Trung Quốc: Sau BRI sẽ là gì?

Khi “Sáng kiến cơ sở hạ tầng mới” chính thức xuất hiện trong bản báo cáo của Thủ tướng Lý Khắc Cường vào ngày 22/5 vừa qua thì người ta đổ dồn sự chú ý vào đây.

Khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường công bố báo cáo công việc của chính phủ Trung Quốc vào ngày 22/5 vừa qua, mặc dù bản báo cáo năm nay bị giảm một nửa, chỉ có hơn 10.500 chữ, ngắn nhất kể từ thời kỳ cải cách mở cửa (1978), nhưng điều là người ta quan tâm hơn là “Sáng kiến cơ sở hạ tầng mới” đã được đề cao trong chương trình nghị sự.

Cụm từ này cũng được Huawei Technologies và Tencent nhắc đến nhiều trong triển vọng kinh doanh của họ vào đầu năm nay. Nhưng chính xác thì sáng kiến này là gì – dự kiến sẽ tạo ra hơn 2 nghìn tỷ USD đầu tư trong năm năm tới?

Sáng kiến cơ sở hạ tầng mới của Trung Quốc là gì?

Thực tế, Sáng kiến này không hoàn toàn mới – khái niệm này đã được đưa ra lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2018 khi Bắc Kinh đặt “sự phát triển cơ sở hạ tầng mới như trí tuệ nhân tạo, internet công nghiệp và Internet vạn vật” là ưu tiên cho năm sau.

Trước đó, vào ngày 4 tháng 3, Chủ tịch Tập Cận Bình trong buổi làm việc với Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và Hội đồng hoạch định chính sách Trung Quốc, đã thống nhất rằng Bắc Kinh sẽ tăng tốc đầu tư vào các chương trình cơ sở hạ tầng mới. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang ưu tiên sáng kiến này trong kỷ nguyên hậu COVID-19.

Ba lĩnh vực chính được nhấn mạnh trong Sáng kiến cơ sở hạ tầng mới này là: xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thế hệ tiếp theo như 5G; nâng cấp và “làm thông minh” cơ sở hạ tầng hiện có; và thiết lập các vườn ươm và khuôn khổ để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và phát triển sản phẩm.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là Sáng kiến cơ sở hạ tầng mới này khác với Chiến lược quốc gia Made in China 2025 như thế nào? Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh công khai thể hiện tham vọng vươn lên làm chủ các công nghệ tiên tiến.

Trước đó, chiến lược quốc gia Made in China 2025 (MIC2025) chú trọng nâng cấp khả năng sản xuất và đảm bảo tính cạnh tranh của Trung Quốc bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại như sử dụng người máy, mạng di động thế hệ thứ 5 (5G), trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng Internet.

Tuy nhiên, kế hoạch này đang gặp không ít thách thức, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang kéo dài.

Tuy nhiên, mục đích chính của MIC2025 là giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu linh kiện điện tử, cũng như tăng cường bí quyết sản xuất công nghệ cao. Bằng cách yêu cầu các nhà máy ở Trung Quốc mua ít nhất 70% linh kiện cốt lõi từ các nhà cung cấp địa phương vào năm 2025, Bắc Kinh đã thúc đẩy việc sử dụng chip, cảm biến sản xuất và nhiều sản phẩm công nghệ khác tại Trung Quốc.

Khác với MIC2025, sáng kiến cơ sở hạ tầng mới tập trung vào việc triển khai các sản phẩm công nghệ cao, mà không có bất cứ một hạn chế nào. Thật vậy, để thu hút nhiều người tham gia, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho biết họ sẽ xem xét mở cửa một số lĩnh vực do nhà nước kiểm soát cho các công ty tư nhân.

Bắc Kinh chọn thời điểm này để khuếch trương về Sáng kiến cơ sở hạ tầng mới do đây là thời điểm nhạy cảm khi nền kinh tế Trung Quốc – vốn đang phải chịu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung – cần một cú hích khác để khôi phục lại những hậu quả do đại dịch COVID-19.

Nền kinh tế số 2 thế giới đã giảm 6,8% trong quý đầu năm nay, mức giảm sâu nhất kể từ năm 1992. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF trong tháng 4 đã đưa ra mức dự báo GDP của Trung Quốc sẽ chỉ tăng 1,2% trong năm nay, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 6% mà Quỹ này đã ước tính trước đó.

Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là ‘ổn định nền kinh tế và ổn định tăng trưởng sau các tác động kinh tế và xã hội của COVID-19. Vào những thời điểm như vậy, các dự án cơ sở hạ tầng là cách nhanh nhất để thu hút đầu tư trong nước cũng như thúc đẩy, tạo việc làm“, ông Kelly Hsieh, một nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu TrendForce, người giám sát cơ sở hạ tầng 5G của Trung Quốc nhận định.

Trung Quốc đã đặt ra một kế hoạch đầy tham vọng cho cơ sở hạ tầng công nghệ cao với hy vọng rằng nó sẽ giúp khởi động nền kinh tế.

Trước đó vào tháng 3, một báo cáo do Tổ chức nghiên cứu CCID Group do chính phủ hỗ trợ, đã ước tính rằng việc triển khai mạng 5G, trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng công nghệ cao khác sẽ cần đến khoản đầu tư ít nhất 17 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2025.

Sáng kiến hạ tầng mới này cũng dự kiến sẽ cung cấp nhiều việc làm lành nghề hơn ở Trung Quốc – nơi tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị tăng lên 6% trong tháng 4 – mức tồi tệ thứ hai kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu thống kê số liệu việc làm hàng tháng vào năm 2018.

“Tướng, Sỹ, Tượng” trên bàn cờ công nghệ

Một số lượng lớn các công ty, cả ở lục địa cũng như ở nước ngoài, dự kiến sẽ được hưởng lợi từ Sáng kiến này. Chỉ số chủ đề cơ sở hạ tầng mới của CSI, bao gồm 100 mã cổ phiếu của các công ty công nghệ Trung Quốc có liên quan đến việc triển khai cơ sở hạ tầng mới, đã tăng khoảng 32% chỉ trong vòng 2 tháng qua.

Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp cao cấp như SenseTime và các tập đoàn thuộc sở hữu tư nhân như Huawei cũng đều đã chính thức xác nhận sự tham gia vào chương trình trị giá hàng tỷ USD này.

Là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Huawei đặc biệt có vị thế đặc biệt tốt để tham gia Sáng kiến lần này. Tập đoàn này đã cung cấp nhiều thiết bị cho mạng 5G của Trung Quốc hơn bất kỳ công ty nào khác, và trong năm nay Huawei đã thành lập một nhóm kinh doanh mới để mở rộng mảng dịch vụ điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn hay máy chủ và dịch vụ lưu trữ dữ liệu.

Tại một hội nghị liên quan đến Sáng kiến mới này, ông Đặng Tao -Chủ tịch Huawei Cloud Global Market thẳng thắn chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn giúp các doanh nghiệp trong tập đoàn của chúng tôi nắm bắt các cơ hội được tạo ra từ sự phát triển cơ sở hạ tầng mới“.

Huawei sẽ là con át chủ bài trong chiến lược hạ tầng mới.

Bên cạnh Huawei, nổi bật trong các tên tuổi lớn tham gia vào Sáng kiến mới này phải kể đến ba nhà mạng viễn thông lớn là China Mobile từ Trung Quốc, Công ty mạng và viễn thông đa quốc gia Ericsson đến từ Thuỵ Điển vaf nhà sản xuất linh kiện điện tử Đài Loan Lite-On Technology.

Các công ty trong lĩnh vực Internet cũng không đứng ngoài cuộc. Tencent Holdings – nhà điều hành ứng dụng nhắn tin cực kỳ phổ biến WeChat, sẽ đầu tư 400 tỷ nhân dân tệ trong năm năm tới để xây dựng trung tâm dữ liệu, nâng cao tính toán cạnh tranh và tham gia vào các hình thức phát triển cơ sở hạ tầng mới khác.

Tương tự, đối thủ lớn của Tencent là Tập đoàn Alibaba cũng đã đưa ra một thông báo về việc sẽ tham gia vào Sáng kiến mới này.

Trên thực tế, Trung Quốc không có bất kỳ vấn đề nợ rõ ràng nào ở cấp chính quyền trung ương, do đó có lẽ sẽ không phải là vấn đề nghiêm trọng ngay cả khi thâm hụt ngân sách hàng năm tăng lên 3,6% GDP, như Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra vào ngày 22/5 vừa qua.

Vấn đề có thể nằm ở chính quyền địa phương – Thủ tướng Lý đã hứa rằng Chính phủ trung ương sẽ phân bổ khoản ngân sách 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (279 tỷ USD) cho chính quyền địa phương. Và theo giới quan sát, bài toán mấu chốt hiện nay vẫn chưa biết số tiền này sẽ được sử dụng như thế nào!