Phát triển nhiệt điện than: Tìm giải pháp cho vấn đề tro, xỉ

Cần có giải pháp cụ thể thúc đẩy việc sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than (NMNĐ) hướng tới giải quyết bài toán về vấn đề môi trường.

Phát triển nguồn điện than là cần thiết

Báo cáo gửi Quốc hội của Bộ Công Thương nêu rõ, Việt Nam có 28 NMNĐ đang vận hành, với tổng công suất khoảng 18.000 MW, có tỷ trọng khoảng 39% trong cơ cấu nguồn điện.

Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), tổng công suất đặt của hệ thống năm 2030 khoảng 129.500 MW. Trong đó thủy điện chiếm gần 16,9%, nhiệt điện than khoảng 42,6%, nhiệt điện khí khoảng 14,7%, thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo khoảng 21%, nhập khẩu điện khoảng 1,2%. Với nhu cầu điện thương phẩm năm 2030 là trên 500 tỷ kWh (gấp gần 3 lần năm 2018), có thể thấy rằng việc đảm bảo đủ điện là sức ép lớn trong đầu tư nguồn điện.

Cần giải pháp xử lý và tiêu thụ tro, xỉ từ các NMNĐ

Như vậy, trong giai đoạn đến năm 2030 và các năm sau, nguồn nhiệt điện than chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nguồn điện (chiếm khoảng 42,6% công suất và sản xuất khoảng 53% điện năng toàn hệ thống), đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế – xã hội. Bộ Công Thương cho rằng, việc phát triển các nguồn điện than trong thời gian tới là cần thiết nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển, giá điện phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và thu nhập người dân. Dự kiến trong giai đoạn tới, mỗi năm hệ thống cần bổ sung 8.000 MW đến 10.000 MW thì nhiệt điện than cần bổ sung từ 3.200 MW đến 4.500 MW.

Tuy nhiên báo cáo đề cập, năm 2018, lượng tro, xỉ, phát sinh từ các NMNĐ khoảng 13 triệu tấn, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc (chiếm 65% tổng lượng thải), miền Trung chiếm 21% và miền Nam chiếm 14% tổng lượng thải. Lượng tro xỉ tiêu thụ đạt khoảng hơn 5,06 triệu tấn, chiếm khoảng 38,9% lượng phát sinh, trong đó miền Bắc tiêu thụ khoảng 3,6 triệu tấn chiếm 71,1% (tổng lượng tiêu thụ).

Các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, nếu không xử lý được tro, xỉ thải, dự kiến đến năm 2030 sẽ có 422 triệu tấn tro xỉ tồn đọng. Mặc dù vấn đề tro xỉ nhiệt điện than hiện nay rất nóng, nhưng việc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng tro xỉ của các cơ quan chức năng còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu.

Tích cực gỡ khó

Để đảm bảo việc an ninh năng lượng và công tác bảo vệ môi trường của các NMNĐ, Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Trên cơ sở đó, tăng cường giám sát việc thi hành pháp luật bảo vệ môi trường, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về bảo vệ môi trường tro, xỉ, thạch cao PG. Trong đó, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý, xử lý và tiêu thụ các loại sản phẩm vật liệu xây dựng từ tro, xỉ, thạch cao. “Xem xét, ban hành Nghị quyết của Quốc hội trong việc phát triển nhiệt điện nhằm đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng gắn với công tác bảo vệ môi trường, trong đó có việc quản lý, xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao từ các NMNĐ”- báo cáo nêu rõ.

Để phát triển các dự án nhiệt điện than cần lựa chọn công nghệ hiện đại (hiệu suất cao, phát thải thấp) và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, có các giải pháp để đảm bảo yêu cầu về an toàn môi trường đáp ứng quy định. Đồng thời, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát và yêu cầu chủ đầu tư các NMNĐ than thực hiện nghiêm các quy định pháp luật để đảm bảo an toàn môi trường.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ để thống nhất giải pháp sử dụng tro xỉ từ NMNĐ vào công tác san lấp mặt bằng.