Những “đứa trẻ” ngộc nghệch của đại ngàn trong vòng tay “bảo mẫu”


Tôi đến với Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk khi trời đã về chiều. Lúc này, các “bảo mẫu voi” – kỹ thuật viên trong tổ chăm sóc voi – đang tắm cho Cu Sứt. Chú voi đực đang khua khoắng cái chân trái đứt hết ngón trong làn nước mát, ra chiều khoái chí.

Cái chân trái mất hết móng và nửa sau, cái vòi hằn sẹo và rách một lỗ tròn là nỗi đau mà chú voi này phải gánh chịu, hậu quả của nạn săn bắt thú hoang dã tại Việt Nam. Cu Sứt cũng vì thế mà có cái tên đầy ngậm ngùi này.

Những chú voi được cứu hộ không chỉ mang vết thương trên cơ thể, mà còn chịu đựng cả những sang chấn về tinh thần.

Đúng vào ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học 7 năm trước (22/5/2013), Cu Sứt ở tuổi lên 5 được lực lượng phối hợp giữa Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk và Vườn Quốc gia Yok Đôn tổ chức thả về rừng, sau 8 ngày chăm sóc đặc biệt.

Các nài voi đã cứu được chú voi con khi đó khoảng 5 tuổi- có đôi ngà cân xứng, đẹp, dài hơn hai tấc, trong tình trạng vòi bị kẹp cứng vào chiếc bẫy sắt. Bàn chân trái cũng bị sợi cáp của một chiếc bẫy thòng lọng siết chặt, nhiễm trùng nặng. Voi hoảng sợ lẩn trốn, nên đoàn cứu hộ gồm cả chục cán bộ nhân viên của 2 đơn vị Vườn quốc gia Yok Đôn, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cùng các nài voi giỏi và 1 cặp voi lớn đã thuần dưỡng phải lùng sục, bao vây cả tuần lễ mới dong được về, cột vào thân cây cổ thụ sau trạm kiểm lâm số 9 để cứu chữa.

Cứu hộ voi hoang dã – công việc đầy khó khăn – đang góp phần bảo vệ loài voi, biểu tượng của đại ngàn Tây Nguyên.

Cuộc điều trị công phu diễn ra mới được 8 ngày, các vết thương chưa lành hẳn thì các cán bộ cứu hộ nhận tin lại có 1 đàn voi hoang kéo về vùng rừng này. Cảnh giác khả năng đàn voi rừng có thể tấn công khu điều trị để cứu voi con, lực lượng phối hợp phải quyết định thả lại Cu Sứt về rừng. Họ hy vọng môi trường tự nhiên có thể giúp Cu Sứt lành hẳn các vết thương.

Thế nhưng sau hơn 6 năm bị vướng bẫy rồi được Trung tâm bảo tồn Voi cùng Vườn quốc gia Yok Đôn phối hợp cứu hộ, chăm sóc vết thương để thả về rừng, voi Cu Sứt đã trở lại vùng rừng khộp giữa 2 tỉnh Đắk Lắk – Đắk Nông. Đáng nói, Cu Sứt cô độc và cái chân đau vẫn chưa lành. Tháng 11/2019, Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk đã lên kế hoạch lần thứ 2 cứu hộ chú voi hoang dã. Cu Sứt lại được đưa về lại ngôi nhà nơi mình được chăm sóc mình xưa kia, được điều trị vết thương. Tuy nhiên đến nay, các cán bộ cứu hộ voi vẫn chưa thể biết ngày có thể đưa Cu Sứt về lại với tự nhiên do các chuyên gia quốc tế của Tổ chức Động vật châu Á (AAF) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) vẫn chưa thể sang bàn phương án do dịch COVID-19.

*Năm 2020 cũng là tròn 4 năm voi Gold được giải cứu. Nhớ lại ngày đầu cứu hộ (28/3/2016), voi đực con mới khoảng 2 tháng tuổi, nặng 100 kg, cao 90 cm, bị rơi xuống giếng cạn tại lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh (khu vực hồ Ea Súp thượng, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk). Người dân đi làm nương rẫy phát hiện đã báo với Công ty Lâm nghiệp, Hạt Kiểm lâm,Trung tâm Bảo tồn voi và ngay sau đó Trung tâm cùng các đơn vị chức năng đã đến cứu hộ.

Để có thể chăm sóc một con voi lạc mẹ có tuổi còn quá nhỏ như Gold, Trung tâm đã dồn hết sức người, sức của. Hằng ngày có 2 tổ chăm sóc thay nhau tức trực để cho bú sữa và theo dõi tình trạng sức khỏe của voi con để cập nhật, cung cấp hàng ngày cho ban giám đốc và các chuyên gia về voi trong và ngoài nước. Đặc biệt việc cho voi con bú sữa 3 lần ban đêm rất khó nhọc. Cả khi chú voi con bỏ ăn hoặc tiêu chảy thì các bác sỹ thú y của Trung tâm, các nhân viên chăm sóc voi lại phải tìm cách điều trị, tìm cách khắc phục như: thay đổi loại sữa, loại thuốc và có lúc theo ý kiến chuyên gia phải đi tìm, đi lấy phân voi cái, phân voi mẹ về cho voi con ăn để bổ sung men vi sinh, men tiêu hóa tự nhiên.

Voi con Gold ngã xuống giếng cạn (trái) và hình ảnh kỷ niệm một năm được cứu hộ trong niềm hân hoan của các “bảo mẫu”.

Những cái tên chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước như Jake Veasey, SuSan, Willem, Erin, Ellen, Nguyễn Tam Thanh, Tuấn Bendixen thuộc các tổ chức Tổ chức Động vật châu Á, Tổ chức chăm sóc voi quốc tế, Tổ chức phúc lợi động vật hoang dã, Vườn thú North Carolina… dần trở thành các nhà tư vấn hỗ trợ các cán bộ nuôi cho Gold lớn.

Qua 4 năm chăm sóc, hiện nay voi Gold phát triển tốt, cân nặng được hơn 800 kg, cao gần 160 cm, khỏe mạnh. Đây là một kỳ tích chưa từng có ở Việt Nam và ngay cả thế giới cũng hiếm, bởi tỷ lệ sống sót của voi con do con người tự nuôi rất thấp khi không có voi mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng. Voi Gold giờ đây đúng là “báu vật” của Trung tâm bảo tồn voi, bởi bao nhiêu tâm sức của các cán bộ nơi đây đã dồn cả vào chú voi bé nhỏ ngày nào này.

Tình trạng đồng bào di dân tự do đang sống trong vùng đệm của Vườn vẫn quen tập quán săn bắn, đặt bẫy thú rừng là một tệ nạn đau đầu và đòi hỏi sự ngăn chặn quyết liệt. Hàng chục loại bẫy thú vẫn đang đe dọa làm hại đàn voi hoang dã – biểu tượng của Tây Nguyên – dù lực lượng bảo vệ Vườn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến trong các thôn làng quanh vùng đệm về các quy định bảo vệ, cấm mua bán săn bắt, bẫy hại động vật hoang dã.

Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk kể từ khi được thành lập năm 2010 đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn cho phần linh hồn của đại ngàn Tây Nguyên sống mãi.

Cu Sứt với cái vòi còn nguyên dấu các vết cứa thích thú đùa nghịch trong làn nước mát.

Từng lứa voi hoang dã được “giải cứu” tại Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk được chăm sóc rất tận tình, chu đáo. Cu Sứt, Gold sống sót nhờ cứu hộ hay cô voi Bắc On do Trung tâm hỗ trợ sinh sản, đều là những “bảo vật” của nơi này.

Hàng ngày, chăm sóc cho các chú voi hoang dã là cả một tổ chăm sóc voi cứu hộ gồm các anh Ninh, Phú, Quân…, bác sĩ thú y Chung, Thịnh. Ngay cả giám đốc trung tâm Huỳnh Trung Luân cũng sẵn sàng tham gia vào công tác này. Các anh vẫn đùa những chú voi được chăm sóc như những vị khách của một spa hạng sang, được làm móng, được massage, được tâm tình mỗi ngày.

Được chăm sóc mỗi ngày, voi hoang dã đã rất quen thuộc với người và sẵn sàng hợp tác với các “bảo mẫu”.
Theo các cán bộ chăm sóc voi, những con voi cứu hộ ở đây đều là voi hoang dã được đưa về trong tình trạng mắc bẫy bị thương hoặc gặp các vấn đề về sang chấn tâm lý. Vì thế công tác chăm sóc cũng phải được đặc biệt chú ý để voi phục hồi cả về sức khỏe lẫn tâm lý.
Giũa tỉa móng cho voi, công việc được coi là quan trọng nhất trong quá trình chăm sóc voi cứu hộ.

Đang hí hoáy giũa móng cho Cu Sứt là “thạc sĩ chăm sóc voi” Phan Phú – Tổ trưởng tổ chăm sóc voi. Anh Phú được xem là nài voi giàu kinh nghiệm nhất tại Trung tâm, cho biết, trọng lượng cơ thể voi nặng dồn hết lên móng nếu không mài móng thì một số phần móng khi đè xuống tạo thành các nếp nhăn có thể gây ra tổn thương về móng, thậm chí sẽ bị áp xe móng. Nếu không chăm chỉ mài giũa, voi có thể không đi được hoặc cũng có thể xỉu ngay khi đang đi. Vấn đề này ít gặp với voi tự nhiên nhưng sẽ là mối họa với voi nuôi nhốt. Như vậy, công việc của người chăm sóc sẽ gọt bớt móng cho bằng với phần đệm của chân thì trọng lực sẽ dần đều lên cả bàn chân.

Cây, lá non là nguồn thức ăn dồi dào cho voi.

Anh Phú chia sẻ thêm: “Công tác chăm sóc cho voi như giũa móng, tắm rửa, kiểm tra răng miệng, kiểm tra các khớp chân… phải được tiến hành mỗi ngày. Bên cạnh đó, những con voi ở đây đều được định kỳ kiểm tra sức khỏe một năm hai lần hai lần một năm. Ở các đợt kiểm tra định kỳ này, voi sẽ được tẩy giun sán, cân trọng lượng. Mỗi khi có bệnh thì sẽ có bác sĩ thú y ở trung tâm kiểm tra và đưa ra phác đồ điều trị.”

Nhìn anh “bảo mẫu” Ninh hướng dẫn Cu Sứt đưa chân qua rào để kỳ cọ từng kẽ chân khiến tôi không khỏi trầm trồ. Đã thành thói quen, Cu Sứt há miệng ra cho người chăm sóc kiểm tra răng miệng. Chiếc vòi sứt vẫn còn nguyên vết sẹo và lỗ rách, dấu vết của chiếc bẫy găm vào mình nó năm nào, quấn quấn lên vai anh Ninh như thầm cảm ơn.

Gold còn ít tuổi nên được các cô chú “bảo mẫu” nâng niu nhất. Bác sĩ thú y Đào, người gần gũi với Gold nhất, chia sẻ, Gold rất thông minh, lém lỉnh. Chỉ nhìn thấy bóng người từ xa là múa vòi, khua chân, chạy từ góc nọ sang góc kia của khu nuôi nhốt, đáng yêu như một đứa trẻ đòi quà. Bởi thế, Gold luôn được nhận quả dưa hay nắm cỏ đầu tiên.

Hiểu và chiều những chú voi, mỗi khi ghé vào đây, bà con có khu rẫy canh tác sát quanh Trung tâm không quên mang theo túi dưa chuột, bó cỏ ngọt; “làm quà” cho chúng.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk Huỳnh Trung Luân cho biết: “Hiện nay trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn giám sát thường xuyên, chúng tôi đã xác định được khoảng 5 đàn voi với khoảng gần 100 cá thể voi trong tự nhiên đang sống rải rác dọc biên giới Việt Nam – Campuchia và một số xã của huyện Ea Soup (Đắk Lắk). Đây là một trong những nhóm voi lớn nhất cả nước được sự quan tâm của rất nhiều các tổ chức quốc tế thế hỗ trợ cho trung tâm bảo tồn voi việc bảo tồn các quần thể voi này cũng như sinh cảnh để cho voi sinh sống.

Trong thực tế quan sát hát cả quần thể voi hoang dã có thể thấy được đầy đủ các thế hệ voi trưởng thành, voi bán trưởng thành, voi con. Hàng năm cũng quan sát được voi con mới sinh ra trong tự nhiên và các voi nhỡ. Đây là một trong những tín hiệu cho biết là quần thể voi tự nhiên tương đối bền vững.”

Chuyện về Cu Sứt chứa đựng cả những bí ẩn của đại ngàn mà nếu không được kịp thời giải cứu… tới 2 lần, có lẽ Cu Sứt đã không thể còn sống đến tuổi lên 10 như ngày nay.

Cuộc sống của voi lớn giữa rừng già vẫn chứa rất nhiều bí ẩn chỉ thiên nhiên mới lý giải được.

Sau 6 năm trở lại với rừng già, Cu Sứt vẫn cô độc. Bất ngờ hơn, vết thương chân vẫn còn đau thể hiện qua dáng đi khập khiễng, nếu bị gây khó chịu, voi Cu Sứt có thể giận dữ dẫn đến xung đột với người. Thậm chí, đôi ngà voi của Cu Sứt ở tuổi trưởng thành vẫn gần như không thay đổi về độ dài sau suốt quảng thời gian ấy, khiến các cán bộ chăm sóc voi vẫn chưa thể nào lý giải được.

Ở tuổi lên 10, kinh phí thực hiện cho công tác cứu hộ chăm sóc chữa trị vết thương và tái thả vào rừng khi Cu Sứt khoẻ mạnh là hơn 200 triệu đồng. Con số không nhỏ nhưng rất xứng đáng để cho những “biểu tượng của đại ngàn Tây Nguyên” sống mãi.

Với voi Gold, nếu việc cứu sống từ đáy giếng và nuôi sống được bé voi 2 tháng tuổi được ví như một câu chuyện thần kỳ thì việc 4 lần đưa voi về với đàn không thành công là thêm một bí ẩn của tự nhiên.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia trong và ngoài nước thì trường hợp voi con còn quá nhỏ, mới chỉ 2 tháng tuổi lại bị mẹ, bị đàn bỏ rơi thì phải nhanh chóng tìm cách thả lại về đàn để mẹ hoặc voi cái khác nuôi dưỡng, chăm sóc thì mới sống được, còn nếu giữ lại để con người chăm sóc, nuôi dưỡng thì khả năng là 90% sẽ tử vong.

Tuy nhiên, 4 lần Gold được thả trở lại đàn đều không thành công. Chỉ sau 15 ngày xa đàn, chú voi con phai mùi hoang dã và nhuốm hơi người đã không còn khả năng hòa nhập bày đàn, bị khước từ ngay chính bởi đồng loại. Kể từ đó, Ban giám đốc Trung tâm quyết định giữ voi con lại trạm cứu hộ, đặt tên voi là Gold và tập trung “sức người, sức của” để chăm sóc, nuôi dưỡng cho voi con.

Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, từ 2009 đến nay đã có 19 voi con hoang dã bị chết. Trong đó bao gồm 1 voi cái, 8 voi đực và 10 không rõ giới tính do thân thể khi phát hiện đã bị phân hủy. Việc phần lớn voi con hoang dã bị chết là voi đực, xung quanh hiện trường có rất nhiều dấu chân voi lớn để lại buộc các nhà khoa học phải xót xa đặt ra câu hỏi về những liên quan giữa việc “chảy máu rừng” và việc voi hoang dã chết hàng loạt. Trong đó, các chuyên gia của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho rằng, có thể do nguyên nhân sinh học hạn chế số voi đực trong đàn voi hoang dã gây ra hiện tượng voi con đực hoang dã bị chết. Vấn đề này vẫn cần các nhà khoa học và các chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, giải đáp nhưng rõ ràng, nếu không có sự can thiệp kịp thời trước rất nhiều những nguy cơ rình rập, đàn voi tự nhiên có thể bị đe dọa trong tương lai.

Có lẽ phải dành thêm nhiều ngày, thậm chí là nhiều tháng “ăn dầm nằm dề” cùng những “bảo mẫu voi” đang tắm, đang rủ rỉ trò chuyện cùng voi Cu Sứt, voi Gold ngoài kia, tôi mới có thể nghe được hết những câu chuyện truyền thuyết của rừng già. Chỉ biết câu chuện bảo tồn, lưu giữ đàn voi Việt bẫn đang được thực hiện bằng tâm huyết, trách nhiệm và tình yêu mỗi ngày của những người con của đại ngàn Tây Nguyên.