Các quốc gia sản xuất dầu khí chưa tính đến tác động của chính sách BĐKH

ThienNhien.Net – Trong khi một số công ty khai thác dầu khí lớn đã có những bước hoạch định chính sách phát triển tính đến việc lồng ghép các chính sách chống biến đổi khí hậu của quốc gia, thì nhiều quốc gia sản xuất dầu khí lại chưa chú trọng đúng mức tới việc đưa chính sách hạn chế tác động biến đổi khí hậu vào ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch. 

Các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch thường có những hành động vận động hàng lang mạnh mẽ nhằm chống lại các chính sách khí hậu tích cực và thường thì họ đều thành công. Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của nhóm nghiên cứu môi trường CDP (Carbon Disclosure Project), ít nhất 29 doanh nghiệp lớn, trong đó có 5 doanh nghiệp sản xuất dầu mỏ đang xây dựng kế hoạch nội bộ dựa trên giả định rằng đến năm 2020 các chính sách khí hậu sẽ được đưa vào thực tế, đặc biệt là những chính sách về thuế carbon. Câu hỏi đặt ra là liệu chính phủ và công dân các quốc gia sản xuất dầu mỏ có cùng kỳ vọng như thế?

Các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết duy trì mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ C, tương đương với mức tăng trong thời kỳ tiền công nghiệp – ngưỡng tăng nhiệt độ mà nếu vượt qua, thế giới sẽ phải gánh chịu những hiểm họa thảm khốc nhất do sự nóng lên toàn cầu.

Để cam kết này trở thành hiện thực, thế giới sẽ không được tiêu thụ 80% trữ lượng dầu mỏ, khí đốt và than đã được thăm dò. Kết luận này đã hình thành nên các phân tích rủi ro của nhiên liệu hóa thạch, nhân tố đóng góp chính vào giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp sở hữu chúng. Điều này cũng là xúc tác cho chiến dịch toàn cầu nhằm vận động các thành phố, trường đại học công và quỹ hưu trí nói “không” với nhiên liệu hóa thạch.

Dù việc đưa vào thực tế một chính sách kiểm soát biến đổi khí hậu dường như còn quá xa vời, nhưng quan chức cấp cao và lãnh đạo doanh nghiệp ở nhiều quốc gia phát triển đã và đang bắt tay vào việc hoạch định chính sách. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch lại nằm ngoài xu hướng này mặc dù biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến triển vọng kinh tế của họ.

Khu vực Trung Đông, châu Phi và châu Á hiện vẫn chưa có các tranh luận công khai về tác động cụ thể của chính sách khí hậu đối với sản xuất nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó, các cuộc thảo luận lại chú trọng nhiều tới khía cạnh tiêu dùng. Điều này chứng tỏ rằng các quốc gia này vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ cho những gì sắp xảy đến.

Ảnh minh họa: resilience.org
Ảnh minh họa: resilience.org

Trong hầu hết các hợp đồng dầu mỏ, chủ đầu tư sẽ là đối tượng được thu hồi lợi nhuận trước tiên, phần còn lại sẽ được phân bổ cho nhà sản xuất và chính phủ. Điều này có nghĩa rằng, nếu việc đánh thuế carbon làm giảm lợi nhuận của các công ty dầu khí thì doanh thu của chính phủ có thể sẽ giảm nhiều hơn so với mức giảm lợi nhuận tổng thể.

Trong khi đó, chi tiết các thỏa thuận này phần lớn đều không được công khai, do vậy người dân khó có thể yêu cầu trách nhiệm giải trình từ phía chính phủ. Để khắc phục tình trạng này, những nỗ lực nhằm tăng cường minh bạch không nên chỉ dừng lại ở nguồn thu mà cần yêu cầu đối với cả các hợp đồng kinh tế. Khi hợp đồng được công khai, các kịch bản thuế carbon tương lai sẽ được mô hình hóa để chứng tỏ rằng hầu hết các chính phủ đều thu về ít hơn số họ mong đợi và quan trọng hơn là chứng minh nhiều dự án được đánh giá là tiềm năng có thể sẽ không hiệu quả.

Ngoài ra, “Quyết định khai thác” các tài nguyên hóa thạch cần có sự đồng thuận rộng rãi từ những tranh luận công khai, tham vấn cộng đồng và các chuyên gia. Điều này có thể thúc đẩy những phân tích chi phí – lợi ích thực tế hơn, khiến cho một trong những vấn đề trọng tâm của quản trị tài nguyên là đa dạng hóa nền kinh tế trở nên rõ nét hơn. Từ đó, cũng sẽ có lời giải cho một số câu hỏi như: Các chính phủ đang làm gì để chuẩn bị cho tương lai? Hướng phát triển thay thế nào đang được triển khai? Nguồn tài nguyên khan hiếm nên được sử như thế nào? Liệu tiếng nói của người dân có được lắng nghe?

Trong bối cảnh đó, vấn đề khai thác tài nguyên hóa thạch có thể là một phần của chương trình nghị sự rộng lớn hơn, kết nối các vấn đề như quản trị, sự đồng thuận cộng đồng và minh bạch trong các vấn đề môi trường địa phương, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.