Nỗ lực chấm dứt tình trạng buôn bán và tiêu thụ ĐVHD ở tỉnh Hà Tây

Gần đây, chương trình giám sát buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã tiến hành khảo sát các nhà hàng và khách sạn dọc ngã ba đường cao tốc Láng-Hoà Lạc và đường 21A tỉnh Hà Tây.

Cuộc khảo sát nhằm mục đích lưu trữ các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ ĐVHD và dựa trên những thông tin cơ sở này để chuẩn bị cho chiến dịch đấu tranh chống lại các hoạt động quảng cáo, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD trái phép tại các nhà hàng thuộc khu vực nêu trên. Đây được coi là một điểm nóng của tình trạng buôn bán và tiêu thụ ĐVHD. 


Trong số những nhà hàng được khảo sát, 38 nhà hàng và khách sạn có hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ ĐVHD như công khai quảng cáo, bán hoặc mời chào các sản phẩm chế biến từ ĐVHD. 


Trong chuyến khảo sát, các nhân viên điều tra hiện trường phát hiện thấy một số động vật sống bị nhốt trái phép trong đó có mèo rừng, cầy, don, nhím, dúi và khỉ. 


Số lượng nhà hàng quảng cáo phục vụ hoặc mời chào các món ăn chế biến từ nhím là 25. Dúi được quảng cáo trên thực đơn ở 17 nhà hàng, cầy ở 12 nhà hàng, lợn rừng ở 11 nhà hàng, kỳ đà ở 10 nhà hàng. Hươu và hoẵng được quảng cáo ở 7 nhà hàng. 


Có tổng số 5 nhà hàng mời chào phục vụ tê tê, trong đó có một khách sạn lớn đã nhiều lần vi phạm. 
 
Ngoài ra, nhóm điều tra còn phát hiện một số bình rượu ngâm rắn bao gồm rắn cạp nong, rắn ráo, rắn hổ mang và một số loài khác.  


Tổng số 10 nhà hàng mời chào hoặc quảng cáo bán mật gấu, hai nhà hàng trưng bày bình rượu ngâm gấu con và một nhà hàng quảng cáo bán cao hổ trên thực đơn. 


Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, có 12 trường hợp ĐVHD sống bị nhốt trái phép, 28 trường hợp ĐVHD ngâm rượu. Nhóm khảo sát ghi lại 104 hành vi quảng cáo ĐVHD (gồm 11 loài) và 154 hành vi vi phạm “tiềm tàng”.  Nhóm khảo sát phát hiện ra ba trường hợp vi phạm liên quan đến ĐVHD thuộc nhóm 1B trong Nghị định 32 bao gồm các cá thể sống và các cá thể bị ngâm rượu; 16 trường hợp vi phạm liên quan đến ĐVHD thuộc nhóm 2B trong Nghị định 32. 


Trong tổng số 154 hành vi vi phạm “tiềm tàng” được ghi lại trong cuộc khảo sát, 17 nhà hàng bị phát hiện có trên 5 hành vi phạm, hai nhà hàng có 8 hành vi và một nhà hàng có 10 hành vi vi phạm “tiềm tàng”.

Định nghĩa các hành vi vi phạm “tiềm tàng”


Một số ĐVHD nhóm khảo sát quan sát thấy hoặc các nhà hàng quảng cáo phục vụ có thể có nguồn gốc hợp pháp: được gây nuôi từ các trang trại hoặc mua phát mại. Các loài ĐVHD có thể có nguồn gốc từ trang trại bao gồm dúi, hươu, don. Trong những trường hợp này, chủ nhà hàng sẽ được yêu cầu trình giấy chứng nhận nguồn gốc hợp pháp của các loài động vật mua từ trang trại. 


Hoạt động xử lý tiếp theo


Sau khi nhận được thông tin từ phía ENV về một nhà hàng đang nuôi nhốt trái phép một con mèo rừng, kiểm lâm địa phương đã phối hợp với Đội kiểm lâm đặc nhiệm của Cục Kiểm lâm kiểm tra nhà hàng và tịch thu con mèo rừng đó. 
 
Hiện ENV đang phối hợp với cơ quan chức năng địa phương ưu tiên xử lý các trường nghiệm vi phạm nghiêm trọng phát hiện trong đợt khảo sát, 


ENV cũng lên kế hoạch tiến hành một chiến dịch khuyến khích các chủ nhà hàng tự nguyện chấp hành luật bảo vệ ĐVHD. Đồng thời ENV sẽ tiếp tục theo dõi và phối hợp với cơ quan chức năng áp dụng các hình thức cưỡng chế đối với các nhà hàng vi phạm nghiêm trọng pháp luật bảo vệ ĐVHD.