Phát hiện hệ thống nước ngọt khổng lồ dưới đáy biển New Zealand

Các nhà khoa học đã tìm ra một trữ lượng lớn nước ngọt hiếm hoi nằm sâu dưới đáy biển ngoài khơi đảo South Island của New Zealand.

Hình thành mạch nước ngầm dưới lớp trầm tích thời kỷ băng hà. Ảnh: Marcan

Phát hiện trên được cho là có thể giúp giải quyết được tình trạng hạn hán trong tương lai và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong những năm tới.

Theo tài liệu nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Nature Communications, các nhà khoa học New Zealand đã phát hiện ra mạch nước ngầm ngoài biển (OFG) trên bằng cách kết hợp kỹ thuật quét sóng điện từ và địa chấn trước đây thường được sử dụng để tái tạo bản đồ 3D cho tầng chứa nước dưới biển.

Mặc dù trữ lượng chính xác nước ngọt trong lần phát hiện này vẫn chưa được tính toán cụ thể song các nhà nghiên cứu tin rằng hệ thống có thể chứa đến 2.000 kilomet khối nước ngọt – tương đương với 800 triệu bể bơi đạt kích thước chuẩn của Olympic.

Không quá phổ biến song những tầng chứa nước ngọt dưới biển như trên, được giữ lại trong đá, có thể tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Các nhà khoa học giải thích phần nước này có thể được dự trữ từ ba kỷ băng hà cuối cùng.

“Một trong những kết luận quan trọng rút ra từ nghiên cứu này là là nâng cao hiểu biết về quản lý nước”, nhà nghiên cứu địa chất hải dương Joshu Mountjoy, làm việc tại Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển Quốc gia (NIWA) New Zealand cho hay.

“Hiện tại chúng tôi chỉ sử dụng công nghệ từ xa, tạo mô hình và địa vật lý. Chúng tôi thực sự cần phải ra ngoài đó và chứng minh những kết luận trên. Chúng tôi đang tiến hành điều tra phương án đó”, ông Joshu bày tỏ.

Gợi ý đầu tiên ám chỉ có tồn tại một hệ thống OFG là phát hiện nước lợ (kết hợp giữa nước mặn và nước ngọt) dưới biển thành phố cảng Timaru vào năm 2012 khi một dự án khoan khoa học được triển khai tại đây.

Một tàu nghiên cứu được cử đi điều tra vào năm 2017. Tầng chứa nước này nông bất thường, chỉ sâu 20 m so với mặt nước biển và ở khoảng cách xa 60 km so với bờ biển.

Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện ra tầng chứa nước vào thời điểm hiện tại là rất may mắn, vì khu vực Canterbury đang phải đối mặt với sức ép gia tăng từ dân số ngày càng đông và tình trạng khô hạn kéo dài. Nguồn dự trữ nước ngọt khổng lồ có thể chiếm một nửa lượng nước ngầm ở Canterbury.

Trong khi bản đồ chi tiết về độ mặn của nước và hình dạng tầng chứa nước đã được hình thành song vẫn còn nhiều bí ẩn cần phải giải đáp. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu muốn lấy mẫu nước từ hệ thống nước ngọt và so sánh chúng với các mô hình hiện nay.

Các nhà khoa học cho rằng kỹ thuật được áp dụng trong nghiên cứu này có thể được sử dụng để đánh giá các tầng chứa nước tương tự trên toàn cầu.