Hiệu quả từ mô hình trồng táo trong nhà lưới

Trồng táo trong nhà lưới không những giúp bà con nông dân giảm tác hại sâu bệnh, công chăm sóc và giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), mà còn góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mô hình đã và đang được nông dân ở nhiều địa phương áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trồng táo trong nhà lưới giúp nông dân giảm chi phí sản xuất

Hạn chế ruồi vàng

Gắn bó với cây táo hồng trên 20 năm, ông Trương Văn Tường (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn, An Giang) rất tâm đắc với cây trồng này. Theo ông Tường, táo hồng dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao… Tuy nhiên, dù có nhiều kinh nghiệm nhưng việc canh tác cũng gặp khó khăn do thường xuyên bị sâu bệnh gây hại, đặc biệt là ruồi vàng.

Ông Tường chia sẻ: “Ruồi vàng là loại côn trùng rất nguy hiểm cho cây táo, khi ruồi vàng chích vào trái, sinh trứng và nở ra ấu trùng sống bên trong khiến trái thối, rụng. Để hạn chế thiệt hại do đối tượng này gây ra, trước đây tôi thường sử dụng thuốc BVTV. Tuy nhiên, việc này chỉ mang lại hiệu quả lúc đầu, dần dần, ruồi vàng kháng thuốc, rất khó điều trị, phải phun thuốc nhiều lần. Điều này rất tốn chi phí và nhân công, chưa kể đến việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thấy vậy, năm 2015 tôi quyết định đầu tư chi phí, xây dựng nhà lưới để trồng táo”.

Nhà lưới của ông Tường được thiết kế theo kiểu “dã chiến”. Ngoài sử dụng sắt để làm phần khung bên ngoài (khoảng cách mỗi trụ khoảng 5m), ông còn sử dụng thêm các loại cây tạp như: tre, tầm vong… Cách làm này đã giúp ông tiết kiệm chi phí trong việc xây dựng nhà lưới, chi phí ước tính khoảng 7 triệu đồng/công (1.000m2). Theo ông Tường, trong quá trình canh tác, ông không sử dụng nhà lưới liên tục mà chỉ đợi đến lúc ra hoa mới kéo lưới lại, nhờ vậy thời gian sử dụng lưới được kéo dài ra.

Sau 5 năm sử dụng nhà lưới, ông Tường đánh giá: “Trồng táo trong nhà lưới giúp tăng tỷ lệ đậu trái sau khi thụ phấn. Trái được bảo vệ nên tránh được các loại sâu, bệnh gây hại, đặc biệt là ruồi vàng nên chất lượng trái được đảm bảo. Ngoài ra, do không có các loại côn trùng gây hại nên công chăm sóc bỏ ra cũng ít hơn, hạn chế được việc sử dụng thuốc BVTV nên táo cho chất lượng sạch, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Ngoài giúp bảo vệ trái tránh khỏi các loại sâu hại, trồng táo trong nhà lưới còn giúp cản bớt ánh sáng mặt trời chiếu vào trái, bảo vệ trái không bị nám vỏ, sậm màu. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp che bớt sương muối làm thiu lá, gẫy cành, rụng bông, trái. Đồng thời, giúp điều tiết khí hậu, tạo môi trường thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển tốt…

“Nếu so về năng suất, trồng táo trong nhà lưới có thể thấp hơn táo bên ngoài nhưng chất lượng đạt hơn. Ngoài ra, mặc dù giá bán cao hơn thị trường gần gấp đôi nhưng khách hàng rất ưa chuộng, do đây là sản phẩm sạch, người dân được xem tận vườn nên rất tin tưởng” – ông Tường chia sẻ.


Kết hợp dịch vụ

Tại huyện Châu Phú, ông Nguyễn Văn Chín (xã Mỹ Phú) cũng thực hiện mô mình trồng táo trong nhà lưới với diện tích 1.000m2. Với cách làm này, mỗi đợt thu hoạch, gia đình ông Chín thu lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng.

Theo ông Chín, táo được trồng theo truyền thống thì chi phí sử dụng thuốc hóa học khá nặng. Khi có nhà lưới sẽ giúp giảm chi phí sản xuất lên đến 70%. Lợi nhuận giữa nhà lưới và không nhà lưới chênh lệch nhau khoảng 50%. Đặc biệt, táo trồng trong nhà lưới cho trái to, da trái bóng đẹp, chín vàng đồng đều. Khi thưởng thức, táo chắc thịt, giòn, ngọt và không có sâu như các loại táo bán trôi nổi trên thị trường.

“Trước đây, khoảng 4-5 ngày xịt sâu 1 lần. Từ ngày có nhà lưới, tôi ít xịt thuốc BVTV hơn, bà con sử dụng cũng yên tâm hơn. Thời gian tới, nếu có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục phát triển mô hình này” – ông Chín thông tin.

Có thể thấy, việc sử dụng nhà lưới để áp dụng trong nông nghiệp nói chung, đối với mô hình trồng táo nói riêng là biện pháp hết sức cần thiết, góp phần mang lại những sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.