“Thái Lan nên chấm dứt hỗ trợ và mua điện từ đập Luang Prabang”

Ngày 7/4 là thời hạn kết thúc quá trình tham vấn trước cho đập Luang Prabang và nhân dịp này, Mạng lưới người Thái thuộc 8 tỉnh Mê Kông đã gửi bản Tuyên bố gồm 5 khuyến nghị chính tới chính phủ Thái Lan, trong đó đặc biệt nhấn mạnh Thái Lan nên chấm dứt hỗ trợ và mua điện từ đập Luang Prabang cũng như các dự án đập trên dòng chính Mê Kông.

Tuyên bố nêu rõ năm 2010, Xayaburi là dự án đầu tiên thực hiện tham vấn trước nhưng quá trình này bị các bên liên quan trong khu vực công khai phản đối vì hoàn thành gấp gáp mà không hề đánh giá tác động xuyên biên giới. Ủy ban hỗn hợp của bốn quốc gia không đạt được thỏa thuận về dự án và đề xuất tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo ở cấp Hội đồng MRC. Tuy nhiên, cho đến khi con đập chính thức vận hành vào tháng 10/2019, tác động xuyên biên giới từ dự án vẫn chưa được đánh giá. Trong khi đó, tác động môi trường từ đập Xayaburi đang hiển hiện rõ ràng khi mực nước dao động mạnh ở các địa điểm phía dưới đập, gây ra sự thay đổi về dòng chảy và mực nước bất thường, tác động tiêu tực đến hệ sinh thái sông Mê Kông, nhất là quá trình di cư của các loài cá. Ngoài ra, các loài thực vật hai bên bờ sông và các ghềnh đá đều bị chết vì nhiệt độ cao. Cuối năm 2019, màu nước sông trở nên xanh biếc vì tải lượng trầm tích giảm.

Ngoài Xayaburi, hiện có 4 con đập nữa đang thực hiện quá trình tham vấn trước gồm: Don Sahong năm 2014 – 2015 (đã vận hành thương mại năm 2019), Pak Beng năm 2016 – 2017, Pak Lay năm 2018 – 2019, và gần đây nhất là dự án đập Luang Prabang. Các đập Sanakham và Phu Ngoy cũng đang chuẩn bị bắt đầu quá trình này. Mặc dù chưa dự án nào đạt được đồng thuận giữa các bên liên quan về PNPCA nhưng tất cả vẫn được xây dựng do quyết định đơn phương của nước chủ nhà dự án.

Mạng lưới người Thái thuộc 8 tỉnh Mê Kông đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về các tác động môi trường – xã hội to lớn của dự án Xayaburi nói riêng và các thủy điện dòng chính trên sông Mê Kông nói chung, đồng thời phê phán động thái ký thỏa thuận mua điện từ dự án Xayaburi của Điện lực Thái Lan (EGAT) và việc các ngân hàng thương mại Thái Lan cho dự án này vay vốn.

Là bên liên quan chịu tác động từ đập Luang Prabang và các đập dòng chính khác, Mạng lưới người Thái thuộc 8 tỉnh Mê Kông đưa ra bản Tuyên bố với 5 nội dung khuyến nghị gửi tới chính phủ Thái Lan. Cụ thể:

1. Chính phủ Thái nên chấm dứt hỗ trợ và kiên quyết chống lại việc xây dựng đập Luang Prabang cũng như các đập dòng chính. Điện từ các đập này không cần cho nhu cầu của Thái Lan. Theo trang web của EGAT, tổng công suất lắp máy của Thái Lan đạt 45.575 MW trong khi nhu cầu đỉnh (ngày 13/2) chỉ là 27.112 MW, tức dư địa dự trữ năng lượng của Thái Lan lên tới 30% – một mức đáng kinh ngạc. Thực sự không đáng để đầu tư vào các dự án này khi so với những tác động vô cùng lớn mà chúng mang lại cho hệ sinh thái, cộng đồng, xã hội, và cả đất nước Thái Lan.

2. EGAT không nên mua điện từ đập Luang Prabang vì Thái Lan đang dư thừa. Tình trạng này càng rõ nét khi nền kinh tế đang ảm đạm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. EGAT cũng nên tự nhắc mình rằng nhiệm vụ chính của cơ quan này là mua điện để đáp ứng hiệu quả nhu cầu nội địa thay vì đóng vai trò là nhà môi giới năng lượng để mua điện cho cả khu vực. EGAT không nên mua điện từ các đập dòng chính sông Mê Kông mà nên quản lý việc mua điện để đảm bảo có sẵn các nguồn thay thế trong nước phù hợp theo chính sách của EGAT: thúc đẩy việc làm trong nước và thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới để có năng lượng thực sự sạch và bền vững.

3. Quá trình tham vấn trước còn nhiều thiếu sót và phải được sửa đổi. Các vấn đề như công bố không đầy đủ và thiếu sự tham gia của công chúng vào quá trình ra quyết định chung giữa chính phủ bốn quốc gia đều bị phớt lờ bởi quyết định đơn phương tiến hành dự án. Đây không thể được coi là một quá trình ra quyết định tập thể với các tài nguyên thiên nhiên được chia sẻ. Mê Kông nên tuân thủ các nguyên tắc quản trị quốc tế chung phù hợp với các chế độ thực hành tốt nhất về điều chỉnh việc sử dụng các dòng sông quốc tế. Cho đến nay, PNPCA dường như chỉ là công cụ để biện minh cho việc thực hiện dự án theo thỏa thuận đã được các quốc gia ven sông trong lưu vực ký kết. Quá trình PNPCA dài sáu tháng đã được một quốc gia tận dụng để đơn phương viện dẫn cho quyền phát triển hơn nữa các dự án. Vì vậy, Mạng lưới người Thái thuộc 8 tỉnh Mê Kông đề xuất đập Luang Prabang nên là dự án cuối cùng thực hiện quá trình tham vấn trước cho đến khi Hiệp định Mê Kông 1995 xem xét sửa đổi PNPCA.

4. Các tác động xuyên biên giới từ các đập hiện hành ở thượng nguồn phía Trung Quốc và đập Xayaburi ở Lào ngày càng nghiêm trọng. Người dân Thái Lan sống gần sông Mê Kông và người dân các nước hạ nguồn có thể cảm nhận rõ tác động. Tuy nhiên, có rất ít biện pháp để giải quyết vấn đề một cách có ý nghĩa, đưa ra biện pháp khắc phục và không ai chịu trách nhiệm giải trình về các tác động. Mặc dù dự án Xayaburi tuyên bố được trang bị các cơ chế để giảm thiểu tác động đến nghề cá và đảm bảo dòng trầm tích nhưng hiệu quả của các cơ chế này vẫn chưa được chứng minh. Ngược lại, do sự thay đổi trầm tích và dòng chảy, có thể thấy rõ các tác động sâu rộng tới nghề cá và hệ sinh thái sông Mê Kông cũng như đời sống người dân sống trong lưu vực. Vì vậy, Mạng lưới đề nghị chính phủ Thái Lan và EGAT công bố tất cả các thông tin liên quan và thực hiện nghiên cứu về tác động mới xảy ra cũng như khắc phục thiệt hại để đảm bảo tính cân bằng và bền vững của hệ sinh thái Mê Kông.

5. Mạng lưới cũng khuyến nghị chính phủ bốn quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Kông (Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam) cần tuân thủ các nguyên tắc quản trị tốt và thực hành tốt nhất liên quan đến quản lý sông ngòi quốc tế. Bất kỳ quá trình ra quyết định nào liên quan đến đập Luang Prabang phải được đưa ra với mục đích phục vụ lợi ích chung của 60 triệu người phụ thuộc sinh kế vào sông Mê Kông. Mạng lưới kêu gọi tất cả các bên đảm bảo rằng dự án Xayaburi là đập cuối cùng được phát triển ở Mê Kông; các chính phủ, nhà phát triển dự án, ngân hàng và tất cả các nhà đầu tư cần ngay lập tức xây dựng và thực hiện những biện pháp nhằm tránh và giảm thiểu các tác động xuyên biên giới của các đập hiện có và được đề xuất trên dòng chính Mê Kông.

Nhật Anh

Nguồn: