Thảm họa thiên tai khiến 10.800 người chết và mất tích

Trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người; thiệt hại về GDP bình quân hàng năm 20.000 tỉ đồng (chiếm 1-1,5% GDP). Đó là những thông tin được nêu tại Hội thảo “Thảm họa thiên tai-lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó” do Bộ NNPTNT tổ chức, với sự tham dự, đóng góp ý kiến của phòng chống của các Bộ KHCN, TNMT cùng đại diện Bộ Đất đai – Hạ tầng – Giao thông và du lịch Nhật Bản.

Những con số đau lòng

Ngày 2-3.8.2017, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét tại 4 tỉnh Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu đã khiến 42 người chết và mất tích; 239 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, 398 hộ dân phải di dời, trên 1.400 tỉ đồng, tương đương với 62 triệu USD đã bị lũ quét nhấn chìm. Tại Sơn La, những cơn mưa lớn từ tháng 6 đến ngày 15.8.2017, đã gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét làm 17 người chết, 3 người mất tích, 23 người bị thương, 297 nhà bị sập đổ, 1.561 nhà bị hư hỏng, 28 điểm trường học bị thiệt hại… Tổng thiệt hại vật chất của địa phương này lên đến 905 tỉ đồng. Tại Yên Bái, lũ quét đã khiến 8 người chết, 6 người bị mất tích, 9 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi, hư hỏng, nhiều công trình bị tàn phá. Tổng thiệt hại vật chất lên tới trên 546,7 tỉ đồng.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT), đến thời điểm tháng 9.2017 có đến 49 người chết do lũ quét và sạt lở đất. Qua khảo sát hơn 700.000 hộ cho thấy, hơn 36.000 hộ dân ở khu vực miền núi có chỗ ở kém an toàn.

Hình ảnh Mù Cang Chải (Yên Bái) tan hoang sau lũ quét sáng 2.8.2017. Ảnh: P.V

Cần di dời dân vĩnh viễn khỏi nơi nguy hiểm

Một chuyên gia trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai thẳng thắn nêu quan điểm: Tình trạng chặt phá rừng, khai thác trái phép khoáng sản đã phá nát thảm thực vật và kết cấu địa tầng, khiến kết cấu đất đai trở nên yếu, dễ bị sạt lở. Ông Trần Quang Hoài nêu thực trạng: Cơ sở hạ tầng ở vùng núi phía Bắc đang thấp kém hơn nhiều so với khu vực khác. Do sông suối nhiều, địa hình núi dốc lại có nhiều ngầm tràn, việc đi lại khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm mùa lũ. Thêm vào đó người dân ở vùng núi khó tiếp cận với thông tin cảnh báo, các biển báo ở những khu vực thường xuyên sạt lở còn ít nên người dân rất bị động khi thiên tai xảy ra.

Đóng góp ý kiến vào công tác ứng phó với thảm họa thiên tai, TS Hirotada Matsuki – Giám đốc bộ phận Quan hệ quốc tế – Phòng Quy hoạch sông ngòi – Cục Quản lý sông ngòi và Phòng Chống thiên tai (Bộ Đất đai – Hạ tầng – Giao thông và du lịch Nhật Bản) – nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cảnh báo, phòng ngừa. Theo ông Matsuki, Việt Nam nên áp dụng các giải pháp tạm thời như lập hàng rào bảo vệ, hàng rào bao cát. Về lâu dài, cần phải chia rõ quản lý độ dốc bằng cách xây mỏ neo, khung bêtông; quản lý lở đất thông qua việc đào các giếng nước, quản lý dòng rác (xây đập khe thép).

Ông Vũ Kiên Trung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiên tai – cho rằng, cần nghiên cứu phương án lắp đặt hệ thống cảnh báo và cảnh báo thông qua xác định ngưỡng mưa để chủ động phòng, chống.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh: Ở các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, việc nghiên cứu lũ quét và tai biến địa chất được đầu tư từ rất sớm và hiện đã áp dụng rất nhiều phương pháp có tính khoa học rất cao vào việc tính toán và dự báo nguy cơ thảm họa trượt lở đất đá. Tại những điểm được xác định nguy hiểm thì tuyệt đối không bố trí để dân cư và có các biện pháp cảnh báo từ xa nên giảm thiểu được thiệt hại.