Không nên phá rừng làm điện mặt trời

Trước việc tại nhiều địa phương lập dự án điện mặt trời, điện gió trên đất rừng, các chuyên gia cảnh báo cần hết sức thận trọng, không nên đánh đổi môi trường bằng mọi giá

Ngày 13-5, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 1506 về việc chuyển mục đích sử dụng đất và cho Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa thuê đất thực hiện dự án Nhà máy điện mặt trời 49,5 MWp thuộc Tổ hợp Dự án điện năng lượng tái tạo Dohwa Lệ Thủy. Theo đó, có hơn 750.407 m2 rừng được chuyển đổi thuộc 2 xã Ngư Thủy Bắc và Hưng Thủy (huyện Lệ Thủy) với thời hạn sử dụng đến ngày 14-7-2067.

Rừng thay cho dự án

Quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình đưa ra căn cứ trên cơ sở quy định cho phép tại Luật Đất đai năm 2013 và các thông tư, nghị định liên quan. Sau khi chuyển đổi diện tích đất rừng sản xuất nêu trên sang đất phi nông nghiệp, doanh nghiệp (DN) đầu tư dự án sẽ thuê dưới hình thức nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm. Phương pháp xác định giá đất cụ thể để tính tiền thuê đất sẽ do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chủ trì thực hiện.

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, cho biết UBND tỉnh đã giao sở hướng dẫn Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để trình UBND tỉnh thẩm định theo quy định và đề xuất lên Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan. “Sau khi Thủ tướng chấp thuận, dự án mới được tiến hành. Sở TN-MT tỉnh cũng đang thực hiện các thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án và mọi thứ phải tuân theo Luật Bảo vệ môi trường” – ông Minh cho biết.

Tại tỉnh Bình Thuận, Công ty CP Năng lượng Hòa Thắng – thành viên của Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) – muốn chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên và rừng phòng hộ để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 với công suất 100 MW. Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia điều chỉnh (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Tuy nhiên, nhận thấy dự án có thể ảnh hưởng nhiều đến diện tích đất rừng, Sở Công Thương tỉnh này đã “tuýt còi” và đề nghị chủ đầu tư làm rõ tính cấp thiết của dự án để có cơ sở cho chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng 28,52 ha đất rừng tự nhiên sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”. Đồng thời đề nghị chủ đầu tư thực hiện các nội dung liên quan theo yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, trong đó đề nghị chủ đầu tư lập phương án đầu tư, thiết kế, thi công, vận chuyển thiết bị phù hợp để giảm diện tích sử dụng đất các hạng mục của dự án, giảm diện tích ảnh hưởng đến đất rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.

Còn tại Phú Yên, tỉnh này đã “hy sinh” 50 ha rừng sản xuất để triển khai dự án Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thọ (thị xã Sông Cầu) công suất hơn 350 MW với tổng diện tích đất được sử dụng là 120 ha.

Để triển khai Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thọ (tỉnh Phú Yên), hơn 50 ha rừng trồng đã biến mất Ảnh: Hồng Ánh

Chỉ nên làm trên đất nghèo kiệt

Trước thông tin nhiều địa phương đã từng hoặc đang muốn chuyển đổi đất rừng để phục vụ làm điện tái tạo, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), cho rằng cần hết sức thận trọng vì không phù hợp với quan điểm phát triển bền vững.

Dẫn Bộ Tiêu chuẩn của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) về đánh giá hiệu quả dự án theo tiêu chí bền vững về môi trường và xã hội, ông Sơn nêu rõ đối với các vấn đề chuyển đổi sử dụng đất và tái định cư không tự nguyện, nhà đầu tư cần tránh hoặc hạn chế tối đa việc xây dựng dự án trên cơ sở phải chuyển đổi sử dụng đất sinh hoạt, đất sinh kế, cũng như các loại đất bảo tồn (đất rừng, đất của các khu bảo tồn đa dạng sinh học…). “Với các dự án điện gió, mặt trời, việc lựa chọn địa điểm thường linh hoạt hơn so với các nguồn tập trung truyền thống, nên việc xem xét các yếu tố về bền vững môi trường và xã hội lại càng cần phải quan tâm trong quá trình nghiên cứu lựa chọn địa điểm, phê duyệt. Theo tôi, chỉ nên ưu tiên tận dụng các nguồn đất cằn, đồi trọc không có hiệu quả cho hoạt động sản xuất nông – lâm nghiệp hoặc sinh kế” – ông Sơn kiến nghị.

Ông Hà Đăng Sơn cũng nêu thêm thực tế gần đây, dưới áp lực của việc rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt bổ sung quy hoạch và với việc chuyển giao chức năng phê duyệt từ Bộ Công Thương lên Thủ tướng theo quy định ở Luật Quy hoạch, quá trình thẩm định kỹ thuật thường dựa nhiều vào các tính toán và cam kết của chủ dự án cũng như căn cứ theo phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất do địa phương đề xuất. Trong khi đó, năng lực thẩm định kỹ thuật của địa phương còn hạn chế.

“Cần có quy định và tiêu chí mới trong việc thẩm định để có thể áp dụng đồng bộ từ trung ương tới địa phương, giúp lựa chọn các dự án năng lượng tái tạo thực sự bền vững. Trong đó, bổ sung tiêu chí đánh giá tính bền vững môi trường – xã hội phù hợp với các tiêu chuẩn của IFC. Ngoài ra, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của địa phương trong việc bảo đảm quy hoạch sử dụng đất và không gian biển tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững” – ông Sơn góp ý.

Còn theo đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang (Cà Mau), việc chuyển đổi đất rừng làm các dự án khác, trong đó có dự án điện tái tạo cần tuân thủ Luật Lâm nghiệp. Ông khuyến cáo chỉ nên lựa chọn các vùng đất hoang hóa hoặc khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà bởi đây là nguồn điện có hiệu quả và dư địa rất lớn. “Tuyệt đối không làm dự án điện mặt trời nếu gây mất diện tích rừng. Ngay cả dự án điện gió chỉ sử dụng một phần đất rừng cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cấp phép. Không đánh đổi đất rừng cho mục đích phát triển kinh tế!” – vị đại biểu Quốc hội nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Phạm Minh Hiền (Phú Yên) cũng cho rằng đất rừng nguyên sinh, phòng hộ hay đất rừng sản xuất đều có ý nghĩa lớn về môi trường, giúp giữ đất, nước và điều hòa không khí, do đó trong quá trình thẩm định, các địa phương phải hết sức thận trọng.

Phú Yên rút kinh nghiệm từ dự án Xuân Thọ

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, thừa nhận thời điểm triển khai dự án điện mặt trời Xuân Thọ, do tỉnh thiếu kinh nghiệm nên dẫn tới việc để mất 50 ha đất rừng trồng, đặc biệt là rừng trồng ở xã Xuân Thọ 2. “Còn bây giờ thì không thể được. Tỉnh Phú Yên chỉ ưu tiên làm điện mặt trời áp mái (nhà dân và công sở), cũng như chỉ sử dụng mặt nước hồ thủy lợi, thủy điện để làm điện mặt trời. Nếu sử dụng diện tích đất thì chỉ xây dựng trên diện tích đất đá cuội, cằn cỗi, đồi núi trọc, trồng cây không lên, kiên quyết không sử dụng vào mục đích phát triển điện mặt trời với diện tích có thể trồng rừng hoặc diện tích đã có rừng” – ông Thế nói.

H.Ánh