Bức tranh phát triển… ngược nhiệt điện than

Nhập khẩu than năm sau đang cao gấp đôi năm trước (gần 4 tỷ USD năm 2019) chủ yếu phục vụ điện than cho thấy một xu hướng phát triển ngược. Bởi vì, thế giới đang cắt giảm điện than do chi phí cao và ô nhiễm môi trường.

Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu than với giá trị gần 4 tỷ USD gấp đôi so với năm 2018, chủ yếu phục vụ điện than.

Theo số liệu từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, với tổng công suất lắp đặt khoảng 14.310 MW. Dự kiến, đến năm 2030 sẽ tăng lên 65 nhà máy.

Nhiệt điện – lò đốt than không đáy

Hơn 7 tháng năm 2019, mức dự trữ than của Công ty CP nhiệt điện Quảng Ninh chỉ đảm bảo cho các tổ máy hoạt động được từ 2 – 6 ngày, trong khi yêu cầu đặt ra là phải đủ than cho 12 ngày vận hành.

Ông Ngô Sinh Nghĩa – Phó Tổng giám đốc phụ trách Công ty cho biết, tình hình các tháng cuối năm 2019 còn khó khăn hơn, khi khối lượng than yêu cầu phải là 1,98 triệu tấn, nhưng lượng than còn lại so với hợp đồng đã ký chỉ còn 1,87 triệu tấn.

Tương tự, Công ty Nhiệt điện Uông Bí, lượng than nhập hàng ngày không đáp ứng đủ yêu cầu đã đăng ký, khối lượng tồn kho luôn rất thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Lãnh đạo Công ty này cho rằng, nếu không sớm được bổ sung nguồn than nhập khẩu để tiến hành pha trộn nhiên liệu, nguy cơ phải dừng tổ máy là hiện hữu. Thực tế, nỗi lo thiếu than đang là nỗi lo chung của hầu hết các nhà máy nhiệt điện than.

Trung Quốc có thể tiết kiệm 389 tỷ USD bằng cách đóng cửa các nhà máy điện than. Trong khi đó EU có thể tiết kiệm 89 tỷ USD; Mỹ có thể tiết kiệm 78 tỷ USD; và Nga có thể tiết kiệm 20 tỷ USD…

 

Hiện nhu cầu sử dụng than trong nước ngày càng tăng, nhất là phục vụ các nhà máy nhiệt điện, trong khi sản lượng khai thác thấp.

Bên cạnh đó, giá than thế giới đang xuống thấp kỷ lục khiến cả Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản cùng các doanh nghiệp tiêu thụ than khác trong nước đều đổ xô đi nhập khẩu.

Nguyên nhân chính từ việc giá than giảm là do lượng tồn kho ở nhiều nước đang tăng cao. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, tình trạng giảm giá sẽ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, bởi chi phí khai thác vẫn tăng cao.

Lượng than nhập khẩu năm 2019 đạt gần 20 triệu tấn, tăng khoảng 60% so với năm 2018. Năm 2017, nhập khẩu than của Việt Nam khoảng trên 1 tỷ USD, sang năm 2018 con số này đã tăng gấp đôi và 2019 tiếp tục gấp đôi so với năm trước.

Thế nhưng, sản lượng than tiêu thụ cho các nhà máy nhiệt điện vẫn không đủ… đốt. Hiện nay, lượng than khai thác trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 1 nửa số lượng, chất lượng, chủng loại… than phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nguồn nhiệt điện than tiếp tục chiếm tỷ trọng rất cao nên nhu cầu than cho sản xuất điện cung tăng nhanh. Năm 2020, lượng than cung cấp cho nhiệt điện khoảng 63 triệu tấn. Dự báo đến năm 2025, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than. Đến 2030, tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn than.

“Với khả năng sản xuất ra các chủng loại than phù hợp sản xuất cho điện khoảng 40 triệu tấn, dự kiến Việt Nam phải nhập khẩu than với khối lượng lớn (khoảng trên 20 triệu tấn vào năm 2020, trên 50 triệu tấn vào năm 2025, trên 80 triệu tấn vào năm 2030)” – đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Chấp nhận “sống chung với lũ”?

Trong khi thế giới đang cắt giảm điện than do chi phí cao và ô nhiễm môi trường, thì trong nước, nhiệt điện than đang ngày càng áp đảo và trở nên quan trọng. Trung Quốc đang cho dừng hàng loạt nhà máy nhiệt điện, thậm chí là cấm cửa nhiệt điện có thể khiến các dây chuyền nhà máy điện than chuyển sang Việt Nam.

Cụ thể, trong số 14 dự án nhà máy nhiệt điện than đang khai thác ở đồng bằng sông Cửu Long thì có tới 10 nhà máy do Trung Quốc đầu tư. Có những dự án nguồn vốn vay Trung Quốc chiếm tới 80% tổng vốn đầu tư.

Trong cơ cấu nguồn điện, nhiệt điện than vẫn nắm giữ tỷ lệ “khủng” 49%, thủy điện là 25%, nhiệt điện khí dầu là 16,6%… Mặc dù ưu điểm của thủy điện là giá thành sản xuất điện rẻ nhất, sạch, thời gian xây dựng ngắn nhưng Việt Nam và các nước hiện nay đã khai thác gần như triệt để, không còn nguồn để phát triển.

Mặc dù, công nghệ sản xuất điện năng của nhiệt điện than là công nghệ hiện đại, ngang tầm thế giới, hiệu suất vào loại cao của thế giới, đảm bảo tính hiện đại, an toàn, đồng bộ… Tuy nhiên, nhiệt điện than sử dụng nhiều than nên khối lượng các chất thải rắn, khí, nước đều lớn, nếu không được xử lý thì sẽ gây tác hại lớn đến môi trường.

Ông Jakon Stenby Lundsager – cố vấn dài hạn Chương trình hợp tác Đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch cho rằng, Việt Nam nên sớm dừng đầu tư các nhà máy nhiệt điện than, bởi như vậy mới có thể giúp Việt Nam tránh được hiệu ứng phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện than, dẫn đến phụ thuộc vào than nhập khẩu.

Dù rằng sẽ phải đối mặt với ô nhiễm môi trường và đặc biệt dự báo khan hiếm cho nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhiệt điện than trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh dư địa phát triển thủy điện còn lại rất ít. Nhiệt điện dầu khí, điện gió, điện năng lượng mặt trời… không đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng, nên việc vẫn phải chấp nhận phát triển nhiệt điện than như hành trình…sống chung với lũ.

Theo nghiên cứu của Tổ chức nghiên cứu uy tín Carbon Tracker (có trụ sở ở London, Anh), khoảng 42% các nhà máy điện than toàn cầu đang gặp khó khăn trong bài toán kinh tế do không có lợi nhuận vì chi phí nhiên liệu tăng cao, trong đó có 25% đang bị lỗ. Đến năm 2040, số nhà máy gặp khó khăn có thể đạt 72% khi giá than tăng cao và các quy định về ô nhiễm không khí làm tăng chi phí.

Nói đến nguồn điện sạch chính là nói đến điện gió, điện mặt trời (ĐMT), vốn là thế mạnh của nước ta vì là nước nhiệt đới. Thế nhưng, từ khi có chủ trương ưu đãi khuyến khích cho năng lượng sạch đến nay, rất nhiều dự án, đặc biệt như ở Ninh Thuận được triển khai. Tuy nhiên, khi nhiều dự án chỉ mới hoàn thành, việc quá tải hệ thống truyền tải điện địa phương, dẫn đến nhiều nhà máy có điện nhưng không thể hòa mạng điện lưới quốc gia hoặc hoạt động chưa hết công suất, gây lãng phí, thiệt hại và nay lại cầu cứu trung ương.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA):

Tình trạng thiếu điện trong trung và dài hạn của Việt Nam sẽ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngành điện hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức và những điểm nghẽn của ngành chưa được tháo gỡ.

Theo Bộ Công Thương, đến năm 2020, sản lượng điện thương phẩm của phương án cơ sở 235 tỷ kWh và phương án cao 245 tỷ kWh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm trong giai đoạn 2016-2020 của các phương án tương ứng 10,34%/năm và 11,26%/năm.

Riêng giai đoạn 2019-2020, các nhà máy điện được đưa vào vận hành khoảng 6.900MW, trong đó nhiệt điện than 2.488MW, thủy điện 592MW, năng lượng tái tạo khoảng 3.800MW.

Từ năm 2020 sẽ thiếu điện, trong đó miền Nam được cho sẽ thiếu điện trầm trọng, khi mức thiếu hụt được dự báo tăng từ 3,7 tỷ kWh năm 2021 lên gần 10 tỷ kWh năm 2022. Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh.

TS. Tạ Đình Xuyên, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội quốc gia NCIF (thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư):

Trung Quốc đã và đang đóng cửa khoảng 600 nhà máy nhiệt điện chạy than gây ô nhiễm môi trường.

Việc Trung Quốc đang cho dừng hàng loạt nhà máy nhiệt điện, thậm chí là cấm cửa nhiệt điện có thể khiến các dây chuyền nhà máy điện than chuyển sang Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đang có hàng loạt các dự án xây dựng trung tâm, nhà máy nhiệt điện nở rộ.