Thủy điện Đăk Mi 1 cam kết hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng trong tháng 9

Công ty cổ phần Quang Đức Kon Tum, chủ đầu tư của Dự án thủy điện Đăk Mi 1 đã cam kết trong tháng 9/2019 sẽ hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng.

Ngày 25/7, đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế hạ tầng, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum cho biết, Công ty cổ phần Quang Đức Kon Tum, chủ đầu tư của Dự án thủy điện Đăk Mi 1 đã cam kết trong tháng 9/2019 sẽ hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng còn tồn tại liên quan đến dự án.

Đối với bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng với diện tích tăng thêm do điều chỉnh quy hoạch, tái định canh công ty sẽ thực hiện và hoàn thành trong tháng 10. Việc tái định cư hoàn thành trong tháng 12/2019.

Trước đó, người dân tại xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei đã phải sống lay lắt tại nơi ở cũ vì Dự án thủy điện Đăk Mi 1 suốt 10 năm chưa triển khai.

Thủy điện Đăk Mi 1 suốt 10 năm vẫn chưa triển khai tái định canh, định cư khiến người dân phải sống lay lắt tại nơi ở cũ. (Ảnh: Cao Nguyên – TTXVN)

Dự án hiện đang lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật trình các bộ, ngành có liên quan thẩm định. Để triển khai dự án, 32 hộ dân ở làng Kon Năng và Bê Rê xã Đăk Choong đã nhường nhà cửa, ruộng nương cho thủy điện, chờ tái định canh, định cư nơi ở mới. Tuy nhiên, suốt thời gian dài dự án không giao mặt bằng để dân ổn định cuộc sống.

Việc chậm triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. Do không có đất tái định canh, định cư, 32 hộ dân phải sống tại nơi ở cũ, nhà cửa xuống cấp, hiểm nguy rình rập.

Một số hộ khi sửa nhà được công ty hứa hỗ trợ nhưng không trả tiền. Đất tái canh không có, dân buộc sản xuất tại nương rẫy cũ, nhưng người dân chỉ trồng cây ngắn ngày. Suốt thời gian dài, hàng loạt ý kiến của cử tri huyện Đăk Glei gửi đến các ngành chức năng nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa giải quyết. Chủ đầu tư không hợp tác khiến người dân và chính quyền bức xúc.

Ngoài Đăk Mi, huyện Đăk Glei có tới 9/11 dự án thủy điện vẫn “treo”, chậm triển khai khiến chính quyền và người dân bức xúc. Nguyên nhân chính là do trên địa bàn huyện vẫn chưa có đường dây tải điện và trạm biến áp 110kV để chuyển tải điện các nhà máy (khi đi vào vận hành) lên lưới điện quốc gia.

Theo tính toán, nếu đầu tư đường dây và trạm biến áp chi phí lên tới 200 tỷ đồng là con số quá lớn với các nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn, trong khi dự án lớn nhất là Đăk Mi 1 đã 10 năm vẫn nằm trên giấy. Bài toán thủy điện ở Đăk Glei vẫn chưa có lời giải.

Trước đó, các ngày 11 và 22/7 TTXVN đã có bài “Thủy điện làm nóng nghị trường” và “Lay lắt cùng… thủy điện” phản ánh thực trạng trên.

Cùng đó, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hùng đã chỉ đạo quyết liệt buộc Công ty cổ phần Quang Đức Kon Tum, chủ dự án thủy điện Đăk Mi 1 và 1A đã phải làm việc với các sở: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, UBND huyện Đăk Glei để bàn các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và có cam kết thực hiện để trả lời với cử tri huyện Đăk Glei.