Chuyên gia lý giải nguyên nhân cá chết hàng loạt ở sông Tô Lịch gần khu vực xử lý ô nhiễm

Sau khi trong xanh hơn nhờ được nhận 1 triệu m3 nước từ Hồ Tây. Khu vực sông gần nơi thí điểm xử lý môi trường ứng dụng công nghệ Nano có hiện tượng cá chết trắng dạt vào hai bên bờ. Chuyên gia sinh học và môi trường đã có những phân tích về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết.

Trước đó, công ty TNHH MTV Cấp Thoát nước Hà Nội đã cho mở cửa xả hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch và nước sông đã chuyển sang màu xanh rêu. Tuy nhiên, sau khi ngừng xả, đến ngày 13/7 dọc hai bên bờ sông Tô Lịch, đặc biệt là đoạn thí điểm công nghệ Nano Nhật Bản, cá nổi trắng hai bên bờ.

Nhiều người đã hoài nghi, phải chăng kết quả thí nghiệm của công nghệ trên không thực sự hiệu quả? Phóng viên báo Người Đưa Tin đã trao đổi với các chuyên gia sinh học và môi trường về vấn đề này. Theo đó, các chuyên gia đánh giá, việc cá từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch sau đó chết hàng loạt là điều dĩ nhiên.

Hiện tượng cá chết trắng nổi lềnh bềnh bốc mùi tanh hôi diễn ra từ ngày 13/7, sau 3 ngày ngừng xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch.

Theo ông Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Cục trưởng cục Bảo vệ môi trường, Thẩm định đánh giá tác động Môi trường cho biết: “Việc cá từ Hồ Tây theo dòng vào sông Tô Lịch sau 3 ngày ngừng xả nước chết trắng là điều đương nhiên, bởi sông Tô Lịch vốn dĩ là sông chết từ lâu đời đến nay. Khi cá vào sông chỉ chống đỡ được 1-2 ngày, khi nước rút đi thì theo đó cá cũng đồng loạt chết theo”.

“Thông thường sông Tô Lịch không phải môi trường để nuôi cá, theo quy định nuôi trồng thủy hải sản, nước phải đảm bảo chất lượng 08/2015, sông hiện nay chỉ là cống nước thải của thành phố, chính vì thế cá vào đây không thể sống lâu được”, ông Kính lý giải nguyên nhân.

Ngoài ra việc cá chết trắng hai bên bờ nhiều nhất tại điểm thí nghiệm Nano ông Kính cho biết thêm: “Còn việc cá chết nhiều ở điểm thí nghiệm công nghệ Nano Nhật Bản là vì đây là điểm đầu nguồn, thứ 2 có thể họ không che chắn cẩn thận, dòng chảy vẫn chảy vào nên cá lọt vào nhiều. Nhưng nếu muốn có kết quả xác thực, chúng ta vẫn nên có một cuộc tiến hành kiểm tra, thì sẽ chính xác hơn”.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ Sinh học, đại học Bách Khoa Hà Nội đồng quan điểm: “Việc cá chết hàng loạt tại sông Tô Lịch sau khi ngừng xả nước từ Hồ Tây là điều dễ hiểu, vì cá theo dòng chảy sẽ bị tác động lực mạnh từ nước, và nhiều vật thể khác khi vào sông thay đổi môi trường nước sẽ bị sốc dẫn đến cá chết là chuyện đương nhiên”.

Hai bên bờ sông tại điểm thí nghiệm công nghệ Nano, lượng cá chết nổi trắng rất nhiều, điều này khiến không ít người băn khoăn về tính khả thi của công nghệ này.

Nói thêm về tính khả thi của công nghệ Nano Nhật Bản, ông Nguyễn Khắc Kính cho biết: “Tôi vẫn chưa tin vào công nghệ Nano lắm, theo tôi công nghệ này chỉ hiệu quả khi đặt ở các con sông tĩnh, có nghĩa là không có dòng chảy nào tác động như Hồ Tây hay ao hồ, thì tôi nghĩ hiệu quả, còn đối với sông Tô Lịch với gần 300 cống thải thì e rằng vẫn là điều trăn trở của toàn dân”.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khẳng định: “Việc điểm thí nghiệm công nghệ Nano tại sông Tô Lịch mới chỉ là thử nghiệm, còn kết quả thì vẫn phải chờ thời gian, nếu không thu gom cống nước thải tại dọc hai bờ sông thì sẽ không thể nào cứu sống được dòng sông. Không thể biến sông Tô Lịch trở về như trước, thời các vua còn du thuyền trên sống viễn cảnh được”.