Cháy rừng Amazon: Hệ quả từ chính sách môi trường?

Từ văn phòng của mình ở Greenbelt, Maryland, TS Doug Morton có thể nhìn thấy được quang cảnh khu rừng Amazon đang bốc cháy. Ông theo dõi hình ảnh từ các vệ tinh của NASA quanh khu vực nhiệt đới bốn lần một ngày. Camera vệ tinh hướng xuống khu rừng bên dưới, chụp lại hình ảnh từ những vết sáng rõ rệt, dấu hồng ngoại và dữ liệu nhiệt độ.

Ảnh: Getty images
Các chuyên gia khẳng định những đám cháy này có thể ảnh hưởng đến cả Trái đất. (Ảnh: Getty images)

Phát triển nông nghiệp làm suy giảm rừng

Các chuyên gia đánh giá, nguyên nhân khiến các đám cháy bùng phát không chỉ vì nhiệt độ toàn cầu nóng lên mà còn bởi chính sách phát triển quay lưng với môi trường của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Là một người theo chủ nghĩa dân túy chống môi trường mạnh mẽ, ông Bolsonaro đã khuyến khích định cư ở khu vực Amazon, sa thải người đứng đầu cơ quan chính phủ phụ trách giám sát nạn phá rừng từ vệ tinh không gian, và mới đây cáo buộc các tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi dư luận hạ bệ hình ảnh của ông. Kể từ khi đắc cử, ông Bolsonaro đã khuyến khích người dân xâm chiếm các khu vực của rừng Amazon đang được bảo vệ và các công viên tự nhiên được khoanh vùng [bảo vệ] từ nhiều thập kỷ qua. Ông cũng làm giảm vai trò các cơ quan bảo vệ môi trường của Brazil – nơi chịu trách nhiệm bảo vệ rừng nhiệt đới khỏi quá trình khai thác trái phép và chặt phá rừng. Thậm chí, đầu tháng 8 này, Bolsonaro đã sa thải một nhà khoa học hàng đầu khi ông ta cảnh báo nạn phá rừng đang diễn ra với tốc độ nguy hiểm chưa từng thấy.

Dưới thời Tổng thống Bolsonaro, lần đầu tiên kể từ khi trở thành quốc gia theo chế độ dân chủ, Brazil thực sự có một vị Bộ trưởng Môi trường chống môi trường. Trong hơn 30 năm, không có Bộ trưởng Môi trường nào được hưởng quyền tự chủ bằng như Ricardo Salles, Bộ trưởng Môi trường. Ông cũng là người theo đuổi việc kinh doanh nông nghiệp (agribusines), lĩnh vực được cho là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng thu hẹp những cánh rừng rậm, đồng thời cũng là lực lượng phá hoại [môi trường] lớn nhất của Brazil. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các bộ tộc bản địa sống hàng thế kỷ trong các khu rừng bị mất đi chỗ ở. Tổng thống Bolsonaro cũng đã nhiều lần bày tỏ thái độ khinh miệt các nhóm này và chính quyền thường ép các bộ tộc di dời khỏi khu vực rừng Amazon một cách cưỡng bước, mặc cho những người đứng đầu các nhóm bản địa và các nhà môi trường phản đối.

Hệ quả là rừng ở quốc gia sở hữu tới hơn 60% diện tích rừng Amazon này đã suy giảm nhanh chóng. Viện Nghiên cứu Vũ trụ quốc gia Brazil (INPE) – cơ quan nghiên cứu được thành lập vào năm 1961 và là một cơ sở nghiên cứu hàng đầu về rừng nhiệt đới cung cấp dữ liệu vệ tinh từ hệ thống dò phá rừng thời gian thực (DETER) đã cho thấy: tỷ lệ phá rừng trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2019 đã tăng lên 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong vòng 11 tháng, từ tháng 8/2018 đến tháng 6/2019, gần 4.600 km2 rừng nhiệt đới đã biến mất.

Khoảng chục năm trước đây, Brazil đã từng có giai đoạn bảo vệ môi trường, chống lại nạn phá rừng rất mạnh mẽ. Vào năm 2004, thợ đốn gỗ và chủ trang trại tại Brazil đã xóa sổ khoảng 10.400 dặm vuông diện tích rừng, bằng với kích thước của đất nước Haiti, nhưng sau một chiến dịch dữ dội phản đối nạn khai thác gỗ, con số đó đã giảm khoảng 75%. Khoảng thời gian giữa tháng 7/2017 và 7/2018, tổng rừng bị phá giảm xuống còn 3.050 dặm vuông. Nhưng giờ đây, cưa điện và máy ủi được tăng cường trở lại kể từ khi ông Bolsonaro nhậm chức vào tháng 1/2018. Dữ liệu từ Viện nghiên cứu Vũ trụ quốc gia Brazil cũng cho thấy số vụ cháy ở Amazon đã tăng lên tới 83% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn quá sớm để nói về hậu quả

Amazon đóng vai trò như một bể chứa carbon dioxide khổng lồ của Trái đất. Các cánh rừng rộng lớn giúp làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu bằng cách hấp thụ CO2 đổi lấy O2. Đất của rừng Amazon giúp lưu trữ Carbon, trong khi cây cối giữ hơi nước và hình thành nên những đám mây khiến toàn bộ khu vực Nam Mỹ trở nên mát mẻ. Nếu không thể kiểm soát, cháy rừng Amazon có thể đẩy hệ thống điều nhiệt toàn cầu lên một nấc. Vụ phá rừng và đốt rừng ở Brazil xảy ra cùng lúc với các vụ cháy lớn ở Siberia, Alaska và Canada. Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) gần đây đã tuyên bố rằng tháng 7/2019 là tháng nóng nhất trong lịch sử từng được ghi nhận.

Các nhà sinh thái học tại Brazil lo lắng vụ cháy kỷ lục năm nay làm phá hủy khả năng phục hồi của rừng nhiệt đới Amazon. Paulo Brando, chuyên gia nghiên cứu về hỏa hoạn tại Trung tâm Nghiên cứu Woods Hole và Viện Nghiên cứu Môi trường Amazon tại Brazil và đang tập trung nghiên cứu khả năng phục hồi của rừng Amazon trong bối cảnh hạn hán và sự khai thác rừng quá mức của con người cho biết, mùa dễ xảy ra cháy ở Brazil kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11 và lên tới đỉnh điểm vào tháng 9. Mùa khô ở đây hiện nay đã kéo dài hơn tới 3 tuần so với 50 năm trước do chịu ảnh hưởng của nóng lên toàn cầu, giao thông, canh tác nông nghiệp…

“Chúng ta mới chỉ ở giữa mùa khô, những tháng tiếp theo có thể còn tồi tệ hơn nữa,” nhà sinh thái học Paulo Brando. Ông sử dụng Skype để họp cùng các nhà nghiên cứu về hỏa hoạn tại Piracibaba, Brazil và nhận định giờ vẫn còn quá sớm để nói rằng liệu vụ cháy rừng sẽ dẫn tới thiệt hại lâu dài như thế nào.

Tuy nhiên, theo TS Mortan tại NASA, để chống biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu, việc kiểm soát tình trạng cháy rừng mới chỉ có thể giải quyết được một phần nhỏ. Bởi theo dữ liệu từ Dự án Carbon toàn cầu, tổng lượng CO2 sinh ra do cháy rừng vẫn còn nhỏ hơn so với lượng khí nhà kính từ nhà máy công nghiệp, ô tô và các nhà máy điện than. Cách đây 20 năm, nạn phá rừng nhiệt đới gây ra khoảng 15% lượng khí thải carbon toàn cầu, và nay đã giảm xuống, còn 12% trong năm 2017, theo dữ liệu từ. Đơn giản bởi vì tổng lượng phát thải toàn cầu và lượng phát thải từ các tác nhân như giao thông, công nghiệp, điện than… đang lớn lên.