Brazil thuê cảnh sát môi trường đối phó với cháy rừng Amazon

Ngày 7/9, Bộ trưởng Môi trường Brazil Ricardo Salles cho biết nước này không có đủ nguồn lực tài chính để tăng cường các nhân viên thực thi pháp luật thường trực nhằm đối phó với tình trạng cháy rừng ở Amazon, nhưng sẽ ký hợp đồng lao động ngắn hạn với lực lượng cảnh sát môi trường địa phương.

Khói bốc lên ngùn ngụt từ đám cháy tại rừng Amazon ở Porto Velho, bang Rondonia, tây bắc Brazil, ngày 24/8/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn báo giới, Bộ trưởng Salles nêu rõ kế hoạch này sẽ thuê cảnh sát môi trường địa phương làm việc trong ngày nghỉ phép để hỗ trợ các nỗ lực chữa cháy của nhà chức trách liên bang. Bộ Môi trường Brazil đặt mục tiêu đạt được một thỏa thuận với các bang để kế hoạch này có thể được thực thi trước khi bước vào mùa cao điểm về phá rừng và cháy rừng trong năm 2020, thường bắt đầu vào tháng 5 hoặc tháng 6.

Trước đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết chính phủ liên bang Brazil không có đủ nguồn lực để giám sát một khu vực rộng lớn như Amazon, và cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu ngân sách trầm trọng do nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo.

Hiện Bộ Môi trường Brazil đang tìm cách thuyết phục chính phủ không cắt giảm ngân sách cấp cho bộ này trong năm 2020 so với ngân sách năm 2019.

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng tại nhiều nơi trong rừng Amazon, gây ảnh hưởng tới khu vực được coi là “lá phổi xanh của hành tinh”, cung cấp khoảng 20% lượng oxy cho Trái Đất. Số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Brazil công bố ngày 6/9 cho thấy trong tháng 8 vừa qua, tình trạng phá rừng nhiệt đới Amazon tại nước này đã tăng tháng thứ tư liên tiếp, qua đó gia tăng thêm những mối lo ngại về các đám cháy đang tàn phá khu vực này.

Cụ thể, số liệu của Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE) cho biết tính từ đầu năm tới tháng 8/2019, tỷ lệ rừng Amazon bị phá đã tăng 92% lên 6.404,8 km2, lớn hơn diện tích của bang Delaware tại Mỹ. Chỉ tính riêng trong tháng 8, diện tích rừng bị phá đã tăng gấp 3 lần lên 1.700,8 km2. Theo nhà nghiên cứu Ana Paula Aguiar tại INPE, hoạt động phá rừng thường được nối tiếp bằng việc đốt rừng để giải phóng mặt bằng nhằm phục vụ trồng trọt hoặc canh tác. Do đó, tình trạng phá rừng của tháng 8 có thể báo hiệu sẽ còn nhiều đám cháy xảy ra ở Amazon trong thời gian tới.

Rừng Amazon có diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp. Đây là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2. Các nhà khoa học cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại rằng các vụ cháy rừng Amazon sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu hiện nay và đe dọa đến đa dạng sinh học.

Nguồn: