Bhutan phản ứng kịch liệt yêu sách kỳ lạ của Trung Quốc

Chính phủ Bhutan đã gửi công hàm để phản đối yêu sách từ phía Trung Quốc đòi chủ quyền đối với khu vực bảo tồn động vật hoang dã Sakteng (SWS).

Trước đó, Bhutan cũng gửi công hàm với nội dung tương tự cho Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), phản đối mạnh mẽ những tài liệu đặt ra nghi vấn về chủ quyền của Bhutan đối với khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng (SWS).

Trong thời gian gần đây, nhiều cuộc biểu tình cũng được tổ chức tại Bhutan nhằm lên án tuyên bố đòi chủ quyền từ phía Trung Quốc. SWS nằm ở huyện Trashigang thuộc phía Đông của Bhutan, giáp với vùng biên giới Trung – Ấn.

Tại hội nghị trực tuyến của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) hôm 2-3/6, Trung Quốc đã tuyên bố khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng (SWS) là lãnh thổ đang bị tranh chấp với Bhutan.

Chính phủ Bhutan đã gửi công hàm để phản đối yêu cầu đòi chủ quyền từ phía Trung Quốc đối với khu vực bảo tồn động vật hoang dã Sakteng. Ảnh: National Geographic.

Cụ thể, khi Hội đồng GEF thảo luận về nguồn ngân sách cho SWS, đại biểu Trung Quốc phản đối với lý do khu bảo tồn nằm trong khu vực tranh chấp của Bhutan và Trung Quốc.

Tuyên bố này khiến cả hội đồng bất ngờ, song ban thư ký GEF đã bác bỏ luận điểm của Trung Quốc, đồng thời chỉ ra SWS nằm trong vùng lãnh thổ có chủ quyền của Bhutan.

Trong suốt buổi họp, đại diện từ phía Trung Quốc liên tục nhấn mạnh cần viết thêm vào phần chú thích của phiên làm việc là: “Trung Quốc phản đối dự án này vì dự án nằm trong khu vực tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc”.

Bhutan bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, tuyên bố khu bảo tồn Sakteng là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Bhutan và chưa từng tranh chấp với bất kỳ nước nào. Trong một công hàm gửi tới GEF, Bhutan kêu gọi hội đồng loại bỏ mọi tài liệu tham khảo về yêu sách vô căn cứ này.

Bhutan và Trung Quốc phát sinh tranh chấp biên giới từ nhiều thế kỷ trước. Song cuộc đàm phán giữa chính phủ hai nước chỉ giới hạn ở 3 khu vực tranh chấp, không bao gồm SWS.

Trung Quốc đòi yêu sách với khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng của Bhutan.

Từ năm 1984, hai bên đã tổ chức 24 vòng đàm phán để giải quyết tranh chấp nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp chung.

Trên thực thế, từ trước tới nay chưa có vụ tranh chấp nào đối với khu bảo tồn này, dù ranh giới giữa Bhutan và Trung Quốc vẫn chưa được phân định.

Từ trước tới nay, khu bảo tồn động vật hoang dã này chưa bao giờ được nhận tài trợ quốc tế. Đây là lần đầu tiên khu bảo tồn Sakteng được đưa vào dự án mang tính toàn cầu, và Trung Quốc đã ngay lập tức coi đây là cơ hội để tuyên bố yêu sách đối với khu vực này, theo India Today.