Than đá, nhiên liệu hỗ trợ cho thời đại công nghiệp đã đẩy hành tinh đến bờ vực của biến đổi khí hậu thảm khốc. Các nhà khoa học đã nhiều lần cảnh báo về những nguy hiểm của than, thậm chí mới đây một báo cáo khoa học của 13 cơ quan chính phủ Hoa Kỳ cũng cảnh báo thiệt hại từ biến đổi khí hậu có thể làm sụt giảm 10% quy mô nền kinh tế nước này vào cuối thế kỷ nếu các bước quan trọng để kiềm chế sự ấm lên không được thực hiện.
Một báo cáo vào tháng 10 từ hội đồng khoa học của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh thế giới muốn tránh được những thiệt hại tồi tệ nhất từ biến đổi khí hậu thì cần chuyển đổi triệt để nền kinh tế trong vài năm với trung tâm là từ bỏ than.
Vậy nhưng ba năm sau Thỏa thuận chung Paris, trong khi các nhà lãnh đạo thế giới vẫn mải hứa hẹn về hành động ngăn chặn biến đổi khí hậu thì than đá không hề có dấu hiệu sẽ biến mất, thậm chí, năm ngoái, mức sản xuất và tiêu thụ than toàn cầu còn tăng trở lại sau hai năm suy giảm.
Tại sao khó bỏ than đến thế? Vì than là ngành đầy sức mạnh. Nó có hàng triệu tấn dưới lòng đất. Các công ty than đều quyền lực, lại được hỗ trợ dưới hình thức trợ cấp của các chính phủ và ngân hàng. Ngoài ra, lưới điện quốc gia cũng được thiết kế dựa trên than đá. Các nhà máy điện than là một chỗ dựa để các chính trị gia cung cấp điện giá rẻ nhằm duy trì quyền lực của mình. Ngay cả khi năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh thì vẫn còn đó những giới hạn: Năng lượng gió và mặt trời chỉ có khi gió thổi và mặt trời tỏa sáng, và đòi hỏi lưới điện truyền thống phải được trang bị lại.
Rohit Chandra, tiến sĩ về chính sách năng lượng tại Harvard cho biết: “Lý do chính khiến than vẫn tồn tại dai dẳng là chúng ta đã chế tạo nó”.
Bao phủ toàn cầu
Là nơi sinh sống của một nửa dân số thế giới, châu Á chiếm tới 3/4 lượng than tiêu thụ toàn cầu hiện nay. Theo số liệu của Urgewald, một nhóm vận động chính sách của Đức theo dõi sự phát triển của than, châu Á cũng chiếm hơn 3/4 các nhà máy điện than đang được xây dựng hoặc trong giai đoạn lập kế hoạch (khoảng 1.200 nhà máy). Heffa Schücking, người đứng đầu Urgewald, gọi những nhà máy này là “một cuộc tấn công vào các mục tiêu Paris”.
Indonesia đang đào nhiều than hơn. Việt Nam đang giải phóng mặt bằng cho các nhà máy điện than mới. Nhật Bản cũng quay lại với than sau cơn lao đao từ thảm họa điện hạt nhân năm 2011.
Mặc dù vậy, chiến xa của thế giới vẫn là Trung Quốc. Đất nước này tiêu thụ một nửa lượng than đá của thế giới. Hơn 4,3 triệu người Trung Quốc được tuyển dụng vào các mỏ than. Trung Quốc đã tăng thêm 40% công suất than của thế giới kể từ năm 2002, một sự gia tăng rất lớn chỉ trong 16 năm. Carlos Fernández Alvarez, chuyên gia phân tích năng lượng cao cấp tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết “Tôi phải tính toán ba lần. Tôi nghĩ là con số đó sai. Thật điên rồ”.
Trước sự phản đối kịch liệt của công chúng về ô nhiễm không khí, Trung Quốc dần tích cực đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và hiện là nước dẫn đầu thế giới trong việc lắp đặt điện mặt trời và điện gió. Chính quyền Trung ương cũng cố gắng làm chậm quá trình xây dựng nhà máy điện than. Tuy nhiên, theo phân tích của Coal Swarm, một nhóm các nhà nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Kỳ ủng hộ các giải pháp thay thế than, các nhà máy than mới vẫn tiếp tục được xây dựng và các dự án đề xuất khác chỉ bị trì hoãn thay vì dừng hẳn lại. Tiêu thụ than của Trung Quốc tăng trong năm 2017 mặc dù với tốc độ chậm hơn nhiều trước đây, và đang trên đà phát triển trở lại vào năm 2018 sau khi giảm trong những năm trước.
Ngành than của Trung Quốc hiện đang nhốn nháo tìm kiếm các thị trường mới, từ Kenya đến Pakistan. Theo Urgewald, các công ty Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy điện than ở 17 quốc gia. Nhật Bản, đối thủ lớn của Trung Quốc, cũng đang tham gia cuộc chơi: gần 60% các dự án điện than được lập kế hoạch do các công ty Nhật Bản phát triển ở ngoài nước, chủ yếu là do các ngân hàng Nhật Bản tài trợ.
Cuộc đua giữa hai nước này đặc biệt nổi bật ở Đông Nam Á, một trong những tiền tuyến khai thác than cuối cùng của thế giới.
Ngày nay, phần lớn các hộ gia đình ở Việt Nam đều có diện. Tuy nhiên, thủ đô Hà Nội đang trong cơn say xây dựng với nhu cầu tăng cao về xi măng và thép – hai “con nghiện” năng lượng. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển phi mã và dọc theo 1.600 km bờ biển có rất nhiều nhà máy điện than do các công ty nước ngoài – chủ yếu là từ Nhật Bản và Trung Quốc – xây dựng.
Một trong số đó là dự án ở Nghi Sơn, nơi có một khu công nghiệp đang mở rộng. Nhà máy điện đầu tiên được mở ở đây vào năm 2013 do JICA viện trợ và Công ty Marubeni phát triển dự án. Một nhà máy điện than thứ hai, lớn hơn rất nhiều, đang được xây dựng bên cạnh. Marubeni cũng đang xây dựng nó cùng với một công ty Hàn Quốc. Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cấp vốn cho dự án này.
Than hiện chiếm 36% công suất phát điện của Việt Nam và được dự đoán tăng lên 42% vào năm 2030. Để cung cấp cho các nhà máy này, Việt Nam dự kiến cần nhập 90 triệu tấn than vào năm 2030.
Tuy nhiên, các dự án than cũng làm bùng lên sự phản đối của cộng đồng. Người dân đã chặn đường cao tốc vào năm 2015 để phản đối một dự án do Trung Quốc đầu tư ở phía đông nam. Chính quyền tỉnh đã bãi bỏ một nhà máy khác được đề xuất ở đồng bằng sông Cửu Long.
Hầu hết các nhà máy điện than ở Việt Nam đều sử dụng công nghệ cũ, gây ô nhiễm mà nhiều nhà đầu tư, trong đó có Marubeni, gần đây đã hứa sẽ không sử dụng với các dự án trong tương lai. Một phát ngôn viên của công ty trả lời qua email rằng họ sẽ tiếp tục dự án Nghi Sơn “để góp phần cung cấp điện ổn định và tăng trưởng kinh tế”.
Việt Nam cho biết là đang đi đúng hướng để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải theo Thỏa thuận chung Paris. Tương tự là Trung Quốc và Ấn Độ với dấu chân carbon lớn hơn rất nhiều. Nhưng những mục tiêu đó được đặt ra bởi chính các quốc gia, và sẽ không đủ để giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng lên mức độ tai hại. Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, thậm chí dự định quảng bá than tại COP đang diễn ra tại Ba Lan.
Được chính trị hậu thuẫn
Ở nhiều nước, than là lực đẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chi phối đến các đảng chính trị. Các công ty khai thác than của Đức đã nâng đỡ đảng cực tả. Chính phủ cánh hữu của Ba Lan hứa mở các mỏ than mới. Thủ tướng Úc, Scott Morrison, lên nắm quyền như một nhà vô địch về than. Tổng thống Trump cũng hứa hẹn, dù không thành công cho đến nay, trong việc phục hồi các công việc khai thác than và chỉ thị Cơ quan Bảo vệ Môi trường hạ bớt các luật lệ về giảm lượng khí thải từ các nhà máy điện than.
Thông điệp đó có thể được hoan nghênh ở đất nước than của Mỹ nhưng tương lai của ngành công nghiệp này cũng không lấy gì làm hứa hẹn. Đã có nhiên liệu rẻ hơn, bao gồm khí gas thiên nhiên, trong đó gas hiện chiếm khoảng 31% tổng sản lượng điện ở Hoa Kỳ, cùng tỷ trọng như than. Trung Quốc đã áp đặt thuế quan đối với than nhập khẩu từ Hoa Kỳ để ăn miếng trả miếng trong vụ tranh chấp thương mại. Hơn 200 nhà máy điện than đã đóng cửa từ năm 2010, và tiêu thụ than vẫn tiếp tục giảm, trái ngược với tuyên bố sai lầm của Trump. Việc làm trong ngành khai thác than đã giảm mạnh trong thập kỷ qua, mặc dù đạt mức tăng khiêm tốn khoảng 4% trong 18 tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của Trump.
Tuy nhiên, trường hợp của Ấn Độ – nền dân chủ lớn nhất thế giới với dân số 1,3 tỷ người – mới đáng chú ý.
Năm năm trước, tình trạng cắt điện hàng ngày xảy ra thường xuyên ở bang Telangana thuộc miền trung Ấn Độ. Người dân giận dữ vì không có điện để sử dụng vào mùa hè ngột ngạt trong khi các nhà máy phải chạy máy phát điện bằng diesel.
Tình thế đó buộc các quan chức phải tìm mọi cách để giải quyết vấn đề điện. Họ tập trung sản xuất năng lượng mặt trời và trong một thời gian ngắn biến Telangana trở thành nhà sản xuất năng lượng mặt trời hàng đầu ở Ấn Độ. Ngoài ra, họ cũng chuyển sang khai thác than – điều mà các quan chức chính phủ đã dựa vào từ hơn một thế kỷ trước, cụ thể là khai thác mỏ than khổng lồ nằm dưới lòng đất, trải dài trên những ngọn đồi và rừng ở miền trung Ấn Độ.
Telangana hiện có điện suốt ngày đêm, thậm chí nông dân được miễn phí điện để bơm nước. Điều này sẽ tiếp sức cho việc tái cử vào cuối năm nay của K. Chandrashekar Rao, quan chức hàng đầu của Telangana trong các cuộc thăm dò của bang.
Đáng chú ý là Ấn Độ ngày càng đầu tư sâu vào than đá và những mỏ than đều thuộc sở hữu nhà nước. Hầu hết các nhà máy điện cũng thế. Than bao cấp cho cả mạng lưới đường sắt rộng lớn của đất nước.
Người đứng đầu hệ thống đó, Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, dù muốn ghi dấu ấn như một nhà vô địch về năng lượng sạch nhưng chính ông Modi cũng đã khai trương các mỏ than mới. Chính phủ của ông đã thúc đẩy ngành khai thác mỏ bằng cách cấp giấy phép môi trường nhanh hơn, điều khiến các nhà hoạt động môi trường lo lắng. Các công ty nhà nước của Ấn Độ đang xây dựng các nhà máy điện than mới trên toàn quốc, hầu hết được các ngân hàng công cấp vốn.
Bộ trưởng năng lượng Ấn Độ Ajay Bhalla cho biết khoảng 50 gigawatt công suất than bổ sung đang được xây dựng. Đó là một phần của những gì được phát triển từ cả thập kỷ trước khi nhu cầu năng lượng của Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng cao. Nhiều nhà máy trong số này là để thay thế những cái cũ hơn, gây ô nhiễm nhiều hơn nhưng than đá sẽ không sớm suy tàn cho đến khi có một cách rẻ tiền và hiệu quả để lưu trữ năng lượng từ năng lượng mặt trời và gió.
Các nhà phân tích nói rằng Ấn Độ phải trang bị lại lưới điện cho kỷ nguyên hậu than đá. Công nghệ ắc quy đang tiến nhanh. Lưới điện siêu nhỏ có thể thay thế các hệ thống điện truyền thống. Nhiều nhà máy điện than hiện đang chạy dưới công suất, một số nhà máy thậm chí chỉ chạy cầm chừng, và các tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng mới có thể giảm nhu cầu đến mức khiến nhiều nhà máy điện than đắt đỏ trở thành dư thừa. Nhưng vẫn còn thứ bị kẹt lại: Các ngân hàng công đã cấp vốn cho điện than.
Hiện tại, than đá chiếm 58% tổng năng lượng của Ấn Độ.
“Không phải là tôi đang rất sẵn lòng sử dụng than”, ông Bhalla nói “mà tôi bắt buộc phải sử dụng”.
Nhật Anh (Theo New York Times)