Lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam: Bao giờ và khi nào?

Đầu tháng 3, nhằm ứng phó với đại dịch virus corona chủng mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT soạn thảo chỉ thị cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/4.

Tuy nhiên, thời hạn đã qua gần 1 tháng nhưng chưa có bất cứ thông tin nào về lệnh cấm được đưa ra.

14 tổ chức bảo tồn kiến nghị đóng cửa thị trường ĐVHD bất hợp pháp tại Việt Nam nhằm ngăn dịch Covid-19

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT soạn khẩn chỉ thị cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã

Các tổ chức bảo tồn tại Việt Nam tuần trước đã gửi thư cho Thủ tướng đề nghị cập nhật kế hoạch soạn thảo chỉ thị lệnh cấm này.

Trước đó, ngày 16/2/2020, 14 tổ chức bảo tồn đã gửi Thư ngỏ lên Thủ tướng nhằm kiến nghị về việc Việt Nam cần xác định và đóng cửa các chợ cùng các địa điểm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, qua đó góp phần ngăn chặn dịch bệnh trong tương lai. Các chuyên gia tin rằng đại dịch Covid-19 bắt đầu khi một loại virus nhảy từ một loài động vật hoang dã sang người tại một khu chợ ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Tê tê ở Cúc Phương. (Ảnh: Rh. Butler/Mongabay)

Mặc dù tiêu thụ thịt động vật hoang dã không mấy rộng rãi ở Việt Nam nhưng tương đối phổ biến ở các vùng nông thôn, và là cách giới kinh doanh và chính trị thể hiện địa vị. Ở cấp độ toàn quốc, buôn bán động vật hoang dã phi pháp, bao gồm tất cả mọi thứ từ mai rùa biển, hổ cốt cho đến mật gấu và vảy tê tê trị giá ít nhất 1 tỷ USD, mặc dù một con số chính xác rất khó xác định do bản chất của giao dịch. Việt Nam cũng là nơi có nhiều trang trại động vật hoang dã hợp pháp, một lỗ hổng mà các nhóm bảo tồn đang nỗ lực vận động đóng cửa.

Cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất thực hiện lệnh cấm quy mô lớn đối với buôn bán động vật hoang dã nhằm đối phó với đại dịch, mặc dù vẫn còn các lỗ hổng. Gần đây nhất, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ bắt đầu trả tiền mặt cho người nuôi để chấm dứt nhân nuôi động vật ngoại lai.

Kể từ tháng 3, Việt Nam chủ yếu kiềm chế dịch Covid-19, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng nào được phát hiện trong hơn một tháng, các trường học, doanh nghiệp và du lịch nội địa đã mở cửa trở lại. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận 325 ca nhiễm bệnh và không có ca nào tử vong.

Mặc dù đây là tin tức tuyệt vời về sức khỏe cộng đồng, tuy nhiên, giới bảo tồn lo ngại chính phủ sẽ không còn tập trung vào vấn đề động vật hoang dã và không có thông tin cập nhật nào về lệnh cấm kể từ tháng 3.

“Chỉ thị Thủ tướng bây giờ dường như chỉ là một giấc mơ đẹp”, bà Hoàng Hồng, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ về môi trường CHANGE ngậm ngùi.

Nhiều chuyên gia tại các tổ chức khác cũng cho biết không có tiến triển rõ rệt kể từ khi một dự thảo chỉ thị được chia sẻ từ vài tuần trước. Các nhóm dự kiến ​​sẽ tư vấn cho Bộ NN&PTNT về lệnh cấm nhưng Bộ chưa phúc đáp lời đề nghị.

“Nguy cơ lây truyền virus từ động vật có vú và chim hoang dã sang người tăng lên khi người dân tiếp xúc với động vật sống và thịt tươi ở các địa điểm như chợ và nhà hàng”, Benjamin Rawson, Giám đốc bảo tồn và phát triển chương trình thuộc WWF-Việt Nam cho biết.

“Điều này luôn đúng dù động vật được buôn bán hợp pháp hay bất hợp pháp, và do đó, chỉ thị của Thủ tướng cần giảm thiểu rủi ro dịch bệnh trong tương lai không những thông qua cải thiện thực thi pháp luật hiện hành và các hình thức xử phạt đối với những đối tượng vi phạm mà còn thông qua đánh giá nghiêm ngặt về rủi ro liên quan đến các trại nuôi động vật hoang dã”, Benjamin Rawson nhấn mạnh.

Yoganand, Trưởng nhóm khu vực về tội phạm và động vật hoang dã thuộc WWF Greater Mekong cho biết các hệ thống pháp lý về động vật hoang dã cần được cải thiện trên khắp Đông Nam Á: “Hiện luật pháp về thương mại động vật hoang dã của hầu hết các quốc gia không tính đến yếu tố rủi ro bệnh truyền nhiễm. Đây là một lỗ hổng chính sách lớn. Để giảm thiểu rủi ro dịch bệnh lây lan, các chính phủ cần phải đình chỉ mọi hoạt động buôn bán động vật và chim hoang dã, và phải tuân theo đánh giá khoa học về nhóm động vật hoang dã nào có nguy cơ cao mang virus có thể truyền sang người”.

Về phần mình, CHANGE đang tiếp tục vận động cho lệnh cấm. Hiện tổ chức đã thuyết phục bốn đại biểu Quốc hội chia sẻ với truyền thông trong nước về tầm quan trọng của việc chấm dứt buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Bên cạnh đó, CHANGE cũng thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức mang tên Vật chủ để giáo dục công chúng về mối liên hệ giữa động vật hoang dã và các bệnh truyền nhiễm mới. Theo đó, video đầu tiên có tựa đề “Tiếng gọi vùng hoang dã” thu hút hơn 4 triệu lượt xem trên Facebook và hơn 3,5 triệu lượt xem trên YouTube. Thông điệp kết thúc là “Hãy dừng sử dụng động vật hoang dã để có tương lai tốt đẹp hơn/an toàn hơn”.

Nhật Anh (Theo Mongabay)

Nguồn: