Bệnh viện Bạch Mai không thể dừng tiếp nhận, cứu người

Bệnh viện Bạch Mai là tuyến cuối, lớn nhất cả nước, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân nặng, rất nặng từ tuyến dưới chuyển lên, cần được cứu chữa nếu không nguy cơ tử vong rất lớn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế về tình hình Bệnh viện Bạch Mai trong cuộc họp sáng 30/3. (Ảnh: VGP/Đình Nam)

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia nhận định diễn biến dịch bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, kết quả bước đầu cho thấy, dịch bệnh này lây chủ yếu từ người lao động của Công ty Trường Sinh (cung cấp thực phẩm, dịch vụ hậu cần cho bệnh viện) chứ không phải lây lan từ nhân viên y tế, nên có thể gọi đây là ổ dịch Trường Sinh.

Lãnh đạo Bộ Y tế cùng các chuyên gia nhấn mạnh điều này trong cuộc họp sáng 30/3 với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2).

Hiện tất cả các bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang được điều trị bình thường nhưng nếu Bệnh viện Bạch Mai bị phong toả dài ngày thì sẽ dẫn đến nhiều bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên sẽ mất cơ hội được cứu sống. Theo ước tính mỗi ngày vẫn còn hàng chục bệnh nhân nặng (cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc, ECMO…) cần chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, nếu không tiếp nhận, cấp cứu, điều trị thì có khoảng 80% bệnh nhân trong số này sẽ tử vong…

Trên cơ sở phân tích thực tế, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia cho rằng Bệnh viện Bạch Mai không thể không tiếp nhận cấp cứu, điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch tính mạng. Ngoài việc bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để dịch bệnh lây lan từ Bệnh viện Bạch Mai thì nhiệm vụ không kém phần quan trọng là yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai phải tiếp tục tiếp nhận các bệnh nhân nặng không thể chuyển sang các bệnh viện tuyến Trung ương khác hay bệnh viện ở Hà Nội để cứu chữa.

Vì vậy, khái niệm cách ly toàn bộ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đang áp dụng đối với Bệnh viện Bạch Mai cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đối với một số bệnh nhân không nguy kịch đến tính mạng có thể chuyển sang một số cơ sở y tế tuyến Trung ương như Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận hặc của Hà Nội như Thanh Nhàn, Saint Paul và một số bệnh viện quân đội…
Những ca bệnh nặng, nguy kịch sẽ được Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận theo quy trình cụ thể.

Trước hết, các trường hợp này sẽ được hội chẩn trực tuyến, trao đổi, thống nhất giữa Bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện địa phương.

Việc vận chuyển bệnh nhân phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về dịch tễ. Bệnh nhân được coi như một trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 và được chuyển thẳng đến các khu tiếp nhận, điều trị riêng lấy mẫu, xét nghiệm ngay sau đó. Quá trình điều trị được thực hiện ngay lập tức, nhân viên y tế phải sử dụng đồ bảo hộ và tuân thủ các quy định chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo như đối với bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Đối với các y bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, các chuyên gia cho rằng, không thể cách ly bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai làm liên tục 14 ngày như các cơ sở điều trị khác. Do đó, cần khẩn trương, làm thủ tục, bố trí khu cách ly riêng coi như một phần của Bệnh viện Bạch Mai, chuẩn bị phương tiện đưa đón riêng, bảo đảm an toàn dịch tễ cho lực lượng y bác sĩ luân phiên làm công tác điều trị.

“Tất cả các y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã được xét nghiệm lần đầu âm tính với SARS-CoV-2 và đang chuẩn bị xét nghiệm lần 2. Đây không phải là nguồn lây. Chúng tôi đề xuất tất cả các cán bộ y tế theo yêu cầu, đề xuất của Bệnh viện Bạch Mai sẽ vào bệnh viện tham gia công tác điều trị người bệnh. Tuy nhiên, việc hầu hết cán bộ y tế của Bệnh viện Bạch Mai tập trung hết trong 14 ngày thì các yêu cầu về cách ly không được đảm bảo nên cần chuẩn bị một số cơ sở lưu trú, khách sạn cho các y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai nghỉ ngơi, bảo đảm sức khoẻ, luân phiên thực hiện nhiệm vụ trong bệnh viện”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Không ai nao núng

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Đến thời điểm này, Bạch Mai đã sang ngày thứ 2 thực hiện cách ly toàn bộ bệnh viện, theo chủ trương “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Bệnh viện vẫn ổn, tinh thần của các y bác sĩ, nhân viên y tế vẫn rất vững vàng, không có ai nao núng. Đặc biệt, dù bị phong tỏa, cách ly, nhưng nhân viên y tế của bệnh viện vẫn đang nỗ lực hết sức. Bệnh nhân yên tâm điều trị, được nhân viên y tế chăm sóc toàn diện.

“Đặc biệt trong số các y bác sĩ ở đây, có một bác sĩ trẻ vừa là đồng nghiệp, vừa là học trò của chúng tôi. Bác sĩ này đang mang thai tháng thứ 9 nhưng vẫn xung phong ở lại bệnh viện để chăm sóc cho bệnh nhân. Bác sĩ đã có rất nhiều chia sẻ trên facebook để truyền cảm hứng và được nhiều người theo dõi, chia sẻ. Đây là một tấm gương vì người bệnh”.

Hiện các y bác sĩ, nhân viên bệnh viện vẫn đang nỗ lực ngày đêm với quyết tâm không chỉ chữa khỏi bệnh, mà còn không để bệnh nhân bị lây nhiễm hoặc lây nhiễm chéo.

“Chúng tôi luôn quyết tâm và vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc bệnh nhân, chăm sóc mọi người, vượt qua đại dịch này. Chúng tôi cũng như tất cả mọi người, mong muốn nhận được sự sẻ chia từ đồng nghiệp, bạn bè, người thân và xã hội. Bệnh viện cũng rất vui mừng khi kết quả xét nghiệm của hơn 3.500 nhân viên y tế đều âm tính. Điều đó cho thấy các bác sĩ, nhân viên y tế, người lao động của bệnh viện Bạch Mai không phải là nguồn lây nhiễm”, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ.