Gia tăng lượng khí phát thải từ những đám cháy rừng dữ dội

Các nhà khoa học cảnh báo số lượng các vụ cháy rừng lớn tăng cao có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể lượng phát thải CO₂, gây khó khăn cho việc đạt mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris về việc giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2oC.

Các cam kết cắt giảm phát thải hiện tại của các nước được dự báo sẽ làm tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu hơn 3oC vào cuối thế kỷ này và có thể dẫn đến các tác động biến đổi khí hậu nguy hiểm như nước biển dâng, hạn hán, cháy rừng…

Ramon Vallejo, nhà khoa học chuyên về hệ sinh thái hỏa hoạn thuộc Đại học Barcelona cho biết: “Chúng ta không thể bỏ qua lượng phát thải do cháy rừng, đặc biệt hiện nay cháy rừng đang xảy ra dữ dội trên toàn thế giới.”

Ước tính và không chắc chắn

Mặc dù các ước tính luôn cho nhiều kết quả và không thật sự chắc chắn, một số chuyên gia cho rằng cháy rừng chiếm tới 20% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, ước tính tăng từ vài phần trăm đến khoảng 30% vào cuối thế kỷ này tùy theo biến đổi khí hậu diễn ra như thế nào.

William Lau, nhà khoa học khí quyển với Trung tâm du hành không gian Goddard của NASA tại Maryland cho biết: “Đầu tiên, các đám cháy rừng lớn sẽ làm giảm đáng kể các khu rừng hút CO₂ từ khí quyển và chính chúng phát thải ra lượng khí nhà kính đáng kể”.

Tuy nhiên, một nghiên cứu vào đầu năm nay đã phát hiện ra lượng CO₂ hàng năm phát sinh do cháy rừng đã giảm trong 80 năm qua, lý do chính là một diện tích lớn rừng và thảo nguyên đã được chuyển đổi sang đất trồng trọt trong vài thập kỷ và do đó cháy rừng đã giảm. Tuy nhiên, sự sụt giảm không lớn lắm.

Cảnh cháy rừng khủng khiếp ở California.

Cháy rừng dữ dội

Theo các chuyên gia, cường độ và quy mô cháy rừng đều tăng cao. Vì thế hiện nay có những lo ngại về sự gia tăng đáng kể phát thải CO₂.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính tổng lượng khí thải CO toàn cầu đạt 32,5 tỷ tấn vào năm ngoái. Tuy nhiên, không có sự định lượng chính xác lượng phát thải từ các vụ cháy rừng gần đây và vụ cháy gần đây ở California.

Một số ước tính cho thấy cháy rừng ở miền bắc California năm ngoái phát thải CO₂ trong một tuần cũng bằng với toàn bộ ô tô và xe tải trong tiểu bang thải ra trong một năm.

Đó là lý do một số chuyên gia về cứu hỏa ở Hoa Kỳ lo sợ mức phát thải CO₂ như thế có thể gây nguy hiểm cho tiến trình đáp ứng các mục tiêu giảm khí nhà kính.

Các điểm nóng khác

Trong những ngày gần đây, California và Úc xuất hiện trên tin tức báo chí vì nạn cháy rừng, nhưng các khu vực khác cũng cháy rừng dữ dội.

Đầu năm nay, Hy Lạp đã chứng kiến mùa cháy rừng nguy hiểm nhất ở châu Âu kể từ năm 1900 khi cướp đi 91 mạng sống. Năm ngoái, gần 70 người ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã thiệt mạng do cháy rừng.

Cháy rừng ở Thụy Điển năm nay là một trường hợp cực đoan khác. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, các vụ cháy đã thiêu rụi 30.000 ha rừng của Thụy Điển khiến EU kích hoạt các cơ chế ứng phó khẩn cấp.

Tại Indonesia, cháy rừng trong tháng 9 và tháng 10 năm 2015 đã phát thải khoảng 12,5 triệu tấn CO₂ mỗi ngày, theo số liệu của cơ quan thời tiết của Liên hợp quốc. Để so sánh, việc thải CO₂ hàng ngày từ đốt nhiên liệu hóa thạch ở Liên minh châu Âu là khoảng 9,2 triệu tấn.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy các khu rừng ở cực bắc trái đất hiện đang cháy với tốc độ không rõ trong ít nhất 10.000 năm.

“Cháy rừng sẽ tăng 100%”

Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nature Communications kết luận nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 3oC, khu vực Nam Âu có thể chứng kiến sự gia tăng 100% nạn cháy rừng, còn nếu tăng 1,5oC có thể dẫn đến sự gia tăng 40% cháy rừng.

Tiến sĩ Marco Turco, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi không thể ngoại suy những phát hiện của mình cho các vùng rừng khác trên thế giới. Nhưng dự báo là hầu hết các địa điểm trên toàn cầu sẽ thấy các vụ cháy rừng tăng cao tương tự khi khí hậu ấm lên”.

Các nhà khoa học nói rằng sự nóng lên sẽ gây ra nhiều đám cháy hơn, từ đó gây ra sự ấm lên hơn.

Phát thải nhiên liệu hóa thạch

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng phát thải khí nhà kính từ cháy rừng vẫn còn rất nhỏ so với lượng khí thải từ các hoạt động khác của con người.

“Các vụ cháy rừng ở California rất lớn… nhưng tôi cho lượng CO₂ thải ra chỉ bằng một vài phần trăm những gì Mỹ đốt cháy hàng năm để sản xuất điện, sưởi ấm và làm mát các tòa nhà, giao thông…”, Pieter Tans thuộc Cơ quan quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), cho biết.

Thomas Smith, Phó Giáo sư về địa lý môi trường tại Trường Kinh tế London (LSE) có cùng quan điểm: “Những vụ cháy tương tự này  góp phần không đáng kể vào việc phát thải khí nhà kính toàn cầu. Bất cứ lúc nào, có rất nhiều đám cháy với quy mô tương tự trên khắp hành tinh; đám cháy ở California chỉ là một đám cháy xảy ra gần nơi đông dân cư mà thôi”.

Các vùng than bùn gặp nguy

Một số nhà khoa học nói rằng mối lo thực sự là các vùng than bùn bị cháy. Nhiều người tin rằng lượng khí thải cháy rừng lớn nhất trong thời hiện đại là vụ cháy than bùn ở Indonesia năm 1997-1998.

Có nhiều ước tính khác nhau về vụ cháy này, nhưng con số phát thải lớn nhất được đưa ra là 3,7 tỷ tấn CO₂.

“Nhân tố bất định thực sự là băng vĩnh cửu tan chảy do biến đổi khí hậu có thể làm cho một lượng lớn than bùn phía bắc dễ bốc cháy, trước đây nó không có khả năng cháy”, Bill Degroot, một nhà khoa học nghiên cứu của tổ chức Canadian Forest Service cho biết.

Các nhà khoa học cũng lo ngại vấn đề cháy rừng thậm chí còn thách thức hơn so với việc cắt giảm phát thải các-bon từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch.

Giáo sư Vallejo nói: “Nếu bạn muốn, bạn thực sự có thể cắt giảm lượng khí thải carbon từ các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch – đó là điều nằm dưới sự kiểm soát của bạn. Nhưng cháy rừng không phải là thứ có thể kiểm soát được như vậy. Chúng sẽ xảy ra và cường độ sẽ tăng trong một thế giới ấm lên”.