Những dòng sông đang “chết” ở Thái Nguyên

Thành quả phát triển kinh tế mà tỉnh Thái Nguyên đạt được đến ngày hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của khoáng sản sẵn có. Tuy nhiên, khai thác, chế biến khoáng sản bắt chấp những hệ quả môi sinh đã và đang tàn phá, hủy hoại môi trường nghiêm trọng, đặc biệt một số dòng sông đang “chết” trước sự bàng quan của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Sông Thần Sa bị ô nhiễm nặng nề bởi bùn đỏ.

Sông Thần Sa chảy qua Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng, chảy dưới Di tích lịch sử quốc gia di chỉ khảo cổ người tiền sử Thần Sa nhiều năm nay trong tình trạng đỏ lòm bởi bùn đỏ. Đứng trên cầu tràn qua sông trên đường từ trụ sở xã Thần Sa vào thôn Khắc Kiệm, thấy dòng nước cuồn cuộn chảy cuốn theo những đụn bùn đỏ. Người dân xã Thần Sa chia sẻ, mùa khô cũng như mùa mưa, nước sông lúc nào cũng ngàu đỏ, đậm đặc bùn, không thể dùng làm nước uống cho gia súc và sinh hoạt được.

Sông Thần Sa bắt nguồn từ huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), chảy về địa phận xã Thần Sa nước còn trong xanh, đến Thần Sa thì bị nhuộn màu đỏ. Trên địa bàn xã Thần Sa, huyện Võ Nhai có một số mỏ vàng đang được cấp phép khai thác, trong đó có những mỏ vàng được cấp phép khai thác trong rừng tự nhiên, bên cạnh sông Thần Sa mà “công nghệ” khai thác, chế biến chủ yếu là nghiền, tuyển rửa. Đại diện chính quyền xã Thần Sa cho biết, chúng tôi rất khó kiểm tra việc bảo vệ môi trường đối với các đơn vị khai thác khoáng sản ở đây.

Bãi than tư nhân bên sông Chu tại đầu cầu Đát Ma trên địa bàn huyện Phú Lương.

Năm nào các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn cũng có những đóng góp phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, như hỗ trợ làm nhà văn hóa thôn, sửa trạm y tế xã, tặng bò cho hộ nghèo, tặng quà tết… nên chính quyền xã ngại kiểm tra, có vi phạm thì gần như không thể xử lý. Các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường ở tỉnh Thái Nguyên, huyện Võ Nhai gần như năm nào cũng kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường đối với các đơn vị này. Nhưng tất cả… đều không phát hiện nguồn gây ô nhiễm dòng sông (?), còn trên thực tế sông Thần Sa bị ô nhiễm ngày càng nặng nề, vô dụng đối với sản xuất và đời sống nhân dân và đang trở thành dòng sông “chết”.

Sông Chu chảy qua địa bàn xã Phục Linh, huyện Đại Từ và thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương lại đang bị nhuộm một màu đen ngòm của than. Điều mà ai cũng nhận thấy, đó là hầu hết các xưởng tuyển than tư nhân đều đặt ngay bên cạnh sông Chu mà không có bất kỳ công trình bảo vệ môi trường nào. Than ở nhiều bãi chứa tràn cả ra đường dân sinh; khi có mưa lớn, nước mặt ở các bãi than, xưởng chế biến tư nhân này chảy hết xuống sông Chu, làm cho dòng sông đang “chết”.

Nguồn thải làm cho sông Chu đen đặc ai cũng biết, cơ quan chức năng vẫn kiểm tra, nhưng nhiều năm qua tình hình vẫn không được cải thiện, nước sông Chu ngày càng đen đặc trước sự thờ ơ của các chủ xưởng chế biến than, chính quyền địa phương và các cơ quản lý Nhà nước về môi trường ở địa phương.

Một số sông, suối khác trên địa bàn tỉnh cũng đang bị ô nhiễm với nhiều mức độ khác nhau. Có dòng suối đặc sệt bởi bùn đỏ tuyển quặng, có dòng sông bị chặn để khai thác cát, có dòng kênh phục vụ nước sản xuất trở thành nơi chứa thải của nhà hàng ăn uống… Hậu quả nhãn tiền là nhiều sông, suối bị ô nhiễm làm cá của người dân bị chết mà không cá nhân, đơn vị nào chịu trách nhiệm, nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm không có tác dụng đối với sản xuất và sinh hoạt. Qua đó, người dân có quyền đặt câu hỏi về trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền và cơ quan chức năng ở địa phương.

Bài và ảnh: Thế Bình

Nguồn: