Giữ yên những dòng sông

ThienNhien.Net – Việc bộ đội biên phòng TP Hồ Chí Minh hôm 9/8 đã phải nổ súng nhiều lần để quyết vây bắt 3 ghe hút cát và 2 xà lan chở cát trái phép trên sông Đồng Tranh (giáp ranh huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cho thấy các cơ quan chức năng tỏ thái độ kiên quyết đấu tranh với nạn cát tặc, nhưng cũng chứng tỏ tình trạng cát tặc vẫn diễn ra nan giải.

Vấn nạn cát tặc đã và đang để lại nhiều hệ lụy, nhất là khi mùa mưa lũ đã đến, rất cần phải tiếp tục có những biện pháp đặc trị, giữ yên những dòng sông.

Cùng với các loại “tặc” như lâm tặc, thì cát tặc, một loại “tặc” trong việc khai thác tài nguyên cát đã và vẫn làm đau đầu các cơ quan chức năng. Đất nước phát triển, đẩy mạnh hiện đại hóa, công nghiệp hóa, yêu cầu xây dựng càng tăng thì tài nguyên cát càng là nhu cầu thiết yếu của cả xã hội.

Đặc thù của nước ta, tỉnh nào, nơi nào cũng có các con sông, con suối, nơi cũng có thể dễ dàng khai thác cát mang lại nguồn lợi nhuận lớn. Từ đó, cát tặc đã như con thiêu thân, ngày đêm đục khoét, chộp giựt ở bất cứ nơi nào có thể. Khi lực lượng chức năng, chính quyền lơi lỏng thì loại tặc này hoạt động công khai, rầm rộ. Khi cơ quan chức năng, chính quyền ráo riết quản lý, ngăn chặn thì họ lui vào hoạt động bí mật, chộp giựt.

Cùng với vấn nạn này kéo theo tình trạng móc ngoặc, bắt tay, hối lộ, bao che… của một số cán bộ công quyền; sự núp bóng đủ các dạng như nạo vét dòng sông, các dự án khai thác hợp pháp dưới việc mua đất, cải tạo đất.v.v..

Với vấn nạn cát tặc, chưa có những con số thống kê, nghiên cứu cụ thể nhưng sự thiệt thòi trước hết là những người dân có đất sử dụng nơi cạnh sông, cạnh suối. Hầu như nơi nào cũng có tình trạng sạt lở làm mất những khu bãi ruộng ven sông của người dân. Mất ruộng đất, thậm chí mất cả nhà. Không ít nơi, người dân đã phải huy động cả làng, xã canh chừng để bảo vệ sông, bảo vệ đất.

Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là vấn nạn cát tặc đã gây ra hệ lụy làm ảnh hưởng đến hệ thống đê kè, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến cả môi trường sinh thái, nhiều làng mạc, thành phố trong tương lai, trực tiếp là nỗi lo vỡ đê trong mùa mưa lũ. Có những hệ lụy khó có thể khắc phục, hoặc phải khắc phục với nhiều chi phí lớn từ cái lợi nhỏ trước mắt do cát tặc gây ra. Cũng chính vì điều này mà các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cùng người dân đã đồng tâm, nhất trí, quyết tâm ngăn chặn tình trạng cát tặc.

 Khai thác trái phép cát trên sông vẫn chưa được xử lý triệt để.
Khai thác trái phép cát trên sông vẫn chưa được xử lý triệt để

Xung quanh nạn cát tặc, những năm qua, MTTQ Việt Nam đã tích cực vào cuộc. Trung ương MTTQ Việt Nam đứng đầu là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã rất quan tâm vấn đề này. Đây là một trong những nội dung đã được Mặt trận Trung ương cùng Mặt trận các cấp tích cực phối hợp thực hiện trong công tác giám sát, đấu tranh.

Trung ương MTTQ Việt Nam đã có những cuộc họp cùng lãnh đạo MTTQ các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và các cơ quan, ban ngành có trách nhiệm như Công an TP Hà Nội, Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an, các cơ quan truyền thông về vấn đề này, báo cáo Chính phủ có các giải pháp cụ thể.

Hà Nội là một trong những địa phương đã có nhiều kết quả trong công tác này. Mấy năm qua, hàng trăm vụ khai thác cát trái phép đã bị phát hiện, bắt giữ , thu về ngân sách nhiều tỷ đồng. Ngay trong năm 2015 này, nhiều vụ đã được phát hiện, xử lý. Như vụ kiểm tra, thu giữ 10 phương tiện đang hoạt động khai thác trên tuyến sông Hồng thuộc địa phận xã Vạn Điểm và Thống Nhất (Thường Tín) vào ngày 5/1. Hay ngày 14/4, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 42 phương tiện trong đó có 15 tàu cuốc, 5 tàu hút, 2 tàu tiếp dầu, 20 tàu vận tải, thu giữ 4.000 m3 cát của Công ty TNHH thương mại và xây dựng AT, xác định Công ty này khai thác cát vượt 3 đến 4 lần so với giấy phép…

Từ các vụ việc, nhiều vấn đề bất cập đã đặt ra, như Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã đặt vấn đề: Vì sao việc khai thác cát không phép diễn ra công khai, trong thời gian dài. Phương tiện không có giấy chứng nhận kỹ thuật vẫn lưu thông? Người điều khiển phương tiện không có giấy phép vẫn lái tàu và biết cát không rõ nguồn gốc, cát được khai thác trái phép vẫn mua?…

Chống nạn cát tặc thật không dễ dàng. Người dân ở Krông Nô- Đắc Nông, đấu tranh chán, mỏi mệt đành phải bán ngay những phần ruộng của mình ở bờ sông cho những kẻ khai thác cát trái phép. Cát tặc lại chuyển hoạt động về đêm, nơi địa bàn giáp ranh các huyện, tỉnh…Và như vậy, chống cát tặc cần phải có biện pháp xử lý mạnh, xử lý cụ thể. Như việc phải phối hợp đồng bộ, kiên quyết, kể cả phải nổ súng như bộ đội biên phòng TP Hồ Chí Minh.

Ngay như phương tiện chở cát, như Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu: “Phát hiện những phương tiện không có giấy chứng nhận đảm bảo kỹ thuật, tùy theo mức độ để xử lý phạt hành chính cho đến tịch thu và làm rõ trách nhiệm những người lái tàu không có chứng chỉ đủ điều kiện phương tiện…để xử lý triệt để và chặt chẽ”.

Nhu cầu cát xây dựng, khai thác cát là một nhu cầu tất yếu. Vấn đề cần phải có những khảo sát, quy hoạch cụ thể các mỏ, các khu vực có thể cho phép khai thác, tránh thất thoát. Đặc biệt, xử lý thật nghiêm, phạt thật nặng các hành vi khai thác trái phép, khai thác không đúng địa điểm, khối lượng. Cùng với phạt hành chính, là việc truy cứu trách nhiệm hình sự. Có như vậy, tình trạng khai thác cát trái phép trên những dòng sông mới có thể được cải thiện, nạn cát tặc mới có thể chấm dứt.