều thách thức, như thiếu đất đai do dân số đông, cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên tương đối hạn chế.

Trong bối cảnh đó, các nhà chức trách đã thảo luận về việc xây dựng cơ sở hạ tầng truyền tải để kết nối Tứ Xuyên với tây bắc Trung Quốc – nơi các dự án năng lượng gió và Mặt Trời trên sa mạc đang được thúc đẩy để xuất khẩu điện.

Điều này có thể hữu ích nhưng rủi ro tiềm ẩn của việc sử dụng các cơ sở hạ tầng truyền dẫn công suất thấp trong những tháng ẩm ướt cần phải được xem xét.

Hoạt động mua bán điện giữa các tỉnh cũng cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để có những thỏa thuận thương mại linh hoạt.

Ngoài ra, các quan chức nên xem xét giải pháp thay thế cho việc thiết lập giá điện để khuyến khích đầu tư và cung cấp giải pháp hiệu quả cho cơ sở hạ tầng phát điện và truyền tải linh hoạt.

Để giải quyết những năm hạn hán bất thường, các nhà máy điện khí thiên nhiên cũng có thể phù hợp với Tứ Xuyên, vì nó được coi là một công nghệ sản xuất điện linh hoạt, cho phép sẵn sàng cung cấp điện năng khi cần.

Không chỉ vậy, Tứ Xuyên còn là một trong những nhà sản xuất khí đốt lớn nhất ở Trung Quốc. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn cung cho các nhà máy chạy bằng khí đốt không phải là một vấn đề.

Những trận mưa trở lại ở Tứ Xuyên vào tuần trước đã cho phép tỉnh dần khôi phục nguồn cung cấp điện cho các nhà máy về mức bình thường.

Dù vậy, đợt hạn hán và nắng nóng năm nay đã bộc lộ tính dễ bị tổn thương của hệ thống điện ở miền Trung Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, các giải pháp để cải thiện khả năng phục hồi rất quan trọng, nhưng chúng cũng cần phải phù hợp nhất với chiến lược cắt giảm khí thải cacbon dài hạn của đất nước

Mở rộng sản xuất điện Mặt Trời và gió ở miền Trung Trung Quốc, cải thiện cơ sở hạ tầng truyền tải điện xuyên tỉnh, đồng thời tăng tỷ trọng năng lượng từ các nhà máy điện khí thiên nhiên có thể giúp Trung Quốc giải bài toán khó này trong tương lai.