Những sinh vật cô đơn nhất trái đất và bi kịch không tránh khỏi

Thập kỷ vừa qua cho thấy đa dạng sinh học của Trái đất đang bị hủy diệt với tốc độ khủng khiếp và nguy cơ diệt vong nhanh chóng của các giống nòi, nhiều nhà khoa học gọi đó là cuộc Đại diệt chủng sinh học lần thứ 6.

Ếch Rabbs (tên khoa học là Ecnomiohyla rabborum) là một sinh vật độc nhất vô nhị trên Trái đất. Chúng chỉ sống trong những khu rừng ở Panama.

Chú ếch “cô đơn” nhất Trái đất đã chết

Những con ếch có đôi mắt nâu đẹp hút hồn và những bàn chân quá khổ, trông chúng giống nhân vật hoạt hình hết sức đáng yêu. Nhưng còn một điều nữa làm cho những con ếch này trở nên đặc biệt, đó là cách chăm sóc nòng nọc của chúng.

Rabbs là loài ếch duy nhất được biết đến trên thế giới có những con nòng nọc tự ăn thịt cha mình để sống sót. Điều đó đúng theo nghĩa đen: ếch Rabbs đực nuôi con bằng chính thân xác của mình.

Con người có thể nghĩ đó là một chiến lược thông minh sinh ra từ quá trình tiến hóa. Thiên nhiên vốn chứa đầy những mưu mô sinh tồn kỳ lạ, có thể mất hàng trăm ngàn, nếu không muốn nói là hàng triệu năm mới có thể hình thành.

Ếch Rabbs sống trong những khu rừng ở Panama. Ảnh: Creactive Commons

Năm 2016, con ếch Rabbs được biết đến cuối cùng chết trong Sở thú Atlanta – Mỹ. Với cái chết của sinh vật cuối cùng đó – một con ếch đực có biệt danh là Toughie, tất cả bộ máy sinh học đi kèm với con ếch bị xóa sổ khỏi Trái đất.

Sự tuyệt chủng của loài ếch cây này mới chỉ là một chương nhỏ bên trong câu chuyện môi trường, một câu chuyện thuộc hàng quan trọng bậc nhất đang diễn ra trong thập kỷ này. Sự đa dạng sinh học trên Trái đất đang suy giảm nhanh chóng, đến mức có thể đẩy chính loài người chúng ta vào khủng hoảng tuyệt chủng.

Hệ sinh thái mỏng manh

Một loài khác trong danh sách 467 loài vật đã tuyệt chủng là chuột nâu Bramble Cay melomys. Nó được cho là loài động vật có vú đầu tiên bị tuyệt chủng do biến đổi khí hậu. Loài gặm nhấm này sinh sống tại dải san hô Great Barrier Reef ngoài khơi bang Queensland – Úc và được nhìn thấy lần cuối vào năm 2009.

Các nhà nghiên cứu tin rằng nước biển dâng dự phần vào sự biến mất của loài này. Bramble Cay melomys sinh sống ở nơi chỉ cao hơn mực nước biển 2,7 m. Mực nước biển dâng khiến hòn đảo thường xuyên phải hứng chịu những trận lụt, giết chết thảm thực vật, làm mất đi các khu vực trú ẩn của loài chuột này.

 

Nguyên nhân chủ yếu khiến Bramble Cay melomys tuyệt chủng “gần như chắc chắn” là do mực nước biển dâng cao, xâm thực hòn đảo, hủy hoại môi trường sống. Ảnh: Chính quyền Queensland 

Tiếp nữa là ốc cây Hawaii có tên khoa học là achatinella apexfulva. Cá thể ốc cây Hawaii cuối cùng này chết vào tháng 1-2019 trong môi trường nuôi nhốt. Nó 14 tuổi.

“Đã từng có hàng chục loài ốc cây sinh tồn trên đảo Oahu, gần như tất cả đều có vỏ đẹp, một số còn có cấu trúc vỏ hoa văn cầu kỳ. Nhưng nhiều loài bị tuyệt chủng và gần như tất cả các loài còn lại cũng trở nên hiếm thấy vì môi trường sống của chúng bị hủy hoại” – Noah Greenwald, giám đốc quản lý các động vật có nguy cơ tại Trung tâm Đa dạng sinh học Mỹ, cho biết.

George, con ốc sên Hawaii, thành viên cuối cùng được biết đến của loài achatinella apexfulva. Ảnh: Sở Tài nguyên Đất đai (Hawaii)

Ông Greenwald nhận định: “Thông thường, chúng ta sẽ mất đi những loài sinh vật nhỏ bé trước”. Giống như nhiều loài trai từng sống trên các con sông ở miền Đông Nam nước Mỹ, những con trai này tiến hóa theo những con đường khác nhau, để chỉ ăn một loài cá cụ thể.

Trái đất đang tuyệt chủng ở một tốc độ cao gấp 1.000 lần so với trước đây. Cụ thể mỗi năm, có khoảng 100 trong số 1 triệu loài bị biến mất, theo một báo cáo khoa học năm 2014.

Bi kịch chưa có hồi kết

Trong thập kỷ 2020 này, chúng ta sẽ mất đi một số loài vật: một loài cá heo đang bên bờ vực, một loài gặm nhấm tuyệt chủng do biến đổi khí hậu.

Ở Vịnh California, các loài cá heo vaquita giảm xuống chỉ còn 12 cá thể trong 10 năm trở lại đây. Trở lại thời điểm trước đây, năm 1997, chúng duy trì được một quần thể tới 600 con. Hiện các nhà nghiên cứu không chắc rằng loài cá heo vaquita còn có thể bám trụ được trong thập kỷ tới hay không.

Cặp cá heo vaquita ở Vịnh California năm 2018. Ảnh: NOAA

Ở châu Phi, hiện tại chỉ có hai con tê giác trắng còn sống ở phía Bắc lục địa và chúng phải sống trong điều kiện nuôi nhốt. Cả hai đều là tê giác cái nhưng không thể sinh sản vì quá già. Con tê giác trắng đực cuối cùng chết từ năm 2018.

 

Hai con tê giác trắng còn sống ở Kenya hồi tháng 8-2019. Ảnh: AP

Côn trùng bé nhỏ rừng mưa nhiệt đới Puerto Rico cũng đang gặp nguy hiểm. Ngoài ra, nhiều loài động vật lớn cũng bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng trong 10 năm trở lại đây. Thập kỷ trước, nước Mỹ mất đi con tuần lộc caribou cuối cùng và đàn gia súc ở Canada bị giảm lên đến hàng triệu.

Con người đang đẩy 1 triệu loài đến bờ vực tuyệt chủng

Theo Cơ quan Toàn cầu về Tình trạng Bảo tồn loài thuộc Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), chỉ trong vòng 10 năm qua, có 467 loài sinh vật bị tuyệt chủng trên Trái đất (chúng có thể tuyệt chủng trong nhiều thập kỷ trước đó). Nhiều loài sinh vật khác cũng gặp nguy với số lượng cá thể trong loài suy giảm nghiêm trọng.

Vài năm trước, một nhóm nhà nghiên cứu châu Âu đi tìm đáp án cho câu hỏi: mất bao lâu để tiến hóa bù đắp được sự tuyệt chủng của 300 loài động vật có vú tính từ khi con người xuất hiện trên Trái đất? Câu trả lời của họ là 3 đến 7 triệu năm. Có thể nói con người gây ra thiệt hại kéo dài hơn cả thời gian chúng ta sống. Đó mới chỉ tính động vật có vú.

Nền tảng Chính sách Khoa học Liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về Dịch vụ Hệ sinh thái và Đa dạng sinh học (ISPPBES) ước tính khoảng 1 triệu loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, trong đó 40% loài lưỡng cư, 33% san hô và khoảng 10% côn trùng.