Núi rác ở thành phố ô nhiễm nhất thế giới cao 65m, rộng bằng 40 sân bóng

Bãi rác Ghazipur ở rìa phía Đông thủ đô New Delhi, người ta sẽ dễ dàng nhận thấy rằng, bãi rác đang dần trở thành núi rác và thậm chí sẽ cao hơn cả đền Taj Mahal.

Núi rác này khiến Liên Hợp Quốc ví New Delhi là thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Tình hình ngày càng nghiêm trọng 

Những con diều hâu, chim săn mồi lượn lờ hay những con chó, mèo, chuột chạy quanh quẩn đống rác bốc mùi hôi thối chất cao như núi là những cảnh tượng thường thấy ở bãi rác Ghazipur.

Chiếm diện tích lớn bằng khoảng 40 sân bóng đá, Ghazipur hiện nay đã cao khoảng hơn 65 mét.  Mỗi năm, núi rác này lại tăng thêm 10 mét, kèm theo đó là mùi hôi thối ngày càng nồng nặc.

Dự kiến, với tốc độ rác tăng trưởng như hiện nay, đến năm 2020 núi rác này sẽ cao hơn cả đền Taj Mahal cao 73 mét ở vùng Agra. Thậm chí hồi năm ngoái, Tòa án Tối cao Ấn Độ còn tuyên bố sẽ lắp hệ thống đèn đỏ tại bãi rác nhằm cảnh báo các máy bay bay ngang qua đây.

Bãi rác Ghazipur được mở ra vào năm 1984, vì quá tải nên đáng ra bãi rác này phải đóng cửa vào năm 2002. Tuy nhiên, mỗi ngày hàng trăm xe rác từ khắp các nơi trong thành phố vẫn tiếp tục được vận chuyển đổ dồn về đây. “Khoảng 2.000 tấn rác được đổ về Ghazipur một ngày”, một quan chức Delhi cho biết.

Đến năm 2018, vì mưa lớn nên một phần của núi rác sụp xuống khiến 2 người thiệt mạng. Chính quyền sau đó ra lệnh cấm đổ rác, nhưng biện pháp chỉ kéo dài được vài ngày vì không tìm được bãi rác thay thế.

Tồn tại nhiều vấn đề

Hiện nay, bãi rác Ghazipur gây ra rất nhiều vấn đề. Vào mùa nắng nóng, bãi rác liên tục bùng phát những đám cháy do khí metan bốc lên và chính quyền Thủ đô New Delhi phải mất nhiều ngày mới có thể tắt lửa. Theo bà Shambhavi Shukla, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Khoa học và Môi trường ở New Delhi, cảnh báo rằng khí metan từ rác thải thậm chí có thể gây tử vong khi hòa vào khí quyển.

Bên cạnh đó, không chỉ gây ô nhiễm không khí, từ bãi rác còn chảy ra một chất lỏng độc hại màu đen gọi là Leachate, gây ô nhiễm nặng nguồn nước tại con kênh địa phương.

“Rác thải đang trở thành một thách thức lớn trong bối cảnh xã hội Ấn Độ ngày càng phát triển. Mức tiêu thụ hàng hóa gia tăng tạo ra nhiều rác. Tất cả phải được xử lý ngay từ bây giờ, nếu không rác sẽ càng khiến không khí và nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng”, ông Chitra Mukherjee – Trưởng nhóm vận động về môi trường Chintan cho hay.

Người dân sống xung quanh bãi rác từ lâu đã than phiền vì không thể thở được trong bầu không khí ô nhiễm. “Mùi rác thải độc hại đã biến cuộc sống của chúng tôi thành địa ngục. Mọi người lúc nào cũng trong tình trạng ốm đau”, ông Puneet Sharma, 45 tuổi chia sẻ.

Đã có những cuộc biểu tình nổ ra nhưng không đem lại kết quả, nhiều người vì không thể chịu đựng thêm đã phải chuyển đi nơi khác. Người dân nói rằng, mặc dù nhà máy tái chế rác thải thành năng lượng được xây dựng tại đây, nhưng điều này chỉ khiến tình hình trở nên trầm trọng bởi khói thoát ra từ quá trình đốt rác cũng rất độc hại.

Bác sĩ địa phương Kumud Gupta cho biết, mỗi ngày bà tiếp nhận khoảng 70 người, bao gồm cả trẻ sơ sinh, mắc các bệnh chủ yếu về đường hô hấp, dạ dày do ô nhiễm không khí gây nên.

Theo khảo sát của Chính phủ từ năm 2013-2017, có hơn 1,7 triệu người dân New Delhi bị nhiễm trùng đường hô hấp, trong đó hơn 980 người đã tử vong.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy bãi rác Ghazipur là nguồn gốc gây nên các bệnh cho cộng đồng dân cư sống cách đó 5km, trong đó có cả bệnh ung thư.

Kể từ khi nhậm chức năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi đã tiến hành Chiến dịch “Làm sạch Ấn Độ”, xây dựng hàng chục nghìn toi let công cộng và ban hành các quy định quản lý rác thải vào năm 2016. Tuy nhiên, các cơ quan giám sát, trong đó có Tòa án Tối cao Ấn Độ, nhiều lần cáo buộc chính quyền Delhi xem nhẹ cuộc khủng hoảng rác thải đang diễn ra, khiến tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Núi rác sẽ ngày càng lớn hơn, cao hơn trong những năm tới. Chính phủ Ấn Độ cho biết, không chỉ New Delhi, nhiều thành phố của đất nước cũng nằm trong số những nơi sản xuất rác lớn nhất thế giới, tạo ra 62 triệu tấn rác mỗi năm. Đến năm 2030, con số này có thể tăng lên 165 triệu tấn.