Apple và Wal-Mart đang giúp bảo vệ môi trường cho Trung Quốc như thế nào?

Chỉ với một cái click chuột, chủ sở hữu nhiều thương hiệu lớn của thế giới như Levi hay Gap có thể kiểm tra lịch sử gây ô nhiễm của đối tác cung cấp hàng cho họ.

Ông Ma Jun – Ảnh: Bloomberg

Nhiều năm làm nhà hoạt động môi trường của ông Ma Jun đã dậy ông một bài học: Nếu bạn muốn các nhà máy dọn dẹp rác thải mà họ đã xả ra, hãy bêu xấu họ trước gian hàng của Apple và Wal-Mart, điều này thậm chí còn tạo ra được nhiều hiệu ứng hơn cả những chính sách của chính phủ Trung Quốc.

Ông Ma thu thập dữ liệu trực tuyến từ các trang web của chính phủ, những trang web này lấy nguồn dữ liệu từ các máy đo tại nhiều nhà máy trong số 13 nghìn nhà máy xả thải tồi tệ nhất ở Trung Quốc. Số liệu sau đó được tích hợp tại một ứng dụng có tên Blue Map.

Những nhà máy bị phát hiện ô nhiễm khi bị công bố lập tức đối diện với không ít rắc rối. Tổ chức phi lợi nhuận của ông Ma đã khiến một số công ty bị loại khỏi danh sách nhà cung cấp của Apple, bị hạ xếp hạng tín dụng, gặp khó khăn trong việc phát hành trái phiếu hoặc thậm chí bị cấm tạm thời vay vốn ngân hàng.

Đối với ông Ma, những biện pháp kiểu như vậy hiệu quả hơn rất nhiều nếu so với các cuộc biểu tình, biểu ngữ hay vận động hành lang với chính phủ vốn khiến nhiều quan chức chính phủ Trung Quốc nổi giận.

Ứng dụng về môi trường như trên đã giúp công chúng nhận thức được rõ ràng hơn về tình hình ô nhiễm ở Trung Quốc, đồng thời nó có thể giúp giải quyết một trong những vấn đề hóc búa nhất mà chính phủ Trung Quốc đang đối đầu: tình trạng thiếu nước sạch cho canh tác nông nghiệp, nước sạch phục vụ cho sản xuất và nước sạch sinh hoạt phục vụ cho người dân tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc.

Với điện thoại thông minh và truyền thông xã hội, hàng triệu người dân đã trở thành nhà hoạt động xã hội tích cực để giúp phát hiện và ngăn chặn ô nhiễm. Số lượng các báo cáo từ phía người dân về hoạt động xả thải gây ô nhiễm tại các nhà máy đã tăng đột biến.

Năm 1999, tức là cách đây gần 20 năm, ông Ma đã xuất bản cuốn sách “Cuộc khủng hoảng nước của Trung Quốc”. Cuốn sách gây được nhiều tiếng vang. Ông cho biết từ cơ sở dữ liệu mà ông có, hơn 830 nghìn vụ việc xả thải trái phép hoặc gian dối số liệu xả thải tại các nhà máy đã bị phát hiện.

“Đôi khi sẽ thật khó để có thể thuyết phục các cơ quan chính phủ áp dụng chế tài phạt với các nhà máy bởi họ mang lại nguồn thu thuế lớn. Các doanh nghiệp sẽ chỉ sợ hãi khi họ đối diện với sự trừng phạt từ nhà kinh doanh lớn như Apple. Quyền lợi kinh tế quan trọng nhất đối với họ”, ông Ma chia sẻ. Ông Ma đồng thời cũng là nhà sáng lập ra Viện nghiên cứu các vấn đề công cộng và môi trường (IPE) tại Bắc Kinh.

Cơ sở dữ liệu môi trường của viện do ông sáng lập ra được cập nhật hai tiếng mỗi lần, giờ đây nó trở thành nguồn tham khảo thông tin quan trọng đối với nhiều công ty phương Tây có nhu cầu tìm hiểu về môi trường đầu tư Trung Quốc.

Theo Apple, hãng sử dụng thông tin từ viện của ông để phát hiện và xử lý 196 trường hợp nhà cung cấp vi phạm quy định về môi trường. Chỉ với một cái click chuột, chủ sở hữu nhiều thương hiệu lớn của thế giới như Levi hay Gap có thể kiểm tra lịch sử gây ô nhiễm của đối tác cung cấp hàng cho họ.

Dữ liệu của viện IPE cung cấp cho thấy tính hiệu quả cao hơn rất nhiều so với việc các công ty nước ngoài phải tìm hiểu riêng biệt từng nhà cung cấp, hoặc nhiều khi phải xem hồ sơ của hàng chục nghìn nhà cung cấp và sau đó chọn ra nhà cung cấp phù hợp nhất để tránh làm mất uy tín của công ty họ.

“Những công ty như Apple rất sợ bị người tiêu dùng tẩy chay. Chính vì vậy, họ sẽ hỗ trợ cho nỗ lực bảo vệ môi trường của các bên”, giám đốc trung tâm nghiên cứu về truyền thông tại MIT, ông Ethan Zuckerman, nhận xét.
Còn theo khẳng định của bà Paula Pyers, giám đốc cao cấp phụ trách về các nhà cung cấp tại Apple, việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu khả năng hoạt động của nhà cung cấp tác động xấu lên môi trường hiện đang được ưu tiên tại Apple.

Nhà đồng sáng lập ra Alibaba, ông Jack Ma, cũng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, ông tuyên bố ông muốn xây dựng một Trung Quốc sạch hơn, nguồn nước sạch, bầu trời xanh và thực phẩm an toàn hơn.

Trong email gửi đến nhà báo, đại diện Alibaba khẳng định công ty rất nhiệt tình muốn hỗ trợ cho dự án “Blue Map” và coi đây như một trong những cách có ý nghĩa và rất sáng tạo để giúp giải quyết các vấn đề xã hội.

Chính phủ Trung Quốc giờ đây cũng đang rất quan ngại về vấn đề môi trường. Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy tính đến cuối năm 2016, gần 9% sông ngòi và hồ nước của Trung Quốc bị ô nhiễm.