Phát triển quân sự góp phần gây biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học và nhà phân tích bảo mật đã cảnh báo trong hơn một thập kỷ rằng sự nóng lên toàn cầu là nỗi lo tiềm tàng đến an ninh quốc gia.

Họ dự đoán rằng, hậu quả của sự nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, bão mạnh, nạn đói và thiếu nước ngọt – có thể khiến các khu vực trên thế giới bất ổn về chính trị và nhanh chóng dẫn đến di cư và tị nạn hàng loạt.

Thế nhưng, đóng góp đáng kể của quân đội Mỹ vào biến đổi khí hậu đã nhận được rất ít sự chú ý. Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) đã giảm đáng kể mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch kể từ đầu những năm 2000, nhưng đây vẫn là nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới và kết quả là, một trong những nguồn phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới.

Các hoạt động liên quan đến quân sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát thải khí nhà kính trên toàn cầu

Bộ Quốc phòng là bên tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch nhiều nhất trong chính phủ Mỹ, chiếm từ 77% đến 80% tổng mức tiêu thụ năng lượng của chính phủ liên bang kể từ năm 2001.

Hiện nay, Trung Quốc là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, tiếp sau nó là Mỹ. Trong năm 2017, lượng khí thải nhà kính của Lầu Năm Góc đạt tổng cộng hơn 59 triệu tấn carbon dioxide. Nếu coi lĩnh vực này như một quốc gia, nó sẽ là nơi phát thải khí nhà kính lớn thứ 55 trên thế giới, với lượng khí thải lớn hơn cả Bồ Đào Nha, Thụy Điển hoặc Đan Mạch.

Các nguồn phát thải khí nhà kính quân sự lớn nhất là các tòa nhà và nhiên liệu. Bộ Quốc phòng Mỹ duy trì hơn 560.000 tòa nhà tại khoảng 500 cơ sở quân sự trong và ngoài nước, chiếm khoảng 40% lượng khí thải nhà kính của họ.

Phần còn lại đến từ hoạt động. Trong năm tài chính 2016 chẳng hạn, Bộ Quốc phòng đã tiêu thụ khoảng 86 triệu thùng nhiên liệu cho các mục đích hoạt động. Vũ khí và thiết bị quân sự sử dụng nhiều nhiên liệu đến mức đơn vị đo lường của các nhà hoạch định quốc phòng thường sử dụng là gallon/dặm.

Các tiêm kích là phương tiện ngốn năng lượng nhất. Lấy máy bay ném bom tàng hình B-2 làm ví dụ, nó mang theo khoảng hơn 2,5 tấn nhiên liệu, đốt 4,28 gallon mỗi dặm và thả ra hơn 250 tấn khí nhà kính trong phạm vi 6.000 hải lý. Máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-135R tiêu thụ 4,9 gallon mỗi dặm.

Từ đó có thể thấy mỗi nhiệm vụ của tiêm kích này tiêu thụ lượng nhiên liệu khổng lồ. Vào tháng 1/2017, 2 tiêm kích B-2B và 15 máy bay tiếp nhiên liệu đi hơn 12 nghìn dặm từ căn cứ quân sự Whiteman để đánh bom khủng bố ISIS ở Libya, tiêu diệt 80 mục tiêu. Chỉ tính riêng 2 máy bay B-2 thải ra khoảng 1.000 tấn khí nhà kính…

Điều đáng nói, biến đổi khí hậu không phải là một rủi ro tiềm tàng như các đối thủ trong mắt nước Mỹ. Nó đã bắt đầu với những hậu quả thực sự xảy ra với Mỹ. Không giảm khí thải nhà kính sẽ khiến ác mộng mà các chiến lược gia cảnh báo trở thành hiện thực – thậm chí nhiều khả năng dẫn tới một cuộc “chiến tranh khí hậu”.

Trong thập kỷ qua, Bộ Quốc phòng đã giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch thông qua các hành động bao gồm sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà và giảm thời gian tĩnh của máy bay trên đường băng… Các nhà môi trường hy vọng rằng, Quốc hội và Tổng thống Mỹ có thể sẽ suy nghĩ lại về các nhiệm vụ quân sự của quốc gia và giảm lượng năng lượng mà các lực lượng vũ trang sử dụng để bảo vệ quyền sử dụng dầu ở Trung Đông.

Thúy Hà (Theo Livescience)