Câu chuyện phía sau bức ảnh gây sốc trong vườn thú Sudan

Những con sư tử gầy trơ xương tại vườn thú ở Khartoum trở thành đề tài nóng hổi trên mạng Internet trong những ngày qua, chúng là nạn nhân của cuộc khủng hoảng hiện tại ở Sudan.

Những con sư tử bị nhốt trong lồng tại vườn thú Al-Qureshi ở thủ đô Khartoum, Sudan. Chúng dường như đã kiệt quệ, không còn sức sống, chỉ còn da bọc xương và rõ ràng đang suy dinh dưỡng nặng.

Một con sư tử chỉ còn da bọc xương tại vườn thú Al Qurashi tại thủ đo Khartoum, Sudan. Ảnh: AP.

Người còn không đủ ăn

Hoàn cảnh của năm con vật khốn khổ đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới trong thời gian qua, thậm chí một chiến dịch đã được tổ chức nhằm giúp đỡ chúng. Nhưng vô tình, những con sư tử đáng thương này cũng giúp cộng đồng quốc tế có một cái nhìn rõ hơn về điều đang diễn ra ở Sudan.

Quốc gia bắc Phi đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu rộng về kinh tế và chính trị từ khi Tổng thống Omar Hassan al-Bashir bị lật đổ hồi tháng 4/2019, sau thời gian dài bất ổn với các cuộc biểu tình bất mãn vì giá thực phẩm tăng. 9,3 trong số 43 triệu người dân đất nước cần trợ giúp nhân đạo, theo số liệu của Liên Hợp Quốc.

Khi con người còn không có đủ ăn thì chắc chắn những con vật sẽ ít được quan tâm. Ông Osman Salih, một người Sudan tới công viên để chứng kiến tình trạng của những con sư tử hồi đầu tháng 1, cho biết ông không thể tin vào mắt mình.

“Tôi đã bị sốc khi thấy những con vật bị bỏ đói”, ông Salih chia sẻ trên Facebook.

Các quan chức không nói rõ lý do tại sao những con thú không được cho ăn đầy đủ, nhưng ông Salih cho biết chính quyền thành phố – bên quản lý vườn thú – nói rằng họ không thể chăm sóc những con vật vì thiếu nguồn lực.

Chỉ vài giờ sau khi chia sẻ của ông Salih gây “bão” trên mạng xã hội, chính quyền Sudan, cơ quan quản lý vườn thú và người dân địa phương đã trả lời bằng cách cung cấp thuốc men và thực phẩm cần thiết cho những con sư tử yếu ớt.

Làn sóng này đã có hiệu quả tức thời khi một số con sư tử đã khoẻ hơn và có thể ăn hết chỗ thịt được cấp cho chúng, nhưng vào ngày 20/1, một trong 5 con sư tử đã chết vì quá yếu.

Các nhân viên y tế tiến hành kiểm tra sức khoẻ cho những con sư tử, hiện 1 con đã chết. Ảnh: Reuters.

Bà Katharina Braun, phát ngôn viên của tổ chức bảo vệ động vật Four Paws có trụ sở ở Vienna, cho biết nhóm này đang giám sát chặt chẽ tình hình và tìm kiếm sự chấp thuận của chính phủ Sudan để gửi các bác sĩ thú y và chuyên gia về động vật hoang dã tới nhằm giúp xử lý tình hình.

Không có dữ liệu cụ thể về số sư tử ở Sudan, nhưng Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xác định sư tử châu Phi là loài vật “dễ bị đe doạ” khi chỉ còn khoảng 20.000 cá thể trên khắp lục địa.

Sư tử gặp khó vì lệnh cấm vận của Mỹ

Sudan đang trong giai đoạn chuyển tiếp quyền lực, nhưng nền kinh tế đất nước vốn đã kiệt quệ từ nhiều năm, đặc biệt là sau khi Nam Sudan ly khai vào năm 2011 khiến quốc gia mất đi các khoản thu quan trọng từ dầu mỏ. Nhiều năm điều hành kinh tế yếu kém của chính phủ ông al-Bashir – người đã nắm quyền từ năm 1989 – khiến đất nước trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 2018, khi lạm phát ở mức 2 con số, giá bánh mì tăng gấp 3, còn các cuộc biểu tình thể hiện sự bất mãn của người dân thì diễn ra ở khắp nơi.

Tháng 12 vừa qua, ông al-Bashir đã bị kết tội tham nhũng và phải chịu 2 năm quản thúc tại nhà. Bộ tư pháp cũng mở cuộc điều tra về các tội ác gây ra trong nhiệm kỳ của cựu tổng thống, trong đó có sự kiện ở vùng Darfur phía tây, nơi 300.000 người bị giết và 2,7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, theo Liên Hợp Quốc.

Theo một thoả thuận chia sẻ quyền lực mang tính bước ngoặt vào tháng 8 năm ngoái giữa quân đội và các nhà lãnh đạo dân sự, một cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra trong vòng 3 năm tới, và đất nước hiện đang được điều hành bởi một chính quyền chuyển tiếp.

Thủ tướng Abdalla Hamdok đã bắt đầu thực hiện những chính sách cải cách sâu rộng về chính trị và xã hội, nhằm mở cửa đất nước và thực hiện các yêu cầu của người biểu tình ủng hộ dân chủ. Lần đầu tiên sau 23 năm, Washington tuyên bố gửi đại sứ đến thủ đô Khartoum.

Tuy nhiên, vấn đề là Mỹ vẫn chưa đưa Sudan ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố – động thái làm tê liệt nền kinh tế và không cho phép quốc gia này tiếp cận với các khoản vay và tài trợ từ những tổ chức như Ngân hàng Thế giới.

Sudan vừa trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị, sau khi Tổng thống Omar Hassan al-Bashir bị lật đổ sau 30 năm cầm quyền. Nền kinh tế đất nước đang kiệt quệ nhưng quốc gia này vẫn phải chịu lệnh cấm vận của Mỹ. Ảnh: Reuters.

Và điều đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến những con sư tử. Trang web gây quỹ GoFundMe đã đóng băng chiến dịch hỗ trợ những con sư tử vì tài trợ cho hoạt động ở một quốc gia đang phải chịu những lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ông Salih cho biết chiến dịch đang tìm cách để nhận tài trợ từ nước ngoài mà không vi phạm bất cứ quy định trong nước và quốc tế nào. Bên cạnh việc ca ngợi sự hỗ trợ của quốc tế, ông cũng cảm ơn người dân Sudan vì sự giúp đỡ của họ trong thời kỳ hỗn loạn.

“Sudan vẫn đang trong thời gian hồi phục. Chúng tôi vừa mới có một cuộc cách mạng. Chúng tôi có một chính phủ chuyển tiếp mới. Lạm phát đã tấn công đất nước một cách tồi tệ, giá cả tăng vọt. Những người bình thường không đủ khả năng để ăn trong những ngày này, mặc dù vậy, mọi người vẫn hợp tác để tìm ra giải pháp”, ông Salih nói.