ASEAN chuyển sang nhựa gốc thực vật

Năm 2017, nhà sinh thái công nghiệp Roland Geyer phụ trách một nghiên cứu về “Sản xuất, sử dụng và số phận của mọi loại nhựa từng được tạo ra” ước tính rằng có hơn 8,3 tỷ tấn (Mt) nhựa được sản xuất từ ​​những năm 1950. Nghiên cứu cũng cho thấy vào năm 2015, chỉ có 9% nhựa được tái chế, 12% bị thiêu hủy và 79% tích tụ trong các bãi chôn lấp hoặc dưới đại dương. Nếu xu hướng này tiếp tục, dự kiến ​​khoảng 12 tỷ tấn rác nhựa sẽ bị đẩy ra các bãi chôn lấp hoặc môi trường tự nhiên vào năm 2050.

Không thể phủ nhận rác nhựa tàn phá sinh thái trái đất và gây ra các vấn đề đối với sức khỏe con người.

Ngành công nghiệp nhựa toàn cầu ngày nay đang tìm kiếm giải pháp thay thế, đặc biệt là sử dụng các vật liệu bền vững hơn như nhựa sinh học (chất liệu có gốc thực vật được làm từ các vật liệu tái tạo như tinh bột ngô, khoai tây, protein đậu nành, cellulose và axit lactic). Sử dụng thực vật khiến nhựa sinh học trở thành một sản phẩm thân thiện với trái đất hơn.

Được coi là thân thiện với môi trường và không độc hại, nhựa sinh học hiện đang được sử dụng rộng rãi để sản xuất túi mua sắm, bao bì và dao kéo.

Theo dữ liệu thị trường do công ty nghiên cứu thị trường Nova Institute thu thập, năng lực sản xuất nhựa sinh học toàn cầu sẽ tăng từ 2,11 triệu tấn năm 2018 lên khoảng 2,62 triệu tấn vào năm 2023. Hiện tại, nhựa sinh học chiếm chưa đến 1% thị trường toàn cầu nhưng dự kiến ​​sẽ tăng ít nhất 20-30% trong những năm tới. Nova Institute xác nhận rằng thị trường nhựa sinh học toàn cầu đạt mức định giá thị trường hơn 4 tỷ đô la Mỹ vào năm 2017 và dự kiến​​ năm 2023 sẽ đạt giá trị 14,9 tỷ.

Nghiên cứu tương tự cũng cho thấy châu Á là trung tâm sản xuất nhựa sinh học lớn với mức tăng trưởng dự kiến ​​45% trong năm 2021.

Các quy trình sản xuất nhựa truyền thống sử dụng tài nguyên không tái tạo trong khi sản xuất nhựa sinh học lại không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và năng lượng cần thiết cũng chỉ bằng một nửa cho nhựa không phân hủy sinh học. Nhựa sinh học cũng phân hủy nhanh hơn, chỉ phát thải lượng CO2 ở mức tối thiểu.

Chai, xốp và chất thải nhựa trôi nổi cạnh bến tàu ở Singapore (Ảnh AFP)

Những nỗ lực của khu vực

Ngành nông nghiệp thịnh vượng thúc đẩy Thái Lan theo đuổi giải pháp dựa vào sinh học cho vấn đề rác thải nhựa. Hành lang kinh tế phía đông Thái Lan (EEC) đang chuyển sang sử dụng nhựa sinh học có nguồn gốc từ sản phẩm địa phương như tinh bột sắn và mía để sản xuất các vật dụng phân hủy hoàn toàn sau vài tuần.

Indonesia cũng đang sản xuất nhựa phân hủy sinh học từ nguyên liệu là củ sắn. Công ty sản xuất các sản phẩm bền vững Avani Eco có trụ sở tại Bali đã sáng tạo ra một sản phẩm thay thế cho nhựa, được làm từ tinh bột sắn không chứa các thành phần gốc dầu mỏ. Chất lượng nhựa sinh học Avani Eco tương đương nhựa thông thường và có thể hòa tan trong nước mà không gây ra bất kỳ tác hại nào cho môi trường. Kevin Kumala, nhà phát minh và người sáng lập công ty nói rằng loại nhựa này rất an toàn, thậm chí con người có thể nuốt vào bụng. Nhựa sinh học làm từ tinh bột sắn có khả năng phân hủy và phân rã sinh học trong khoảng thời gian vài tháng trên đất liền hoặc ở biển.

Ganjar Pranowo, thị trưởng Trung Java mong muốn phát triển nhựa sinh học: “Chúng tôi đã sản xuất nhựa sinh học nhưng chưa phổ biến. Tôi sẽ ban hành một chính sách để thúc đẩy [sử dụng] nhựa sinh học rộng rãi hơn”.

Chính quyền tỉnh Trung Java đang tìm cách thay thế dần bao bì nhựa bằng nhựa sinh học. Chính phủ Indonesia cũng cam kết chi 1 tỷ đô la Mỹ để giảm 70% rác thải đổ ra biển vào năm 2025. Đây là một động thái quan trọng vì rác thải nhựa của Indonesia chiếm tới 10% ô nhiễm nhựa đại dương toàn cầu. Đất nước này đứng thứ hai trên thế giới về ô nhiễm nhựa (chỉ sau Trung Quốc), mỗi năm thải ra 3,2 triệu tấn chất thải nhựa vốn bị xử lý sai cách.

Rong biển là một vật liệu thay thế khác để sản xuất nhựa sinh học. Công ty khởi nghiệp Evoware của Indonesia đã phát minh ra các hộp đựng làm từ rong biển được nuôi trồng. Rong biển được cho là lựa chọn tốt nhất vì có thể phát triển mà không cần phân bón và trồng ngoài khơi nên không chiếm diện tích trên đất liền. Dù vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn, nhưng có rong biển tiềm năng trở thành một lựa chọn nhựa thân thiện với môi trường.

Thật không may, lợi ích của nhựa sinh học có thể bị nhà sản xuất vô đạo đức lợi dụng bằng cách mạo nhận túi nhựa sinh học giả có thể phân hủy sinh học 100%. Ở Malaysia, sự nhầm lẫn vẫn diễn ra trong chính các chủ doanh nghiệp – những người muốn tuân thủ lệnh cấm nhựa sử dụng một lần nhưng bị ảnh hưởng sai bởi các nhà cung cấp túi nhựa vốn chỉ có thể phân hủy trong điều kiện ánh sáng nhất định, phân hủy oxo (phân rã thành vi nhựa) hoặc thậm chí túi phân hủy sinh học không đạt tiêu chuẩn. Những loại nhựa này gây hại nhiều hơn vì chúng không phân hủy hoàn toàn mà theo thời gian sẽ phân rã thành các hạt nhựa nhỏ hơn và vi nhựa”, theo TS. Noor Akma Shabuddin, Giám đốc Sở Y tế và Môi trường Kuala Lumpur (DBKL).

Ngoài ra, vấn đề môi trường liên quan đến việc trồng thực vật để sản xuất nhựa sinh học cũng là điều đáng quan ngại, chẳng hạn như ô nhiễm từ phân bón và thuốc trừ sâu, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang sản xuất lương thực, đặc biệt khi đất nông nghiệp đang khá hạn chế. Để nhựa có gốc thực vật gây ra tác động môi trường thấp, cây trồng phải được canh tác bền vững. Nếu không có phương pháp xử lý thích hợp, nhựa sinh học tạo ra nhiều rác hơn vào các dòng phế thải.

Tuy nhiên, xu hướng thay đổi trên toàn cầu chỉ ra tương lai của thị trường nhựa sinh học ở Đông Nam Á rất sáng sủa và đầy hứa hẹn. Để thị trường mở rộng hơn nữa, các doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư cần hợp tác với nhau và đưa ra các cam kết rõ ràng để hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn của nhựa sinh học.

Nhật Anh (Theo Asean Post)

Nguồn: