Dung dưỡng cho cái sai?

ThienNhien.Net – Hàng loạt vụ việc bị dư luận phát hiện, lên tiếng một cách dồn dập trong những ngày qua như  xây khu du lịch  trái phép ở Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Hòn Bà (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), đào khoét ngọn danh sơn Lang Biang thuộc Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) Lang Biang được thế giới công nhận, resort xây trái phép ở Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì, đại công trường khai thác cát lậu trên sông Đuống (qua xã Đào Viên, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), phá rừng KBTTN Sơn Trà (Đà Nẵng) nhiều tháng trời mà kiểm lâm không hề hay biết…, cho thấy đã có một lỗ hổng rất lớn từ cơ sở.

Doanh nghiệp đưa máy móc đến san ủi, tác động nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường ở chân núi Lang Biang. Ảnh: Mai Vinh.
Doanh nghiệp đưa máy móc đến san ủi, tác động nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường ở chân núi Lang Biang. Ảnh: Mai Vinh.

KBTTN Hòn Bà có độ cao 1.578 mét so với mực nước biển, mát mẻ quanh năm nằm cách TP biển Nha Trang hơn 50 km.  Các nhà khoa học ghi nhận nơi này có đến 592 loài thực vật bậc cao (trong đó có 43 loài quý hiếm xếp trong sách đỏ Việt Nam như pơ mu, thông lá dẹt, hồng quang, trắc mun, gõ đỏ, mun xoay…), 255 loài động vật (trong đó có loài đặc hữu như Vọọc chà vá chân đen, Vượn bạc má). Ngoài hệ động – thực vật đa dạng, phong phú, KBTTN Hòn Bà còn là nơi bác sỹ  Alexandre Yersin lập trại nghiên cứu cống hiến cho y học từ những năm đầu của thế kỷ XX.

Những ngày cuối tháng 3/2016, dư luận phát hiện tại KBTTN Hòn Bà đã hoàn thiện 1 khu du lịch xây trái phép với nhiều hạng mục xây dựng. Nhiều cây rừng bị chặt hạ, đỉnh núi Hòn Bà bị doanh nghiệp đưa máy móc đến san ủi, tác động nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường.

Từ năm 2012, ngành chức năng của Khánh Hòa kiểm tra hoạt động xây dựng tại đây và đã có báo cáo gửi cấp trên nêu rõ doanh nghiệp xây nhiều hạng mục công trình để khai thác du lịch mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đã vi phạm Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Báo cáo cũng cho rằng  không quản lý chặt chẽ thì khu du lịch sẽ gây nguy hại cho KBTTN Hòn Bà. Báo cáo là vậy nhưng việc xây dựng, tác động, thay đổi cảnh quan thiên nhiên tại KBTTN Hòn Bà vẫn diễn ra.

Tháng 7/2012, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường 125 triệu đồng đối với doanh nghiệp đầu tư, xây dựng khu du lịch nhưng không buộc tháo dỡ công trình sai phạm. Xây dựng, san ủi mặt bằng, chặt hạ gỗ rừng gây tổn thất không gì bù đắp đối với thiên nhiên Hòn Bà nhưng doanh nghiệp chỉ phải bỏ ra trên 1 trăm triệu đồng nộp phạt và coi quyết định xử phạt như lá bùa để tiếp tục công việc còn dang dở!

Tương tự là vụ việc xây dựng trên 50 căn biệt thự không phép ở 2 xã Yên Bài, Vân Hòa (Ba Vì, Hà Nội). Tại đây một số cá nhân đã mua  hơn 5 ha đất   của người dân, xây dựng biệt thự – nhà vườn rồi  chuyển nhượng, mua bán trái phép. Trước thông tin được dư luận phản ánh về hình thức “phạt, cho tồn tại” vì nếu buộc tháo dỡ sẽ gây lãng phí những căn biệt thự xây trái phép; nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng  “Tư duy theo hướng phá bỏ các biệt thự không phép sẽ gây lãng phí thì không bao giờ chúng ta có một Nhà nước pháp quyền cả. Thực tế, đó không thể gọi là lãng phí mà chính là cái giá cần phải trả cho một Nhà nước pháp quyền”.

Trước đó, dư luận cũng phanh phui khu resort 4 sao xây không phép ngay trong VQG Ba Vì. Giám đốc VQG Ba Vì bày tỏ vì quá nể nang doanh nghiệp nên bỏ qua sai phạm trong khi doanh nghiệp đầu tư lại nói rằng họ nóng lòng xây cho xong khu resort vì  tin tưởng quy hoạch đã được phê duyệt!

KBTTN Sơn Trà được coi là báu vật của TP Đà Nẵng với đa dạng sinh học vô cùng phong phú, là sinh cảnh sống quần thể bầy đàn Vọoc chà vá chân nâu đặc biệt quý hiếm cũng bị doanh nghiệp và tư nhân tác động, hủy hoại. Trên 1.000 ha rừng bị cắt, giao cho 200 hộ gia đình đã bị chỉ đạo thu hồi vào những ngày đầu tháng 3/2016 nhưng dư luận chưa thể yên tâm vì đã và đang có sự tác động rất xấu của doanh nghiệp dưới danh nghĩa xây khu du lịch sinh thái tại KBTTN này.

Cho đến nay công trình “biệt phủ” xây trái phép ở rừng đặc dụng Nam Hải Vân của Đà Nẵng vẫn chưa thể dứt điểm – dù địa phương có những động thái kiên quyết.

Mới đây nhất, là vụ hàng trăm người dân, đưa máy móc vào san ủi mặt bằng dưới chân ngọn núi Lang Biang thuộc KDTSQ được thế giới công nhận. Sau khi vụ việc được dư luận lên tiếng, giới khoa học đặc biệt bày tỏ lo ngại, cho rằng san lấp, đào xới ồ ạt quanh chân núi Lang Biang còn ảnh hưởng đến vùng bên dưới Lang Biang, trong đó có TP Đà Lạt.

Khi vùng đệm bị tổn thương với diện tích lớn, chuyện vùng lõi Lang Biang bị tổn thương chỉ là vấn đề thời gian. Biến đổi địa hình vùng chân Lang Biang được một số nhà khoa học phân tích sẽ làm tăng xói mòn, tăng hệ số dòng chảy, giảm hệ số thấm khiến khu vực Đà Lạt dễ dàng xảy ra lũ khi mưa lớn và nước ngầm cũng suy giảm mạnh. Sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo một ngành chức năng sở tại thừa nhận không chỉ san ủi vùng đệm với lý do làm nhà kính trồng hoa mà người ta  còn bên trong KBTTN, đồng thời nhấn mạnh vụ việc xảy ra có phần trách nhiệm của VQG Bidoup – núi Bà.

Không phải ngẫu nhiên mà doanh nghiệp, cá nhân lại nhắm vào các KBTTN, KDTSQ VQG hay rừng đặc dụng để đầu tư, xây dựng công trình và cũng không phải ngẫu nhiên mà những vụ việc xây dựng trái phép bị dư luận lên tiếng phanh phui đều có những ý kiến trái chiều nhau từ đia phương và cấp – ngành quản lý. Đơn cử như vụ hơn 50 biệt thự xây trái phép ở Yên Bài, Ba Vì Hà Nội. Lãnh đạo  xã khẳng định biết vụ việc, báo cáo lên huyện nhiều lần, trong khi đó đại diện lãnh đạo huyện lại nói rằng trách nhiệm thuộc về xã.

Sự thờ ơ, tắc trách đến khó hiểu của địa phương sở tại (cấp xã, phường, quận, huyện) là môi trường tốt nhất, hoàn hảo nhất để cái sai và những vi phạm pháp luật trắng trợn tồn tại, lộng hành, đặt bộ máy công quyền, cơ quan chức năng cấp trên trước tình huống của “việc đã rồi”, luôn phải chạy theo hết sai phạm này đến sai phạm khác – như vận động viên đã rã rời nhưng vẫn cứ phải chạy mà không biết bao giờ mới đến đích của đường đua.