Còn đâu những “dải lụa” của núi rừng

Những cánh rừng thông nằm dọc các tuyến đường qua Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng được ví như những “tấm lá chắn” sạt lở, những “dải lụa” làm đẹp 4 tỉnh này đang tiếp tục bị đầu độc trước sự bất lực của các địa phương.

Những ngày này, đi trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, chúng ta sẽ thấy những khu rừng ven đường bị tàn phá nghiêm trọng. Những quả đồi ven đường bạt ngàn thông ngày nào giờ đã trơ trụi, lác đác là những cây thông chết đứng, khô lá, rụng cành.

Chỉ còn đồi trọc

Tại Đắk Lắk, khu rừng thông nằm ven đường Hồ Chí Minh, thuộc địa bàn xã Cư Né, huyện Krông Búk đang khô lá, rất nhiều cây đã bị ken gốc chờ chết. Khu rừng thông này nằm sát vách với trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Krông Búk. Ông Nguyễn Văn Thuần, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Búk, nói dù rừng ở cạnh bên, lực lượng kiểm lâm mật phục nhưng vẫn không phát hiện được ai đầu độc thông.

Cũng theo ông Thuần, trên địa bàn huyện Krông Búk hiện chỉ còn 195,8 ha rừng thông. Việc phá rừng chủ yếu để chiếm đất mặt tiền đường Hồ Chí Minh. Các đối tượng dùng thủ đoạn tinh vi, lén lút ken gốc cho cây chết từ từ nên rất khó phát hiện. “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi chưa bắt, xử lý được đối tượng nào phá rừng thông. Lực lượng kiểm lâm quá mỏng, nhiều khi không đủ người đi họp, trong khi rừng thông nằm phân tán, trải dài hơn 20 km tuyến quốc lộ nên rất khó quản lý” – ông Thuần phân trần.

Tại Đắk Nông, cánh rừng thông chạy dài qua 2 xã Nâm N’Jang, Trường Xuân của huyện Đắk Song bị khoan gốc, bơm thuốc đang chết khô. Ở Km 1872 (xã Nâm N’Jang), hàng trăm cây thông có đường kính từ 30-50 cm bị tàn phá bằng cách khoan lỗ ở gốc rồi bơm thuốc độc vào. Một số ít cây còn lại nhìn xa lá vẫn xanh nhưng đến gần mới thấy đang chết dần.

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, khoảng 5 tuần trở lại đây, liên tục xảy ra tình trạng phá rừng thông phòng hộ ven một số tuyến đường chính như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 28 (đoạn qua địa phận xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long) và một số khu vực thuộc huyện Tuy Đức. Ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết trước tình trạng này, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan công an, sở, ngành, huyện, thị liên quan và các đơn vị chủ rừng yêu cầu chấn chỉnh việc quản lý bảo vệ rừng thông.

Một vạt thông ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông bị đầu độc đang chết dầnẢnh: Cao Nguyên
Những cây thông rừng ở Gia Lai bị người dân tước lấy vỏ đem bánẢnh: Hoàng Thanh

Mất dần lá chắn sạt lở

Ngày 28-6, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản yêu cầu Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, xử lý các trường hợp mua bán vỏ thông; nếu xét thấy có đủ yếu tố thì khởi tố vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng.

Chỉ đạo trên xuất phát từ thời gian qua, trên địa bàn các huyện như Mang Yang, Đắk Đoa, Chư Pah, Ia Grai và TP Pleiku liên tục xảy ra nạn cạo vỏ thông khiến hàng ngàn cây chết, chậm phát triển. Điển hình như cánh rừng thông 40 năm tuổi tại Tiểu khu 309 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ quản lý có gần 1.000 cây thông bị bóc sạch vỏ từ gốc lên khoảng 2-3 m. Ông Kpah Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, trực tiếp đi thị sát khu vực này không thể tin một số lượng lớn thông rừng bị tàn sát như vậy mà không ai hay biết.

Còn tại khu vực xã Đắk Jơ Ta (huyện Mang Yang), những vạt thông còn sót lại cũng bị “lột da” từ nửa tháng nay, nhựa rỉ ra đỏ như máu! Lực lượng chức năng đã treo bảng cấm ken cây, chặt cây, phá rừng, đốt rừng và lấn chiếm đất rừng. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng BQL rừng phòng hộ Mang Yang, thừa nhận mọi biện pháp tuyên truyền, vận động, thậm chí đào hào để xác định ranh giới và giao cho cán bộ phụ trách từng khu vực để quy trách nhiệm quản lý rừng nhưng cũng không ngăn chặn được vi phạm.

Theo ông Kpah Thuyên, những cánh rừng thông nằm dọc các tuyến đường qua tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng được ví như những “lá chắn” sạt lở, những “dải lụa” làm đẹp 4 vùng đất kể trên. Nạn phá rừng thông đã và đang tàn sát, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên, môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ rừng, cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại đến rừng thông. Địa phương nào không phát hiện và xử lý kịp thời nạn xâm hại, đầu độc thông thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng

Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh Lâm Đồng để xảy ra gần 280 vụ phá rừng lấn chiếm đất, với diện tích thiệt hại gần 40 ha và lâm sản thiệt hại hơn 2.300 m3. Tuy số vụ vi phạm giảm 21% so với cùng kỳ năm trước nhưng diện tích rừng bị thiệt hại tăng 41%, lâm sản thiệt hại tăng hơn 100%.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng tình trạng xâm hại rừng, phá rừng thông để chiếm đất sản xuất, sang nhượng đất trái phép diễn ra rầm rộ trong thời gian dài ở các huyện Lâm Hà, Lạc Dương, Đức Trọng, Bảo Lâm và TP Đà Lạt, gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng, môi trường sinh thái. Từ vụ án hơn 10 ha rừng thông gần 20 năm tuổi bị đầu độc bằng thuốc diệt cỏ tại xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà), UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo siết chặt quản lý; nghiêm khắc xử lý, truy tố các tổ chức, cá nhân vi phạm; truy trách nhiệm của người đứng đầu lực lượng kiểm lâm nếu để xảy ra tình trạng trên.

Đ.Thi