Phát hiện gián biển khổng lồ tại Indonesia

Kích thước của loài gián biển này khiến những người gan dạ nhất cũng phải giật mình khi nhìn thấy.

Nhóm nghiên cứu được dẫn dắt bởi Peter Ng, giám đốc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Lee Kong Chian thuộc Đại học Quốc gia Singapore vừa công bố loài sinh vật biển mới gọi là Bathynomus raksasa, thuộc chi chân giống khổng lồ (Bathynomus), bộ chân đều (Isopoda).

Con gián biển này có chiều dài lên đến 50 cm. (Ảnh: Practical Fishkeeping)

Theo Mashable, đây là một con Isopoda khổng lồ, thường ăn xác động vật biển đã chết dưới đáy đại dương. Chúng còn được gọi là gián biển vì có nhiều nét tương đồng với loài côn trùng đáng sợ luôn ẩn nấp trong nhà chúng ta. Tuy nhiên, hãy yên tâm bởi Bathynomus raksasa không thể bay.

Đây là kết quả từ cuộc khảo sát vào năm 2018 tại vùng biển ngoài khơi phía nam tỉnh Tây Java (Indonesia). Hợp tác với Trung tâm nghiên cứu Hải dương học thuộc Viện Khoa học Indonesia, nhóm nghiên cứu đã thu thập hàng nghìn sinh vật trên khắp 63 khu vực khảo sát trong 2 tuần.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các công cụ như lưới kéo, máy nạo vét, box corer (dụng cụ lấy mẫu địa chất biển)… để thu thập các sinh vật. Độ sâu trung bình mà các mẫu vật được lấy là 800 m, nơi sâu nhất là 2.100 m.

Trong cuộc khảo sát, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy hơn 12.000 sinh vật biển, thuộc hơn 800 loại khác nhau đến từ 200 họ bọt biển (sponges), sứa, động vật thân mềm, sao biển, nhím, giun, tôm, cua, cá và 12 loài sinh vật biển mới.

Dù tìm thấy rất nhiều sinh vật mới nhưng sau 2 năm từ cuộc kháo sát, loài Bathynomus raksasa mới được công bố chính thức.

Bạn hãy yên tâm bởi con gián này không bay được. (Ảnh: LKCNHM/Facebook/Instagram)

Những con “gián biển” (Bathynomus) có đủ hình dạng và kích cỡ, chiều dài trung bình là 33 cm, tuy nhiên một số loài có thể dài đến 50 cm như Bathynomus raksasa. Giống như gián trên mặt đất, những con gián biển này có thể tồn tại trong thời gian dài mà không cần thức ăn.

Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London (Anh), những con gián biển này có kích thước lớn là do động vật săn mồi tự nhiên trong môi trường biển sâu khá ít, tạo điều kiện cho chúng ăn nhiều hơn. Ngoài ra, do lượng thịt khá ít nên chúng không bị hấp dẫn bởi các loài săn mồi khác.