“Tuần tới phải có các kịch bản để phục hồi kinh tế sau dịch”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ KHĐT khẩn trương xây dựng các kịch bản phục hồi kinh tế sau dịch, báo cáo Chính phủ ngay trong tuần tới.

Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các phát biểu của bộ ngành, địa phương đúng hướng, thể hiện sự quyết tâm trong bối cảnh dịch Covid-19.

Lập ban chỉ đạo xử lý điểm nghẽn ở từng địa phương

Thủ tướng nhấn mạnh một số ý. Ông yêu cầu quyết tâm chống dịch, thực hiện tốt Chỉ thị 16, giãn khoảng cách xã hội nhưng không ngăn sông, cấm chợ, không cấm đi lại. Ngày 15 tới, Thủ tướng sẽ có quyết sách mới nếu tình hình thay đổi.

Thứ hai, với các thiệt hại do dịch bệnh gây ra, Thủ tướng đề nghị cả hệ thống chính trị chung sức đồng lòng, phối hợp chặt chẽ, có quyết tâm rất cao trong tổ chức thực hiện.

“Dịch gây ra khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp 3. Phái có tinh thần ấy”, ông nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Thủ tướng đánh giá cao đề xuất của Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ về việc thành lập ban chỉ đạo ở từng địa phương xử lý điểm nghẽn, nhất là các dự án lớn. Phải tập trung sức lực chấm dứt tình trạng trì trệ tại một số địa phương, một số ngành.

Theo người đứng đầu Chính phủ, trong quý I, tăng trưởng 3,82% là đáng khích lệ trong bối cảnh quốc tế nhưng vẫn còn quá thấp. Một số địa bàn trọng điểm tăng trưởng thấp. Ông đề nghị cần suy nghĩ để phấn đấu, phải sáng tạo, biến nguy cơ thành thời cơ trong chỉ đạo cụ thể và tái cơ cấu giải pháp cho từng ngành, từng lĩnh vực.

Hiện tại, Chính phủ đã trực tiếp tháo gỡ 91 kiến nghị của các tỉnh, thành phố. Thủ tướng khuyến khích tìm thị trường mới, phải đổi mới cách làm, phải thay đổi một số việc khó quen. Một số dự án có thể chuyển PPP thành đầu tư công, một số đầu tư công thành PPP.

Ông yêu cầu xử lý nghiêm việc chậm chạp, vô trách nhiệm trong đầu tư an sinh, trật tự xã hội, một số vụ việc kéo dài. Cũng cần chú ý đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt nông nghiệp. Tháo gỡ bất động sản ở 2 thành phố lớn. Cùng xuất khẩu chú trọng thị trường trong nước 100 triệu dân. Cần chống đầu cơ, tăng giá, nhất là thịt lợn.

“Xử lý nghiêm hành động đầu cơ đẩy CPI lên cao”, ông nói.

Ngay sau hội nghị, Chính phủ sẽ có một nghị quyết mới để thể hiện ý chí quyết tâm chống dịch và vượt qua khó khăn.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi kinh tế sau dịch. Ông giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) chủ trì làm sớm, xây dựng các kịch bản phục hồi kinh tế sau dịch, báo cáo ngay Chính phủ trong tuần tới.

Ông cũng giao Bộ KHĐT tổng hợp những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương, để có văn bản trả lời, có hướng tháo gỡ.

“Tôi tin một khí thế mới, quyết tâm mới, giai đoạn mới, vượt khó đi lên, thực hiện mục tiêu kép, đẩy lùi dịch bệnh nhưng phát triển kinh tế xã hội”, ông chia sẻ.
Thời cơ mới

Theo Bộ trưởng KHĐT, dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra.

Do đó, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết.

Theo ông, trước tiên, kiểm soát dịch thành công với số ca nhiễm mới tăng chậm, tăng nhanh số ca được điều trị khỏi, hạn chế số ca tử vong không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân mà còn có ý nghĩa lớn trong việc củng cố thêm niềm tin của người dân.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QH.

Tiếp theo, cần thực hiện quyết liệt, đầy đủ các giải pháp đã ban hành tại các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng nhằm duy trì được các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tác động của dịch sẽ gia tăng khả năng “bình phục” nhanh và “bứt phá” cho nền kinh tế sau khi dịch qua đi.

Đồng thời, gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững.

Sau đó, cần đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất nước. Nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới.

“Phải đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch. Tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát”, ông chia sẻ.

Sáng nay, hội nghị đã truyền đến 101 điểm cầu trên toàn quốc, riêng TP.HCM nối tới 24 quận huyện, gần 2.000 đại biểu theo dõi.