Lệch pha năng lượng tái tạo

Tạm dừng cấp chủ trương đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời chưa triển khai dù có trong quy hoạch.

Đứng trước tình trạng này, thậm chí Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải cắt giảm khoảng 1,7 tỉ kWh từ điện gió và điện mặt trời trong năm 2021.

Cuối cùng, Bộ Công Thương cũng phải đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạm dừng cấp chủ trương đầu tư với các dự án điện gió, điện mặt trời chưa triển khai tính tới ngày 26/1/2022 để chờ kết quả rà soát trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch điện VIII.

Đây là hệ quả tất yếu khi ngành điện của Việt Nam đứng trước nguy cơ… thừa điện do hàng loạt dự án năng lượng tái tạo mọc lên tại nhiều địa phương trong thời gian ngắn. Theo thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), năm 2019, có 4.500 MW điện mặt trời vào vận hành thì số lần khởi động tổ máy nhiệt điện do thừa nguồn năng lượng tái tạo là 74 lần; năm 2020 tăng lên 192 lần; còn 4 tháng đầu năm 2021 là 334 lần.

Đứng trước tình trạng này, thậm chí Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải cắt giảm khoảng 1,7 tỉ kWh từ điện gió và điện mặt trời trong năm 2021. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã phải phát văn bản kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ vì tình trạng điện phát ra không bán được. Việc dư thừa điện tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động vận hành hệ thống điện lưới quốc gia nếu không kiểm soát, cắt giảm sản lượng năng lượng tái tạo.

Có thể thấy, thị trường chứng kiến làn sóng bùng nổ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo khi Nhà nước đưa ra một tín hiệu giá điện 9,35 cent/kWh, tạo ra sức hút lớn đối với dòng tiền đầu tư vào lĩnh vực này. Đã có một cuộc chạy đua đầu tư phát triển điện mặt trời cũng như điện gió để hưởng ưu đãi theo quyết định của Thủ tướng. Từng có tính toán, chỉ cần đầu tư 1.367 tỉ đồng để làm một nhà máy điện mặt trời với công suất 50 MW, lượng điện bình quân gần 95 triệu kWh/năm, doanh thu ước đạt 200 tỉ đồng/năm, chỉ khoảng 7 năm là dự án thu hồi vốn.

Đáng chú ý, sản lượng điện huy động từ năng lượng tái tạo tăng nhanh trong khi các nguồn năng lượng tái tạo nối lưới tập trung cục bộ ở một số khu vực tại miền Trung và miền Nam như Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Long An… Chẳng hạn, như tỉnh Ninh Thuận, địa phương sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất nước với hàng ngàn MW, nhưng nhu cầu sử dụng ở địa phương lại rất thấp và bắt buộc phải truyền lên đường dây 500 kV để chuyển sang các địa phương khác. Trên thị trường cũng xuất hiện tình trạng trục lợi chính sách để mua – bán các dự án điện mặt trời.

Logan Knox, Giám đốc Điều hành UPC Renewables tại Việt Nam, phải thốt lên rằng: “Tôi chưa bao giờ chứng kiến sự bùng nổ về năng lượng mặt trời như thế này tại bất kỳ một quốc gia nào!”.

Trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được hoàn thiện, Bộ Công Thương chỉ dự kiến đề xuất quy mô các dự án điện gió ngoài khơi khoảng 5.000 MW vào năm 2030 và tăng dần với quy mô trên 40.000 MW vào năm 2045. Trong khi đó, nhiều địa phương trong cả nước đang đề xuất phát triển các dự án điện gió ngoài khơi với công suất lên đến 110.000 MW (110 GW).

Các dự án điện gió và điện mặt trời phát triển quá mạnh đã gây quá tải cho cả hệ thống lưới điện, một lượng lớn công suất lắp đặt không thể phát được điện, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Giáo sư Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng: “Nếu có một quy hoạch tốt thì không có gì là bùng nổ”. Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương, nguyên nhân gây ra “lạm phát” thị trường điện tái tạo là do nguồn điện gió, điện mặt trời thực tế cao hơn rất nhiều lần so với công suất đưa ra tại Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh.

Thực trạng này diễn ra khi nhiều địa phương buông lỏng sau cấp phép, còn phía điện lực chỉ cốt ký được hợp đồng… đã khiến chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo bị mất cân đối.

Nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã phải phát văn bản kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ vì tình trạng điện phát ra không bán được.

Thực tế, cam kết phát triển xanh của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) cho thấy cơ hội phát triển của năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời còn rất lớn. Việt Nam cũng đứng trước chuyển đổi thành công sang năng lượng xanh, đảm bảo việc tăng công suất phát điện bền vững.

Song tình trạng dư thừa điện tái tạo thời gian qua cho thấy, cần cấp thiết phải có một quy hoạch công suất nguồn cụ thể theo từng giai đoạn, từng vùng cũng như có cơ chế và tiêu chí lựa chọn rõ ràng các dự án để đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia và quyền lợi của các nhà đầu tư.