31.000 người Việt có thể chết vì nhiệt điện than mỗi năm

ThienNhien.Net – Trung bình hiện nay có tới 4.300 người Việt Nam tử vong mỗi năm do mắc các bệnh liên quan đến hoạt động phát thải từ các nhà máy nhiệt điện than, và con số này có thể tăng lên tối đa 31.000 người một khi tất cả các dự án nhiệt điện than nằm trong quy hoạch được đưa vào vận hành vào năm 2030.

Đây là con số đáng chú ý nhất nằm trong “Nghiên cứu về các gánh nặng và bệnh tật do tăng phát thải từ than trong khu vực Đông Nam Á” do đại diện nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Havard công bố tại Hội thảo “Than và Nhiệt điện than: Những điều chưa biết” do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp Liên minh Năng lượng Bền Vững (VSEA) tổ chức vào sáng 29/9 tại Hà Nội.

Sở dĩ tỷ lệ tử vong do các hoạt động phát thải từ các nhà máy nhiệt điện than ngày càng gia tăng bởi hoạt động này làm phát sinh rất nhiều chất thải độc hại, đặc biệt là các hạt bụi nhỏ li ti có kích thước siêu nhỏ. Những hạt bụi này có thể thâm nhập sâu vào phổi, thậm chí đi vào các mạch máu, gây tình trạng tử vong sớm, đau tim, rối loạn nhịp tim, các bệnh viêm phế quản mãn tính, tổn thương phổi, rối loạn đường hô hấp và rất nhiều các vấn đề sức khỏe khác.

Hình ảnh tại Hội thảo. (Ảnh: Đan Khuê)
Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: Đan Khuê)

Theo số liệu do GreenID cung cấp, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than sẽ thải ra một lượng tro khổng lồ, ước tính khoảng 14,8 triệu tấn mỗi năm từ 2020 và lên tới 29,1 triệu tấn mỗi năm từ 2030, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

GreenID cũng cảnh báo, việc tăng tỷ trọng nhiệt điện than lên hơn 50% vào năm 2030 (theo Quy hoạch Điện 7) là đi ngược với xu thế thời đại, đồng thời mâu thuẫn với các chiến lược về tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, việc phải nhập khẩu quá nhiều than để đáp ứng nhu cầu các nhà máy nhiệt điện trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh năng lượng quốc gia. Đó là chưa kể đến những bất cập, rủi ro liên quan đến vấn đề về cơ sở hạ tầng trong quá trình vận chuyển than, công nghệ lạc hậu trong chế biến, chi phí và gánh nặng cho xã hội đối với việc chăm sóc sức khỏe do ô nhiễm từ nhiệt điện than…

Trước những minh chứng rõ ràng về tác hại của nhiệt điện than, GreenID khuyến nghị cần tính toán lại nhu cầu điện cho sát thực tế để điều chỉnh quy hoạch phù hợp hơn, đồng thời đẩy mạnh việc thực thi các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, xác định công nghệ thích hợp để tăng hiệu suất, giảm phát thải, nâng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo… Đặc biệt, cần rà soát, loại bỏ nhà máy nhiệt điện than có khả năng gây tác động lớn và tiêu cực tới môi trường, xã hội và có hiệu quả kinh tế thấp.

Ngoài việc công bố kết quả nghiên cứu từ Đại học Havard, Hội thảo cũng giới thiệu kết quả “Nghiên cứu về tác động của nhiệt điện than tới nguồn nước của thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh” do Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi với biến đổi khí hậu (CEWAREC) thực hiện. Kết quả cho thấy, chất lượng nước mặt và nước biển ven bờ gần khu vực Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh hiện đang bị ô nhiễm bởi một số chất thải do nhà máy thải ra, do đó, nhóm nghiên cứu đề nghị cần nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, đồng thời thực hiện thu gom, xử lý triệt để nước chảy tràn từ hồ chứa xỉ than của nhà máy trước khi thải ra môi trường. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cần cân nhắc việc lựa chọn địa điểm xây dựng các nhà máy điện tiếp theo nằm trong quy hoạch của tỉnh, đảm bảo cách xa dân cư; thực hiện nguyên tắc gây ô nhiễm phải trả tiền; nghiên cứu áp dụng các dạng năng lượng tái tạo, dần thay thế nhiệt điện than.