Dân huyện Kinh Môn “vây” cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường

ThienNhien.Net – Cho rằng cơ quan chức năng của huyện, xã bật đèn xanh cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy hóa chất chui gây ô nhiễm môi trường, người dân đã bao vây nhà máy.

Vụ việc chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” khi người dân tố bị xã hội đen tấn công còn lãnh đạo UBND huyện thì tố người dân có dấu hiệu “làm tiền” doanh nghiệp (DN).

Đầu tư chui

Từ cuối năm 2012, người dân thôn Châu Xá, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương phát hiện tại khu vực núi Công mọc lên Nhà máy sản xuất hóa chất Niken của Cty TNHH Trường Khánh. Theo phản ánh của người dân, sau khi nhà máy đi vào sản xuất, những làn khói xanh đen đem theo mùi khét bốc lên mù mịt quyện với bụi đất đá của hàng chục mỏ khai thác đá vôi trên địa bàn xã đã đầu độc người dân thôn Châu Xá.

Nhà máy sản xuất Niken được đầu tư chui trên địa bàn thôn Châu Xá (Ảnh: Nam Khánh/Pháp luật&Xã hội)
Nhà máy sản xuất Niken được đầu tư chui trên địa bàn thôn Châu Xá (Ảnh: Nam Khánh/Pháp luật&Xã hội)

Búc xúc trước việc nhà máy hóa chất gây ô nhiễm môi trường, từ đầu năm 2013, người dân thôn Châu Xá đã làm đơn kiến nghị việc nhà máy sản xuất hóa chất là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Đơn thư phản ánh được người dân gửi cho các lãnh đạo từ xã đến huyện.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, UBND xã Duy Tân, UBND huyện Kinh Môn “mũ ni che tai”, nhà máy vẫn hoạt động bình thường. Lý do để chính quyền làm ngơ việc DN đầu độc môi trường được ông Tiêu Văn Hồng – Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn lý giải: “Sau khi nhận được đơn kiến nghị của người dân, huyện đã cho cán bộ Phòng TN-MT kiểm tra và các chuyên viên của Phòng TN-MT huyện kết luận, chất Pro Niken được DN sản xuất không gây ô nhiễm môi trường”.

Không đồng ý với cách giải quyết vụ việc của chính quyền địa phương, từ ngày 02/05, người dân thôn Châu Xá đã phong tỏa đường vào Nhà máy sản xuất Niken.

Lúc này, “hồ sơ pháp lý” của Nhà máy sản xuất Niken mới “lộ” ra những khoảng tối như nhà máy được xây dựng trên đất nông nghiệp, DN không có quyết định giao, cho thuê đất; nhà máy không có quyết định chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh Hải Dương, không có đánh giá tác động môi trường, không có cam kết bảo vệ môi trường… Tóm lại, theo ông Tiêu Văn Hồng – Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn, một Nhà máy sản xuất Pro Niken có giá trị đầu tư hơn 20 tỷ đồng được xây dựng trên một “phương án” đầu tư lò vôi bên cạnh khu đất DN tự chuyển nhượng của người dân, thuê đất công ích của xã Duy Tân.

Người dân thôn Châu Xá tố cáo, sở dĩ Nhà máy sản xuất Niken được xây dựng bất hợp pháp, không có bất cứ một căn cứ pháp lý lận lưng mà không gặp bất cứ trở ngại nào từ chính quyền địa phương bởi lãnh đạo xã Duy Tân đã nhận 2 tỷ đồng, tiền “bôi trơn” từ DN để thực hiện dự án này.

Lãnh đạo huyện tố dân vòi tiền

Trước sức ép của người dân, UBND xã Duy Tân đã phải đề ra phương án tháo dỡ nhà máy Pro Niken. Theo cam kết giữa UBND xã Duy Tân và Cty TNHH Trường Khánh, trong thời gian 5 ngày, kể từ ngày 22/06, Cty TNHH Trường Khánh phải tháo dỡ toàn bộ thiết bị nò lung Pro Niken của DN ra khỏi khu vực núi Công.

Ông Tiêu Văn Hồng cho biết, mặc dù DN đã thực hiện việc hạ ống khói, tháo dỡ thiết bị, UBND xã đã áp dụng biện pháp cắt điện nhưng người dân thôn Châu Xá vẫn phong tỏa nhà máy. Đỉnh điểm của sự việc, từ ngày 20/05, gần trăm người dân thôn Châu Xá đã dựng lều; phá cống, chặn mọi ngả đường vào nhà máy của Cty TNHH Trường Khánh. Hệ quả, thiết bị của nhà máy được tháo dỡ không được vận chuyển ra ngoài; một dây chuyền nghiền, sản xuất đá phụ gia của Cty Trung Hải tại khu vực núi Công vô tình cũng bị đình chỉ sản xuất vì thiếu đường vào.

Cả ông Tiêu Văn Hồng và ông Lê Văn Kha, Chủ tịch UBND xã Duy Tân đều băn khoăn, không thể lý giải tại sao DN đã thực hiện cam kết tháo dỡ thiết bị nhưng người dân vẫn chưa từ bỏ việc “phong tỏa” nhà máy. Tuy nhiên, người dân thôn Châu Xá có lý của họ. Mặc dù UBND huyện Kinh Môn đã xác định hành vi xây nhà máy trái phép nhưng đến nay, UBND huyện Kinh Môn vẫn chưa có bất cứ một quyết định hành chính nào về việc DN tùy tiện thay đổi mục đích sử dụng đất. Đến nay, UBND huyện Kinh Môn mới chỉ có thông báo số 50 được ban hành ngày 10-6, yêu cầu DN phải ngừng hoạt động từ ngày 11-6; DN được phép sản xuất trở lại khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý.

Người dân nghi ngờ, bằng thông báo này, chính quyền cũng đang tìm cách “giải vây” cho DN trong việc sử dụng đất trái mục đích, đầu tư xây dựng nhà máy không tuân thủ các quy định của pháp luật.

Mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền và DN trở nên phức tạp khi tối 25/06, những lều bạt của người dân bị kẻ xấu thiêu cháy, một số xe máy của người dân bị đẩy xuống mương nước. Nhà riêng của anh Nguyễn Văn Hanh – người đại diện cho các hộ dân thôn Châu Xá khiếu nại việc chính quyền “bật đèn xanh” cho DN xây dựng nhà máy ô nhiễm trái phép trên địa bàn bị khủng bố bằng “bom bẩn”, bị nhắn tin đe dọa sẽ cho xã hội đen “xử” cả nhà.

Ông Tiêu Văn Hồng tỏ ra cảm thông với sự đầu tư chui của DN khi cho rằng “DN là nạn nhân của người dân, ngoài DN này, một số DN khác trên địa bàn đã nhận được “tâm thư” của người dân đề nghị các DN phải có trách nhiệm xã hội trong việc chung tay bảo vệ môi trường”- ông Hồng nói. Ngoài ra, theo ông Hồng, ông cũng nhận được thông tin người dân có biểu hiện “tống tiền” một số DN sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn, nếu DN nhận được “tâm thư” không chấp nhận nộp 700 triệu đồng, người dân sẽ tiếp tục phong tỏa nhà máy như đã làm với Cty TNHH Trường Khánh.

Trong diễn biến mới nhất của vụ việc, để thực hiện việc “giải vây” cho DN, tối 27/06, một chiếc máy ủi được chính quyền đưa đến khu vực để ủi những chướng ngại vật – đất đá được người dân đổ trên đường để lấy đường vào cho DN. Lực lượng CA huyện Kinh Môn được huy động để bảo vệ công tác. Người dân quá khích đã đẩy đổ chiếc xe ủi xuống mương nước bên đường.