Quỹ phục hồi của EU sẽ bao gồm các điều kiện về khí hậu

EC đã đề xuất gói ngân sách của EU cho giai đoạn 2021-2027 trị giá 1.100 tỷ euro và quỹ phục hồi kinh tế mới trị giá 750 tỷ euro, trong đó 25% ngân sách cho các khoản chi tiêu liên quan đến khí hậu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 28/5 cam kết sẽ đưa các điều kiện về khí hậu vào gói kích thích khổng lồ của khối này, nhằm hỗ trợ nền kinh tế của các nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhưng lại không cấm đầu tư vào các loại nhiên liệu hóa thạch.

Trước đó, ngày 27/5, EC đã đề xuất một gói ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) cho giai đoạn 2021-2027 trị giá 1.100 tỷ euro (khoảng 1.220 tỷ USD) và một quỹ phục hồi kinh tế mới trị giá 750 tỷ euro, đồng thời tiếp tục hướng đến mục tiêu “trung hòa khí hậu” vào năm 2050.

Đề xuất nói trên dành 25% ngân sách cho các khoản chi tiêu liên quan đến khí hậu. Tất cả các khoản tiền từ quỹ phục hồi của EU, trong đó bao gồm cả những khoản tài trợ không phải cho các dự án “xanh”, đều phải đáp ứng các điều kiện về khí hậu.

Các nước muốn nhận được hỗ trợ phải xây dựng các kế hoạch chi tiêu, sau đó EC sẽ đánh giá kế hoạch này dựa trên nguyên tắc “không gây hại gì” cho các mục tiêu “xanh” của khối.

Phó Chủ tịch EU phụ trách Thỏa thuận Xanh châu Âu, ông Frans Timmermans, ngày 28/5 cho biết nếu kế hoạch của các nước không tuân thủ tiêu chí này, họ sẽ không nhận được hỗ trợ tài chính từ EU.

Tuy nhiên, ông thừa nhận ở một số khía cạnh của quá trình chuyển đổi năng lượng, việc sử dụng khí tự nhiên sẽ có thể cần thiết để chuyển đổi từ than đá sang năng lượng bền vững. Khí tự nhiên thải ra lượng khí thải ít hơn khoảng 50% so với than đá, nhưng đây vẫn không phải là loại nhiên liệu không carbon và nó có thể đe dọa các mục tiêu khí hậu của EU.

EC cho biết các khái niệm mà EU đặt ra cho vấn đề tài chính xanh cũng sẽ “định hướng” cho hoạt động đầu tư. Theo các quy định này, các khoản đầu tư cho khí đốt sẽ không được gắn nhãn “xanh”, dù EC không cấm các công ty đầu tư vào loại nhiên liệu này.

Các quy định ngăn cản hoạt động đầu tư vào khí đốt tự nhiên của EU có thể chịu sự phản đối từ các nước Tây Âu, khi tám nước ở khu vực này hồi tuần trước đã viết thư gửi các lãnh đạo EU để kêu gọi ủng hộ khí đốt tự nhiên nhằm giúp họ chấm dứt hoạt động tiêu thụ than đá.

Các đề xuất nói trên của EC sẽ cần phải có sự thông qua của tất cả các nước thành viên EU.