Những vụ cứu hộ “đặc biệt”

Không phải là lực lượng chuyên trách bảo vệ môi trường, giữ gìn đa dạng sinh học nhưng với ý thức của mình, lực lượng BĐBP đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ môi trường và cứu hộ thành công nhiều loại động vật hoang dã.

Những việc làm thiết thực của BĐBP đã thể hiện trách nhiệm và đóng góp vào nỗ lực chung của quốc gia và toàn cầu trong công cuộc bảo vệ môi trường.

Cán bộ Đồn Biên phòng Lăng Cô thả rùa biển bị mắc lưới về với môi trường tự nhiên. Ảnh: Thế Anh

“Giải cứu” thú rừng

Trên địa bàn khu vực biên giới nước ta hiện nay có 25 vườn quốc gia, 48 khu dự trữ thiên nhiên. Với hệ sinh thái đa dạng, động thực vật phong phú, khu vực này trở thành “điểm đến” của nhiều đối tượng săn bắt, mua bán động vật quý hiếm.

Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, thực thi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, BĐBP đã phát hiện và giải cứu nhiều động vật quý hiếm bị mắc bẫy của các đối tượng săn bắt động vật hoang dã.

Điển hình trong số đó là vụ giải cứu các loại động vật mắc bẫy hồi cuối tháng 8-2018, tại địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Cà Roòng (BĐBP Quảng Bình).

Trong lúc thực hiện nhiệm vụ, Tổ tuần tra Đồn Biên phòng Cà Roòng phát hiện hệ thống bẫy đặt trộm để bắt động vật rừng tại khu vực mốc 544.

Tổ tuần tra đã tháo gỡ, lập biên bản, thu giữ toàn bộ dây, cần bẫy và 6 cá thể động vật đang bị mắc bẫy gồm 1 cá thể cầy vòi mốc, 2 cá thể rùa đất và 3 cá thể rùa sa nhân, đều nằm trong danh mục động vật hoang dã được bảo vệ. Sau đó, Đồn Biên phòng Cà Roòng đã bàn giao 6 cá thể trên cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Cũng trong lúc tuần tra, kiểm soát biên giới, vào một tối cuối tháng 1-2018, Tổ tuần tra kiểm soát của Đồn Biên phòng Mường Nhé, BĐBP Điện Biên phát hiện một đối tượng nam giới đi từ hướng biên giới vào khu vực bản Nậm San 1, xã Mường Nhé có nhiều biểu hiện nghi vấn.

Tổ công tác đã kiểm tra hành chính, phát hiện đối tượng giữ 4 cá thể rùa. Theo cơ quan chuyên môn, đó là loại rùa mỏ vẹt thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Đồn Biên phòng Mường Nhé đã hoàn tất hồ sơ và bàn giao đối tượng, tang vật cho cơ quan chức năng tiếp tục xử lý.

Trong một vụ việc khác, tại biên giới Quảng Trị, ngày 29-4-2018, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo trong lúc tuần tra, kiểm soát gần mốc 604 (thuộc khóm Ka Lăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa) đã phát hiện một đối tượng lạ mặt đang gùi bao tải dạng lưới nghi là có chứa hàng hóa nhập lậu.

Khi tổ công tác phát tín hiệu kiểm tra, đối tượng lập tức bỏ chạy, để lại chiếc bao tải bên trong có chứa 15 cá thể tê tê.

Qua giám định, đó là tê tê Java được liệt kê trong danh mục loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, mọi hành vi săn bắt, buôn bán và vận chuyển trái phép đều bị coi là vi phạm pháp luật, có thể bị khởi tố.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo sau đó đã bàn giao toàn bộ số động vật hoang dã trên cho lực lượng Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị chăm sóc, xử lý tiếp.

Thả nhiều cá thể vích về biển

Theo chân những người lính Đồn Biên phòng cửa khẩu Chân Mây (BĐBP Thừa Thiên Huế), chúng tôi đi dọc bờ biển Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc khi mặt trời đã nhô cao. Tại vùng biển này, những  người lính Biên phòng đã nhiều lần cứu hộ rùa biển.

Thiếu tá Lê Văn Lâm Đức, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây chia sẻ: “Trong thời gian qua, có một số cá thể rùa biển (họ vích) bị mắc cạn hoặc mắc lưới ngư dân. Khi nhận được thông tin, chúng tôi đều xuống địa bàn xác minh và vận động nhân dân hợp tác thả chúng về môi trường biển tự nhiên. Có trường hợp chúng tôi phải dùng ca nô chở ra khơi xa mới thả để đảm bảo thành công”.

Thiếu tá Đức dẫn chúng tôi tới quán hàng của anh Trần Văn Dương, người đã từng bắt được một con vích được Đồn Chân Mây vận động thả về môi trường tự nhiên.

Anh Dương kể: “Hôm đó, tôi đang thả lưới tại khu vực bãi Xép (khu vực biển Chân Mây) thì phát hiện một cá thể rùa biển nặng 33kg mắc lưới. Khi đưa về nhà, tôi được các anh Biên phòng giải thích đây là loại rùa biển nằm trong danh sách loài bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm đánh bắt, mua bán, vận chuyển và cần được bảo vệ. Vì vậy, tôi đã bàn giao con rùa đó cho BĐBP thả về với môi trường tự nhiên”.

Thiếu tá Lê Văn Lâm Đức giải thích cho anh Dương hiểu trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ động vật quý hiếm. Ảnh: Bích Nguyên

Anh Dương bảo, từng gặp cả cá heo bị lạc đường bơi vào sông. Anh không bắt mà bơi dìu cá heo ra biển. “Các anh Biên phòng chỉ cho tôi biết rùa là loài quý hiếm cần được bảo vệ. Vì vậy, nhiều lần tôi gặp rùa, có con to cả tạ vướng vào lưới, nhưng không bắt mà thả nó đi” – Anh Dương chia sẻ.

Thực tế, không chỉ trực tiếp cứu hộ các loài động vật hoang dã trong danh mục nguy cấp, BĐBP còn phối hợp với các lực lượng khác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn đa dạng sinh học.

Sau khi được tuyên truyền, nhiều ngư dân đã báo cho BĐBP tới giải cứu các con vật quý hiếm bị nạn như trường hợp của ông Phan Thanh Giảng, thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh. Chiều ngày 1-4-2019, ông Giảng đi giăng lưới tại khu vực biển Chân Mây, bắt được 1 cá thể rùa biển (họ vích) có trọng lượng 14kg. Nhận thấy đây là loài động vật quý hiếm, ông Giảng đã liên hệ với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây để thả về biển

Đó không phải lần đầu tiên, ngư dân báo cho BĐBP Thừa Thiên Huế biết việc đánh bắt được động vật biển quý hiếm để phối hợp thả về biển. Trước đó, sáng ngày 18-1-2019, Đồn Biên phòng Lăng Cô nhận được tin báo của ông Mai Thành, ở tổ dân phố Lập An, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc về việc 1 cá thể rùa biển mắc vào lưới. Đồn Lăng Cô đã nhanh chóng cử lực lượng đến hiện trường.

Qua kiểm tra, xác định đây là loại rùa biển (họ vích) nặng khoảng 10kg nằm trong Sách đỏ quý hiếm được bảo tồn. Đồn Biên phòng Lăng Cô phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện Phú Lộc thả cá thể rùa về với môi trường biển. Đầu tháng 5, Đồn Biên phòng Lăng Cô cũng phối hợp với các lực lượng khác thả một con rùa biển nằm trong Sách đỏ Việt Nam bị mắc lưới tại đầm Lăng Cô về với môi trường tự nhiên.

Được biết, trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Phú Lộc, có 5 cá thể vích quý hiếm được BĐBP thả về với môi trường tự nhiên.