Quân đội chuẩn bị cho giai đoạn 2 chống dịch Covid-19

Các tướng lĩnh quân đội nhận định giai đoạn 2 của công cuộc chống dịch Covid-19 sẽ nhiều khó khăn, thử thách.

Chủ trì cuộc họp rút kinh nghiệm và triển khai giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 vào sáng nay (23/3), thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhận định cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang bước vào giai đoạn 2 với nhiều khó khăn, thách thức.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, cũng đánh giá nếu quản lý, kiểm soát người nhập cảnh không tốt, dịch bệnh sẽ bùng phát trên diện rộng và có nguy cơ lây nhiễm trong cả quân đội – lực lượng đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh.

“Quân đội đã và đang đi đầu trong công tác phòng, chống Covid-19 với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trong giai đoạn 1, chúng ta đã có những mặt làm rất tốt được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, tuy nhiên vẫn còn nhiều điều cần rút kinh nghiệm”, Cục trưởng Cục Quân y nói.

Cần có dự báo đầy đủ về người nhập cảnh

Báo cáo về việc tham gia phòng chống dịch Covid-19 của quân đội khu vực Đông Nam Bộ, Trung tướng Võ Minh Lương, Tư lệnh Quân khu 7, cho biết sau giai đoạn 1, công tác tổ chức cách ly trên địa bàn đã đi vào nền nếp. Đặc biệt, không có trường hợp dương tính nào trong hàng ngũ quân đội tại quân khu 7.

Bước vào giai đoạn 2 phòng chống dịch Covid-19, Tư lệnh Quân khu 7 kiến nghị Ủy ban phòng chống dịch Trung ương cần có biện pháp cung cấp tương đối chính xác về số lượng trường hợp cần giám sát, cách ly cho các tỉnh, thành, đặc biệt số lượng người nhập cảnh. Từ đó, các tỉnh sẽ tính toán chỉ tiêu được giao và có kế hoạch phù hợp.

Khu cách ly tại trường quân sự Quân khu 7. (Ảnh: Y Kiện).

“Với diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nếu không có những chỉ tiêu, dự báo, TP.HCM và 3 tỉnh biên giới trong địa bàn Quân khu 7 sẽ rối. Thời gian qua, những dự báo thiếu chính xác về các chuyến bay đã khiến việc tiếp nhận cách ly có phần bị động”, Trung tướng Võ Minh Lương nhìn nhận.

Tư lệnh Quân khu 7 đề nghị tại các sân bay có số lượng khách nhập cảnh lớn cần có nơi cách ly với quy mô tương đương các bệnh viện dã chiến. Theo ông, việc đón khách trực tiếp từ sân bay về điểm cách ly mới xét nghiệm, phân loại sẽ gây nguy hiểm, tăng khả năng lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

TP.HCM cần san sẻ người cách ly

Tại điểm cầu Bộ Tư lệnh TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết trong giai đoạn 1, lực lượng quân đội đã phối hợp tốt với chính quyền trong việc vận chuyển, tiếp nhận người về khu cách ly tập trung. Trong giai đoạn 2, lãnh đạo UBND TP.HCM mong muốn có thể điều chuyển trường hợp cần cách ly tới các tỉnh, thành khác để giảm tải áp lực cho thành phố.

“Những ngày vừa qua, riêng sân bay Tân Sơn Nhất đã tiếp nhận từ 6.000-7.000 trường hợp cần cách ly. TP.HCM sẵn sàng tiếp nhận những người nhập cảnh từ nước ngoài, nhưng về lâu dài sẽ là khó khăn trong bối cảnh thành phố có lượng dân số lớn”, ông Lê Thanh Liêm cho hay.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm. (Ảnh: Quang Huy).

Về nguồn lực của TP.HCM, ông Lê Thanh Liêm cho biết hiện thành phố có khoảng 17.000 y, bác sĩ, tuy nhiên chỉ có 350 người có chuyên môn về truyền nhiễm.

Việc tiếp nhận số lượng lớn người cần cách ly sẽ gây khó khăn trong việc phòng chống dịch, đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh bùng phát quy mô lớn.

Cần xem xét lại việc cách ly tại khách sạn

Nêu ý kiến tại hội nghị, thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, cho rằng cần xem xét lại việc cách ly tại các khách sạn. Theo ông Duyệt, hình thức cách ly này chỉ nên áp dụng trong trường hợp bất khả kháng khi những khu cách ly hiện có không còn khả năng thu dung.

“Việc cách ly tại các cơ sở này sẽ gây khó khăn cho việc đảm bảo nhân lực y, bác sĩ và việc phòng tránh lây nhiễm chéo. Ngoài ra, nếu địa phương này làm mà địa phương khác không làm sẽ gây ra so sánh, thiếu đồng bộ”, thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt phát biểu.

Ngoài ra, ông Duyệt cho rằng cần xem xét lại cơ sở vật chất tại khu cách ly là kí túc xá sinh viên trên địa bàn. Ông nhận định với số lượng giường lớn mỗi phòng sinh viên khó để đáp ứng được nhu cầu cách ly.

Một khu ký túc xá quy mô 2.000 chỗ tại Hà Nội được sử dụng làm khu cách ly. (Ảnh: Quốc Hoàng).

Tư lệnh Bộ Tư lênh Thủ đô cũng đề nghị Bộ Quốc phòng thời gian tới có biện pháp cung ứng đủ quân nhu, nhu yếu phẩm cho các khu cách ly quân đội trong trường hợp tiếp nhận số lượng lớn người cách ly. Ngoài ra, ông kiến nghị cần khen thưởng cho các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ, những y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Chiều 22/3, tại buổi làm việc với Cục Quân y, Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận tinh thần, trách nhiệm khắc phục khó khăn vì nhân dân quên mình của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đặc biệt là Quân đội Nhân dân Việt Nam đang làm việc tại các tuyến biên giới, các khu cách ly tập trung và nhiều nơi khác trong mặt trận chống đại dịch này.

Theo ông, quân đội đã huy động hàng nghìn chiến sĩ, sĩ quan trực tiếp tham gia chống dịch, ngày đêm chăm sóc, hỗ trợ hàng chục nghìn người cách ly tập trung, dù ban đêm hay ban ngày, dù trời nắng hay trời mưa. Nhiều đơn vị đã nhường chỗ ở cho người dân, đã quản lý, chăm sóc tận tình.