Phát triển khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà theo hướng bền vững

Với hướng đi kết hợp phát triển du lịch sinh thái với bảo vệ tài nguyên môi trường, Vườn quốc gia Cát Bà đã và đang dần đạt được mục tiêu phát triển bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Thị trấn Cát Bà nhìn từ trên cao. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Khu Bảo tồn sinh quyển thế giới Cát Bà nằm trên đảo Cát Bà, thuộc thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Quần đảo Cát Bà chính thức được Tổ chức Văn hoá Khoa học Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới từ ngày 19/12/2004.

Cát Bà đã trở thành địa chỉ du lịch quen thuộc với nhiều người, nhất là với du khách thích du lịch sinh thái.

Nhiều giá trị đa dạng sinh học

Xét theo 3 căn cứ của khu dự trữ sinh quyển thế giới: Tính đại diện, giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao, khu dự trữ sinh quyển có cơ hội phát triển bền vững, thì quần đảo Cát Bà (thuộc huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng) hoàn toàn xứng đáng là khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam và thế giới.

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà trải rộng trên tổng diện tích 26.240ha, cách thành phố Hải Phòng 30 hải lý; được nối tiếp từ vịnh Hạ Long tạo thành một quần thể đảo-vịnh kỳ thú. Vườn Quốc gia Cát Bà là hạt nhân của khu sinh quyển, với 9.800ha rừng và 4.200ha biển.

Hiếm có nơi nào như ở Cát Bà, nơi vẫn duy trì, bảo tồn được hệ sinh thái đa dạng. Việt Nam đã có những khu vực rất nổi tiếng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới như Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) và Cát Tiên (Đồng Nai-Lâm Đồng).

Tuy nhiên đặc trưng của Cần Giờ là sinh quyển vùng ngập mặn cửa sông; Cát Tiên là sinh quyển vùng nhiệt đới trên cạn. Trong khi đó, sinh quyển ở Cát Bà hội tụ đầy đủ cả tính chất của rừng nhiệt đới trên các núi đảo đá vôi, cả tính chất của rừng ngập mặn, các rạn san hô, các thảm rong cỏ biển, các dạng tùng, áng (hồ nước mặn giữa núi) và đặc biệt là hệ thống chằng chịt các hang động, trong đó có những hang động được phát hiện cách đây chưa lâu.

Các giá trị bảo tồn của khu dự trữ sinh quyển Cát Bà được chia thành các vùng chức năng, gồm không gian bảo vệ nghiêm ngặt – vùng lõi, không gian được bảo vệ có hạn định – vùng đệm, không gian hỗ trợ và khuyến khích phát triển cộng đồng – vùng chuyển tiếp.

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà được phân bố chủ yếu trên đảo đá vôi Cát Bà và khoảng 400 hòn đảo nhỏ xung quanh, nơi còn lưu giữ hơn 70 di chỉ khảo cổ học thuộc các nền văn hoá Sơn Vi, Soi Nhụn cách đây từ 4.000-25.000 năm. Tiêu biểu trong số này là khu di chỉ Cái Bèo, nơi cư ngụ của người nguyên thủy cách đây 4.000-7.000 năm.

Có thể nói Cát Bà là trung tâm đa dạng sinh học lớn của Việt Nam. Theo điều tra bước đầu, nơi đây có 620 loài thực vật bậc cao phân bố thuộc 438 chi và 123 họ, trong đó có những loài mà hiện nay chỉ tìm thấy ở Cát Bà như kim giao, lát khối, sến mật, lát hoa, re hương, thổ phục linh…

Hệ sinh thái rừng ở Cát Bà rất phong phú bao gồm rừng nhiệt đới thường xanh mùa mưa ở đai thấp; nhiều kiểu phụ rừng như rừng trên sườn núi đá vôi, rừng trên đỉnh, rừng kim giao, rừng ngập nước trên núi và rừng ngập mặn.

Trên đảo Cát Bà có 32 loài thú, 69 loài chim và 20 loài bò sát, lưỡng cư. Nhiều loài được xác định đặc biệt quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới như Voọc đầu trắng, sơn dương, rái cá, báo, mèo rừng, cầy hương, sóc đen. Đặc biệt voọc đầu trắng (Trachypithecus francoisi polyocephalus) là loài đặc hữu ở Cát Bà.

Bên cạnh thú, nhiều loài chim quý cũng được ghi nhận như chim sâm cầm, khướu, chim cu xanh, cu gáy…Biển Cát Bà có 300 loài cá, 500 loài thân mềm và giáp xác, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học cao.

Cùng với rừng ngập mặn Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), Vườn Cát Tiên (Đồng Nai-Lâm Đồng), quần đảo Cát Bà là khu bảo vệ tự nhiên nhằm dự trữ vốn gien, loài và duy trì sự ổn định các hệ sinh thái cho toàn bộ sinh quyển.

Điển hình trong bảo vệ môi trường

Vườn quốc gia Cát Bà nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận năm 2004, đồng thời cũng nằm trong Khu du lịch Hạ Long-Cát Bà được quy hoạch có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Đây là khu du lịch điển hình trong công tác bảo vệ môi trường.

Du khách thích thú với vật nuôi trên đảo khỉ. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Nhằm tạo khung pháp lý cho các hoạt động quản lý bảo tồn, Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Cát Bà thành phố Hải Phòng đến năm 2020 đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng phê duyệt năm 2014.

Bên cạnh đó, Ban quản lý Vườn quốc gia Cát Bà đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các quy chế phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải và các cơ quan ban ngành liên quan như bộ đội, công an, biên phòng và chính quyền các xã vùng đệm của vườn quốc gia trong việc quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, biển, phòng chống cháy rừng, quản lý các hoạt động du lịch.

Ban quản lý Vườn quốc gia Cát Bà cũng đã phối hợp với Ban quản lý vịnh Hạ Long xây dựng, ký kết và tổ chức thực hiện quy chế phối hợp tuần tra, tuyên truyền bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học giữa hai khu vực; quy chế hợp tác về phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học giữa các Vườn quốc gia Cát Bà-vịnh Hạ Long- Vườn quốc gia Bái Tử Long.

Ngoài ra, Vườn quốc gia đã tích cực hợp tác với các tổ chức hỗ trợ các chương trình, dự án bảo tồn và phát triển như Dự án bảo tồn voọc Cát Bà của Hội Động vật về Bảo tồn loài và quần thể và Vườn thú Muenster – Đức, Chương trình bảo tồn và phát triển Cát Bà của tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế FFI, Chương trình Bảo tồn Di sản thiên nhiên khu vực của Quỹ Australia vì nhân dân châu Á-Thái Bình Dương, Dự án “khắc phục trở ngại nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các khu bảo tồn Việt Nam”; Chương trình trồng rừng ven biển, trồng rừng đền bù khí thải CO2…

Nhờ thực hiện nghiêm ngặt và hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm, trong những năm qua, vườn quốc gia đã bảo vệ thành công 1.300ha rừng nguyên sinh và quản lý bảo vệ tốt các loài động vật hoang dã đặc hữu như là khỉ vàng, sơn dương, trăn đất, bìm bịp, chim cu, vọoc Cát Bà…

Phát triển du lịch sinh thái bền vững

Nhằm tạo sinh kế thay thế, giảm thiểu sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên làm kế sinh nhai, vườn quốc gia đã xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Cát Bà trong đó phân định rõ ranh giới các khu vực dành riêng cho hoạt động bảo tồn, khu vực kết hợp với phát triển du lịch và các loại hình du lịch có thể được thực hiện.

Một góc thị trấn Cát Bà. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Vườn quốc gia đã hỗ trợ người dân các xã vùng đệm tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng điển hình như du lịch sinh thái cộng đồng Phù Long, xây dựng mô hình nuôi ong, nuôi dê, trồng rau sạch, trồng rừng ngập mặn kết hợp nuôi trồng thủy sản, trồng cây lấy thuốc…

Đến nay có rất nhiều loại hình du lịch sinh thái phát triển phong phú đem lại cho du khách nhiều lựa chọn như là: du lịch sinh thái rừng, tìm hiểu hệ động thực vật rừng nguyên sinh với các loài linh trưởng đặc hữu hoặc tìm hiểu một số loài côn trùng, bò sát và một số loài thú ăn đêm; khám phá hệ sinh thái vịnh, tùng, áng tại vịnh Lan Hạ, động Trung Trang, động Thiên Long kết hợp lặn ngắm xem san hô, câu cá, tắm biển, leo núi; du lịch cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương và ngư dân trên biển; du lịch tình nguyện.

Để giáo dục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, môi trường cho nhân dân và học sinh các trường học trên đảo, ban quản lý Vườn quốc gia Cát Bà cũng đã tổ chức các buổi truyền thông, thi tìm hiểu về đa dạng sinh học, tham quan thực tiễn và tìm hiểu các giá trị của Vườn quốc gia và Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà.

Vườn quốc gia Cát Bà cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, các đoàn thể xã hội và người dân trên đảo tiến hành công tác tuyên truyền, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường biển; tuyên truyền vận động nhân dân tham gia “Ngày vì môi trường xanh” hàng tháng.

Để thực hiện tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho khách tham quan, Ban quản lý Vườn quốc gia Cát Bà cũng đã thực hiện các hoạt động hướng dẫn, các phim tư liệu giới thiệu về sự đa dạng sinh học của vườn quốc gia, bảng chỉ dẫn du lịch, biển tuyên truyền bảo vệ thiên nhiên, tờ rơi, tập gấp, tranh ảnh, đồ lưu niệm; phối hợp với một số tour tổ chức các hoạt động du lịch tình nguyện cho du khách tham gia dọn vệ sinh…

Do làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên môi trường, trong những năm qua du khách trong nước và quốc tế đến thăm Vườn quốc gia Cát Bà ngày càng tăng lên.

Với hướng đi kết hợp phát triển du lịch sinh thái với bảo vệ tài nguyên môi trường, Vườn quốc gia Cát Bà đã và đang dần đạt được mục tiêu phát triển bền vững và trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong nước và quốc tế.

Nguồn: