Quản lý bền vững các khu bảo tồn thiên nhiên

Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) là cách thức hiệu quả nhất duy trì đa dạng sinh học giúp cân bằng cán cân sinh thái giữa con người và yếu tố tự nhiên. Thế nhưng, do nhiều yếu tố, công tác bảo tồn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Các nhà khoa học Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đưa ra những giải pháp từ góc độ sinh thái nhân văn giúp quản lý các khu BTTN hoạt động bền vững.

Theo thống kê của Tổ chức BTTN quốc tế (IUCN), nước ta hiện có 178 khu BTTN, bao gồm: 33 vườn quốc gia; 59 khu dự trữ thiên nhiên; 23 khu bảo tồn loài; 9 khu dự trữ sinh quyển; 54 khu bảo vệ cảnh quan.

Các khu BTTN đóng vai trò rất quan trọng nhưng chưa được phát huy một cách tối đa do ảnh hưởng của thiên nhiên, con người. Công tác quy hoạch và quản lý chưa chặt chẽ nguy cơ suy giảm diện tích, giá trị đa dạng sinh học bởi tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động phát triển của con người. Nhiều dự án phát triển đã gây ảnh hưởng trực tiếp, như: các dự án thủy điện, mở rộng giao thông, quy hoạch khu bảo tồn chồng lấn vào diện tích đất sử dụng của cá nhân… Biến đổi khí hậu (nước biển dâng, bão lũ) có thể gây mất một phần diện tích của các loài sinh, thực vật trong các vùng ven biển. Mặt khác, nhận thức về tầm quan trọng của các khu BTTN chưa thật sự đầy đủ do thiếu thông tin.

Cùng với đó, người dân sinh sống chung quanh khu BTTN ít được hưởng lợi từ những giá trị của khu bảo tồn mang lại. Rồi áp lực sinh kế, kinh tế kém phát triển trong vùng đệm, trình độ dân trí thấp, đời sống phụ thuộc nhiều vào tài nguyên rừng dẫn đến việc tiếp tay cho các đối tượng xấu khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên tại các khu bảo tồn. Năng lực quản lý và nguồn lực đầu tư cho khu bảo tồn vẫn còn hạn chế, số lượng và trình độ cán bộ còn ít, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý.

Để phát triển, bảo tồn bền vững cần có các chính sách hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa các nhà quản lý với người dân trong các khu BTTN.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Huyền Thu, Viện Địa lý nhân văn cho biết nhiều khu BTTN hiện đang tiếp cận sinh thái học nhân văn vào quản lý rất hiệu quả như: Khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông (Hòa Bình), Pù Luông (Thanh Hóa), Phong Điền (Thừa Thiên Huế)… Khu BTTN Na Hang (Tuyên Quang) cũng là điểm sáng trong quản lý bảo tồn toàn diện từ quản lý hệ thống và liên ngành đến các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo đảm sinh kế cho cộng đồng.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang Khổng Văn Quang cho biết: “Khu BTTN Na Hang có diện tích 41.061 ha, trong đó có 33.061 ha đất rừng và 8.000 ha mặt nước cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, nhiều loại được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Tiếp cận sinh thái nhân văn trong cách quản lý, chúng tôi đã đánh giá dựa trên điều kiện cụ thể về điều kiện tự nhiên xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như đời sống người dân được nâng cao từ kinh tế rừng, giúp mối quan hệ giữa tự nhiên và con người gắn kết, cân bằng tại chính khu BTTN. Lực lượng kiểm lâm tổ chức những buổi hướng dẫn, áp dụng các công nghệ mới, nhất là những công nghệ về nông, lâm nghiệp (trồng cây dược liệu, rau sạch, nuôi ong lấy mật…) giúp người dân vùng lõi và vùng đệm phát triển kinh tế giúp gắn kết được lợi ích của người dân với khu bảo tồn”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Địa lý nhân văn cho rằng: Cần quản lý hệ thống một cách toàn diện, chặt chẽ trong việc bảo tồn tại các khu sinh thái. Các trạm kiểm lâm cần được đặt tại những vị trí chiến lược nhằm hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động quản lý rừng, duy trì được sự giám sát và kiểm soát những khu vực trọng yếu và điều phối hoạt động quản lý dựa vào cộng đồng. Tạo điều kiện để người dân địa phương tham gia như một đối tác trong việc phát triển các khu bảo tồn mới được đồng quản lý, phát triển chiến lược sử dụng bền vững các khu vực trước đây được khoanh vùng bảo vệ chung. Mặt khác, xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa lý để lưu giữ, giám sát đa dạng sinh học và lập bản đồ các vụ vi phạm khi giám sát các loài động vật. Cần quan tâm đến sinh kế của người dân nhằm tạo dựng mối liên kết giữa các lợi ích phát triển và sự cần thiết phải bảo tồn.

Xác định công tác phát triển dân sinh vùng lõi và vùng đệm là nhiệm vụ trung tâm của hoạt động bảo tồn, ban quản lý các khu bảo tồn tích cực tiếp cận với các tổ chức trong nước và ngoài nước, tìm nguồn tài trợ cho các dự án hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sản xuất. Cải thiện kinh tế cho các hộ, thông qua sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh và đa dạng hóa sản phẩm, giúp cải thiện sinh kế và giảm áp lực lên rừng và tài nguyên thiên nhiên. Tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cán bộ kiểm lâm, cán bộ ban quản lý và người dân về bảo tồn đa dạng sinh học là then chốt.