Gia Lai: Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đức Cơ để mất hơn 9 ngàn ha rừng

Thanh tra tỉnh Gia Lai vừa kết thúc việc thanh tra toàn diện công tác quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp và việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Đức Cơ, phát hiện trong thời gian từ năm 2011 đến nay, đã để mất hơn 9 ngàn héc-ta rừng được giao quản lý, cùng nhiều sai phạm tài chính khác…

Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất ở Gia Lai diễn ra nhiều nơi. Ảnh: NP

Ngày 29/12/2011, BQLRPH Đức Cơ được UBND tỉnh Gia Lai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 14.994 ha, trong đó đất có rừng là 13.012ha, còn lại là đất lâm nghiệp không có rừng.

Qua thanh tra, từ thời điểm đó đến khi rà soát năm 2014, BQLRPH Đức Cơ đã để mất 5.983ha rừng được giao quản lý. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ lập biên bản vi phạm về hành vi lấn chiếm đất rừng trái phép có 7,23ha. Từ năm 2014 đến khi rà soát vào cuối năm 2017, đơn vị này tiếp tục để mất hơn 180ha rừng nhưng chỉ lập biên bản vi phạm hơn 15ha.

Đến nay, theo kết quả rà soát và báo cáo của BQLRPH Đức Cơ, diện tích đất có rừng do đơn vị này quản lý tiếp tục giảm hơn 2.981ha. Đoàn Thanh tra tỉnh đã tiến hành kiểm tra thực tế tình trạng phá rừng tại một số tiểu khu thuộc quản lý của BQLRPH Đức Cơ và đã xác định có 432,7ha rừng bị phá.

Theo thống kê, diện tích rừng mà đơn vị để mất từ năm 2011 đến đầu năm 2019 là hơn 9.145ha, chỉ còn quản lý, bảo vệ 3.812ha.

Trong quá trình thanh tra, ngày 17/5/2019, BQLRPH Đức Cơ có báo cáo giải trình cho rằng số liệu rà soát nêu trên là chưa chính xác, do cán bộ kỹ thuật của Ban bất cẩn, thiếu kinh nghiệm trong công tác thống kê; thực chất diện tích rừng bị mất do phá rừng, cơi nới đất rừng làm nương rẫy là 543,7ha. Tuy nhiên, Đoàn Thanh tra xác định, báo cáo giải trình này không có số liệu chi tiết để chứng minh nên không có cơ sở xem xét.

Nhiều khu vực rừng bị phá trắng lên đến hàng trăm héc ta, hiện trường cây rừng bị chặt, cưa, đốt vẫn còn nguyên vẹn; một số khu vực người dân tự dựng lán trại để sản xuất trên đất rừng đã chặt hạ, lấn chiếm…

Thanh tra tỉnh cũng xác định, trách nhiệm chính về những sai phạm trên thuộc về lãnh đạo BQLRPH Đức Cơ. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong công tác quản lý Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng; của cấp ủy, chính quyền huyện Đức Cơ trong công tác theo dõi, phát hiện, kiến nghị xử lý vi phạm; của một số lực lượng chức năng khác như Bộ đội Biên phòng trong công tác phối hợp bảo vệ đối với diện tích rừng thuộc khu vực biên giới….

Kết quả thanh tra việc quản lý bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp tại BQLRPH Đức Cơ nhận thấy có dấu hiệu tội phạm, Chánh Thanh tra tỉnh đã có Văn bản số 210/TTr-PCTN kiến nghị khởi tố, chuyển hồ sơ về các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm phát hiện trong quá trình thanh tra công tác quản lý bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp tại BQLRPH Đức Cơ đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thanh tra tỉnh cũng phát hiện BQLRPH Đức Cơ có nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí từ năm 2013 – 2018. Cụ thể: Năm 2013, đơn vị này đã chi phụ cấp đặc biệt cho viên chức, người lao động sai quy định với số tiền gần 190 triệu đồng; chi trùng tiền sửa chữa xe ô tô với số tiền gần 15 triệu đồng. Năm 2016 và 2017, Ban đã chi phụ cấp thu hút, chi phụ cấp lâu năm cho viên chức, người lao động không đúng đối tượng với tổng số tiền gần 513 triệu đồng. Đơn vị này đã chi một số khoản như tiếp khách, mua sắm dụng cụ, vật dụng văn phòng trong nguồn kinh phí tự chủ không đảm bảo về chứng từ, thủ tục thanh toán.

Năm 2003, BQLRPH Đức Cơ cũng được giao vốn trồng 100ha cây điều theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Đơn vị này đã trồng điều theo hồ sơ dự toán được duyệt, hàng năm vẫn được cấp kinh phí làm đường ranh cản lửa phòng, chống cháy rừng. Tuy nhiên sau khi trồng, lãnh đạo Ban không giao khoán cho người dân địa phương quản lý, bảo vệ theo quy định mà để cho 14 viên chức, người lao động của đơn vị tự chăm sóc, bảo vệ.

Tuy vườn điều phát triển bình thường, có thu hoạch sản phẩm. Thế nhưng, qua kiểm tra hồ sơ liên quan đến diện tích rừng trồng này không thể hiện việc BQLRPH Đức Cơ có thu, quản lý, sử dụng sản phẩm từ vườn điều. Như vậy, việc thực hiện quản lý bảo vệ đối với diện tích rừng trồng nêu trên của đơn vị này là không đúng quy định, gây lãng phí nguồn tài nguyên rừng.

Thanh tra tỉnh xác định, những sai phạm nêu trên, trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Văn Đồng – Phó Trưởng ban phụ trách BQLRPH Đức Cơ và tập thể lãnh đạo đơn vị. Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Minh – Kế toán Trưởng BQLRPH Đức Cơ trong quá trình lập dự toán kinh phí hàng năm đã không tuân thủ các quy định của pháp luật để triển khai thực hiện…

Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh giao Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo lãnh đạo BQLRPH Đức Cơ thực hiện thu hồi nộp ngân sách số tiền chi không đúng quy định hơn 717 triệu đồng vào ngân sách, sau khi có quyết định thu hồi của Chánh Thanh tra tỉnh; tổ chức lại việc quản lý bảo vệ đối với 100ha điều.

Theo quan sát của chúng tôi, tình trạng các BQL, lâm trường ở Gia Lai đã để mất nhiều diện tích rừng, đất lâm nghiệp trong thời gian qua, một mặt do buông lỏng quản lý, bảo vệ; còn có nguyên nhân không kiểm soát được nạn tàn phá rừng do tình trạng di dân tự do vào rừng rồi chặt đốt rừng để lấy đất sản xuất.

Vì vậy, tỉnh Gia Lai cần tăng cường kiểm tra và xử lý dứt điểm vấn nạn trên mới mong bảo vệ được tài nguyên về rừng.