Bến Tre: Sông Mỏ Cày nổi đầy xác lợn chết khiến người dân lo lắng

Hai tháng trở lại đây, người dân sống cạnh sông Mỏ Cày rất bức xúc trước tình trạng xác lợn chết nổi đầy trên sông bốc mùi hôi thối, nhiều người thậm chí còn không dám đi đò vì mùi xác lợn phân hủy.

                         Xác lợn chết bị vứt trên đoạn sông gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Hiện nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bến Tre có tình trạng lợn mắc bệnh, chết và bị người chăn nuôi lén lút vứt ra môi trường, đặc biệt là ở các sông ngòi.

Tại ngã 4 sông Mỏ Cày (đoạn sông giao nhau giữa xã Định Thủy và thị trấn Mở Cày), xác lợn chết nổi lềnh bềnh trên sông. Có xác thì tấp vào bờ đang phân hủy, bốc mùi hôi thối; có xác thì được người dân buộc trong bao…

Người dân sống cạnh sông Mỏ Cày rất bức xúc trước tình trạng này.

Hàng ngày, lái đò qua lại trên sông Mỏ Cày hàng chục chuyến, anh Đặng Song An cho biết, có ngày anh chứng kiến cả chục xác lợn chết trôi trên sông, va đập vào đò.

Nước lớn thì ít thấy vì xác lợn tấp vào các bụi cây ven bờ nhưng nước cạn thì trôi lềnh bềnh. Con nhỏ thì được bỏ vào bao thả sông; con to thì vứt chổng chơ, thối rữa. Người dân thậm chí không dám đi đò vì ảnh hưởng của mùi hôi thối.

Ông Dương Văn Hoanh, thị trấn Mỏ Cày chia sẻ, cũng như các gia đình hai bên bờ sông này, ông phải sắm một cây sào để đẩy xác lợn chết. Nhưng nhà này đẩy trôi ra lại tấp vào nhà khác. Đến khi nước chảy thì lợn trôi đi mà không có cách nào khác.

Theo người dân trong khu vực, tình trạng này diễn ra khoảng 2 tháng nay mà không thấy chính quyền địa phương đến kiểm tra và có biện pháp xử lý.

Người dân bức xúc và lo lắng vì lợn chết trôi sông gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới nguồn nước, đời sống của họ.

Huyện Mỏ Cày Nam là địa phương có đàn lợn lớn nhất tỉnh Bến Tre. Trước khi xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn của huyện khoảng 318.000 con. Tuy nhiên, đến nay, tổng đàn ước còn khoảng 200.000 con.

Ông Phan Văn Hợp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mỏ Cày Nam thừa nhận về tình trạng này.

Ủy ban Nhân dân huyện đã nhiều lần mời Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi của các xã đến họp để triển khai kế hoạch phòng chống bệnh dịch, hướng dẫn xử lý ổ dịch và lợn chết.

Tuy nhiên, hiện có khó khăn là người dân rất sợ bệnh này. Do đó, họ không dám chôn lợn chết gần chuồng, sợ lây lan cho số còn lại.

Thời điểm này, giá lợn hơi ngoài thị trường cao hơn nhiều lần so với giá hỗ trợ của nhà nước đối với lợn bị tiêu hủy.

Vì vậy, người dân lén lút vứt lợn bệnh, chết ra môi trường, giấu không báo với địa phương để bán số lợn còn lại cho thương lái.

Mặt khác, địa hình sông ngòi chằng chịt vào tận trong vườn nhà nên khi có lợn bệnh chết, họ vứt sông chứ không đào hố chôn để tiết kiệm chi phí. Chính vì sự thiếu ý thức của người dân nên bệnh lây lan kéo dài, ông Hợp chia sẻ.

Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra ở các tuyến sông; chỉ đạo các địa phương tổ chức kiểm tra, vớt xác lợn chết.

Huyện cũng lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin người dân báo những nơi nào có lợn chết để cử cán bộ đến thu hồi, tiêu hủy. Ngoài ra, các xã cũng thường xuyên phát bản tin nhắc nhở, cảnh báo người dân không thực hiện giấu bệnh, vứt lợn ra môi trường…

Ông Trương Tấn Liêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre cho biết, việc xử lý lợn chết là trách nhiệm của các xã. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã nhiều lần nhận được phản ánh của người dân về tình trạng lợn chết bị thả trôi sông gây ô nhiễm môi trường.

Cơ quan này tiếp nhận nguồn tin và thông báo về xã xử lý.

Bến Tre là tỉnh cuối cùng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi vào 2/7/2019.

Tính đến thời điểm này, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 84 xã, phường, thị trấn của tất cả 9 huyện, thành phố. Số đàn lợn bị tiêu hủy 40.253 con, chiếm khoảng 10% tổng số đàn lợn của tỉnh.

Nếu không có biện pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng này thì khả năng dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục lây lan.