Thêm cảnh báo nóng về sông Mê Kông

Ngư dân vùng đông bắc Thái Lan cho biết sản lượng đánh bắt trên sông Mê Kông sụt mạnh, trong khi nông dân ở Việt Nam và Campuchia phải bỏ nghề trồng lúa vì khô hạn.

Một ngư dân Thái Lan thả lưới trên đoạn sông Mê Kông chảy qua nước này. Ảnh: AFP

Nguyên nhân khiến các quốc gia hạ nguồn phải lãnh hậu quả lại vừa được các tổ chức phi chính phủ tố cáo là do 11 đập thủy điện được dựng lên trên lưu vực sông Mê Kông của Trung Quốc. Theo đó, năm trong tổng số các đập trên đã chính thức vận hành từ năm 2017 đã khiến dòng chảy bị thay đổi, phá vỡ quy luật tự nhiên và đe dọa sinh kế của hơn 60 triệu người ở hạ lưu, báo cáo của các nhóm hoạt động cho biết.

Teerapong Pomun, giám đốc mạng lưới cộng đồng Mê Kông, một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu về quản lý tài nguyên nước có trụ sở tại Chiang Mai, Thái Lan nói: Theo quy luật tự nhiên, mực nước trên sông thường lên xuống chậm sau khoảng từ ba đến bốn tháng chuyển mùa. Nhưng hiện nay mỗi năm thì nó chỉ dao động từ 2-3 ngày vì những con đập làm cản dòng chảy.

Trước đó, vào ngày 13 tháng 4, một tổ chức quốc tế của Mỹ Eyes on Earth cũng đã công bố các dữ liệu vệ tinh cho biết Trung Quốc đã cố tình chặn dòng để tích nước ở phía thượng nguồn, là nguyên nhân gây ra hạn hán tồi tệ trong năm 2019 ở phía hạ lưu.

Sông Mê Kông tạo ra nguồn lương thực và sinh kế cho hàng chục triệu người dân ở khu vực Đông Nam Á. Ảnh: AFP
“Tình hình ở sông Mê Kông rất đáng lo ngại khi hạn hán kéo dài đã lộ ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với các nước trong khu vực ở nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt là an ninh lương thực. Chắc chắn vấn đề này sẽ ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của Bắc Kinh với các nước hạ lưu sông Mê Kông”, ông Zhang Hongzhou, một nhà nghiên cứu của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore cho biết.

Sông Mê Kông dài trên 4.300 km, chảy từ cao nguyên Thanh Tạng của Trung Quốc qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, trước khi đổ ra biển Đông không chỉ là tuyến giao thông thủy dài thứ ba ở châu Á mà còn là nguồn sống của hàng trăm triệu cư dân ven bờ hiện đã bị biến đổi sâu sắc.

Theo ông Bunleap Leang, giám đốc điều hành mạng lưới 3S Rivers Protection Network, một tổ chức phi chính phủ ở Campuchia, trong nhiều năm qua năng suất cây trồng và vật nuôi, nhất là nguồn lợi thủy sản ở vùng hạ lưu bị giảm đáng kể do nguồn nước về ít gây ô nhiễm và hoang mạc hóa nhiều vùng đất ngập nước.

Theo các nhà nghiên cứu, mực nước sông Mê Kông đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 50 năm vào tháng 7 năm ngoái, khiến Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho năm tỉnh ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm hơn một nửa sản lượng lúa gạo của đất nước. Chính quyền địa phương đã cảnh báo hạn hán có thể kéo dài đến tháng 5 hoặc lâu hơn.

Hồi tháng trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo năm 2020 năng suất lúa tại Việt Nam sẽ giảm 3,3% so với các tính toán trước đó do hạn hán và xâm nhập mặn, khiến sản lượng lúa có thể thấp hơn 0,9% trong năm nay.

Một đập thủy điện mới đang trong giai đoạn xây dựng trên lưu vực sông Mê Kông ở Lào. Ảnh: Shutterstock

“Nông dân là đối tượng đặc biệt bị tổ thương khi thiếu nước, nhiều vùng nông dân phải tốn thêm tiền mua nhiên liệu để bơm nước hoặc mua nước tưới, sinh hoạt khiến chi phí cuộc sống và sản xuất tăng mạnh vào đúng thời điểm tồi tệ nhất là cùng xảy ra đại dịch Covid-19. Điều này đang đẩy nông dân ra khỏi cánh đồng lúa để đi tìm công việc khác, trong khi ngư dân Thái Lan cũng đang kéo những mẻ lưới trống”, ông Pomun nói.

Dự báo lượng cá đánh bắt trong năm nay có thể giảm 40% và giảm tới 80% vào năm 2040 trên dòng Mê Kông, bắt nguồn từ sự kết hợp của việc xây dựng các con đập, nạn đánh bắt cá bất hợp pháp và biến đổi khí hậu.

Mỏ cá nước ngọt Biển Hồ (Tonle Sap) ở Campuchia dự báo cũng sẽ bị giảm lượng cá từ 350.000 xuống còn 260.000 tấn trong năm 2020 và tiếp tục giảm xuống còn 200.000 tấn vào năm 2040.

Sự sụp đổ của sông Mê Kông trong những thập kỷ gần đây đã tạo ra những lo ngại thường trực về môi trường, biến động xã hội và giá trị của việc đánh đổi kinh tế.

Trong một tuyên bố hồi thượng tuần tháng trước, Ủy hội sông Mê Kông (MRC) cũng kêu gọi các quốc gia liên vùng cần chia sẻ nhiều hơn về dữ liệu thủy văn và tính minh bạch giữa bốn thành viên và hai quốc gia đối tác đối thoại là Trung Quốc và Myanmar.

Kim Long (Theo SCMP)