Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia xử lý chất thải rắn

Ngày 23/7, tại Đà Nẵng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp và hộ gia đình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt”.

Hội thảo nhằm đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và hộ gia đình trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng là một trong những nội dung thuộc nhiệm vụ “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp và hộ gia đình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt” do Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thực hiện.

Nhiều rào cản

Theo GS.TS. NGND Trần Hiếu Nhuệ, Phó Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Theo đó, Điều 79 của Luật BVMT quy định về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên nguyên tắc: Người xả thải phải trả phí, phí được tính dự trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Ngày 10/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT (Nghị định 08) trong đó có quy định về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Theo GS.TS. NGND Trần Hiếu Nhuệ hiện nay còn nhièu rào cản đối với sự tham gia của doanh nghiệp thu gom, xử lý chất thải rắn

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều rào cản đối với sự tham gia của doanh nghiệp và hộ gia đình như ngân sách dành cho quản lý CTRSH còn khó khăn ở nhiều địa phương, quy mô phát sinh CTR nhỏ trong khi việc liên kết vùng hạn chế, nên khó thu hút các DN tư nhân với công nghệ hiện đại. Việc tổ chức lựa chọn các DN cung ứng dịch vụ QLCTRSH còn chưa được công khai, minh bạch, tạo sự công bằng, bình đẳng giữa các DN.

Ngoài ra, các quy định pháp luật chưa được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể để khuyến khích khối tư nhân tham gia sâu rộng hơn nữa. Luật BVMT 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP mới được ban hành, vẫn còn nhiều quy định cần được hướng dẫn cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện. Năng lực của doanh nghiệp tư nhân trong quản lý CTRSH còn hạn chế…. Trong khi đó, các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, trong khi đó các quy định cụ thể trong chính sách chưa đủ hấp dẫn đầu tư tư nhân và chưa đồng bộ, đầy đủ.

TS. Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng) cho biết: Hiện nay, dự án Nhà máy xử lý rác có công suất 1.000 tấn/ngày của địa phương cũng đang tiến hành khảo sát, mời sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với dự án này. Tuy nhiên, dự án đang gặp vướng mắc về hình thức đầu tư theo đối tác công-tư (PPP) vì rất phức tạp. Thành phố đang rất khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư Nhà máy xử lý rác có công suất 1.000 tấn/ngày vì thủ tục rất phức tạp và khó khăn.

“Chúng tôi đề nghị Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho thành phố nói riêng và các địa phương trong nước nói chung trong việc đầu tư nhà máy xử lý rác và hoàn chỉnh hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn hiệu quả”, TS. Đặng Quang Vinh đề nghị.

Ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng cho biết, dự án Nhà máy xử lý rác có công suất 1.000 tấn/ngày đang gặp khó khăn

Cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng tái chế, ủ rác hữu cơ

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Quách Thị Xuân, điều phối viên của Tổ chức Liên minh Không rác tại Việt Nam đề nghị Đà Nẵng cần thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế tuần hoàn để tăng tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu sử dụng tài nguyên, giảm khối lượng rác phải mang đi chôn lấp hoặc đốt rác phát điện sau này. Cần tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nâng cao nhận thức trong việc giảm sử dụng hoặc từ chối sử dụng các loại vật dụng gây phát thải, có hại đến môi trường.

“Điều mà tôi mong muốn là thay vì đầu tư các lò đốt rác, chúng ta hãy đầu tư vào cơ sở hạ tầng tái chế, ủ rác hữu cơ… để phục vụ nhu cầu người dân và có thể thương mại hóa. Tôi cũng đề nghị thành phố hỗ trợ các dự án khởi nghiệp tuần hoàn rác hữu cơ”, TS. Quách Thị Xuân đề nghị.

Dự án “ReForm Plastic” tại Hội An biến rác thải nhựa mở ra triển vọng tái chế chất thải rắn

Còn GS.TS Bùi Văn Ga – Hội BVTN &MT Đà Nẵng lại đề xuất hệ thống năng lượng tái tạo hybrid phối hợp năng lượng mặt trời và năng lượng thu hồi từ rác thải ở nông thôn. Theo đó, các chất thải rắn khó phân hủy trong sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn được chế biến thành viên nén nhiên liệu RDF. Từ đó, RDF được chuyển thành khí tổng hợp syngas qua lò khí hóa. Các chất thải hữu cơ dễ phân hủy được sử dụng để sản xuất biogas.

Kết luận Hội thảo GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ ghi nhận những đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo, đặc biệt là mô hình điện – rác cục bộ (giải pháp xử lý triệt để rác sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn), giải pháp kinh tế tuần hoàn và các mô hình thực tiễn có hiệu quả trong phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của Hội Liên hiệp phụ nữ,… Hội BVTM&MT Việt Nam sẽ tổng hợp nghiên cứu và đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian sớm nhất.