Bình Thuận: Khô hạn khốc liệt

Có những địa phương đã phải thông báo tạm ngừng sản xuất vụ hè thu do thiếu nước. Nhiều nhà máy nước không đủ nguồn nước thô để sản xuất nước sạch cho sinh hoạt.

Hiện tỉnh Bình Thuận đang chống chọi với tình trạng hạn hán, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt trầm trọng.

Hồ chứa về mực nước chết

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Thuận, nhiều hồ chứa ở tỉnh này đang ở cao trình mực nước chết, như các hồ: Sông Phan (huyện Hàm Tân), Tà Mon, Sông Móng (huyện Hàm Thuận Nam)… Ngoài ra, rất nhiều hồ chứa khác đang tiệm cận báo động mực nước chết. Lượng nước trữ tại các hồ thủy điện cũng đang ở mức nước rất thấp, so với dung tích hữu ích thiết kế, cụ thể như thủy điện Đại Ninh là 22,57/251,73 triệu m3, chỉ đạt 8,96%; thủy điện Hàm Thuận là 10,12/522,50 triệu m3, chỉ đạt 1,94%.

Theo lãnh đạo Công ty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, mực nước tại hồ Hàm Thuận đang xấp xỉ mực nước chết, lưu lượng nước về hồ bình quân thời gian gần đây chỉ từ 4-6 m3/giây. Trước tình hình này, công ty đã đề nghị các địa phương trong vùng hạ du có kế hoạch bố trí sản xuất, sử dụng nước phù hợp.

Đức Linh, Tánh Linh là 2 huyện của tỉnh Bình Thuận nằm trong vùng hạ du nguồn nước hồ Hàm Thuận. Trước tình hình khan hiếm nước từ đầu nguồn, 2 huyện này đã phải thông báo tạm ngừng sản xuất vụ hè thu do thiếu nước tưới. Ông Trương Quang Đến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Đức Linh, cho biết do nước từ đầu nguồn cạn kiệt nên huyện tạm thời ngừng xuống giống vụ hè thu cho đến khi có mưa, nguồn nước từ các hồ đầu nguồn bảo đảm phục vụ cho sản xuất.

Huyện Hàm Thuận Nam là một trong những vùng khô hạn nhất của tỉnh Bình Thuận. Hiện tình hình hạn hán đã làm cho hơn 500 ha thanh long ở đây thiệt hại nặng do thiếu nước tưới. Tại các huyện Hàm Tân, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, tình trạng hạn hán cũng diễn ra khốc liệt, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng khan hiếm trầm trọng. Từ hơn 1 tháng qua, hàng ngàn hộ dân tại các địa phương này phải đi mua nước để sinh hoạt hằng ngày do các nhà máy nước trên địa bàn không đủ nguồn nước thô để sản xuất nước sạch cung ứng cho người dân.

Nhiều người ở tỉnh Bình Thuận đang phải đi mua nước để sinh hoạt hằng ngày

Ưu tiên nước cho sinh hoạt

Bà Nguyễn Thị Bảy (ngụ xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam) cho biết hơn 1 tháng qua ngày nào cũng phải chở can đi mua nước cách nhà gần 2 km để dùng. Mỗi ngày chở ít nhất hai chuyến. Phải dùng tiện tặn lắm mới đủ. Còn ông Nguyễn Văn Hạnh (ngụ xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân) than thở gia đình phải cử người luân phiên đi mua nước mỗi ngày. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều bị đảo lộn do thiếu nước, khổ hết sức.

Đối phó với tình trạng hạn hán đang diễn ra gay gắt, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho rằng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, lưu lượng dòng chảy tại các công trình thủy lợi trên địa bàn. Qua đó, đôn đốc các đơn vị thực hiện việc điều tiết nước hợp lý. Đồng thời, với nguồn nước thủy lợi hiện có, các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn ưu tiên tập trung nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho đến khi có mưa.

Thiệt hại lớn tại Nghệ An, Hà Tĩnh

Tại Nghệ An, trong tháng 4 và 5 liên tiếp xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kỷ lục. Nhiều nơi nhiệt độ lên đến trên 40 độ C. Hậu quả, sông suối cạn khô, hơn 1.100 ha ngô, lạc, đậu bị khô lá, cháy vàng. Trong đó, những huyện chịu thiệt hại lớn do nắng nóng kéo dài gây ra là Nghi Lộc, Đô Lương, Quỳ Hợp… Nông dân các huyện này đang rơi vào cảnh khốn khổ vì mùa vụ mất trắng. Tại huyện miền núi Quế Phong, lòng hồ thủy điện Hủa Na xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt tại 280 bè, lồng nuôi cá.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, nắng nóng cũng gây thiệt hại lớn đối với sản xuất, đảo lộn đời sống của người dân. Nhiều người già, trẻ nhỏ phải nhập viện cấp cứu. Đặc biệt, có một nông dân ở huyện Lộc Hà do sốc nhiệt đã tử vong khi đang làm việc ngoài đồng.

Đ.Ngọc