Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán ĐVHD còn gặp nhiều khó khăn

Chiều 21-5, tại Vĩnh Phúc, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức Hội thảo tập huấn “Phía sau nạn buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam”.

Nội dung hội thảo tập trung vào việc chia sẻ thông tin về thực trạng, nguyên nhân của nạn buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) hiện nay; mở rộng mạng lưới báo chí quan tâm cũng như các kỹ năng tác nghiệp về chủ đề ĐVHD.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có số loài ĐVHD bị đe dọa tuyệt chủng cao trên thế giới với 7/100 loài nằm trong danh sách bị đe dọa nhất.

Theo báo cáo của quỹ bảo vệ Thiên nhiên (WWF), trong những năm qua, nước ta cũng là một trong những điểm nóng về săn bắt, khai thác, buôn bán động, thực vật hoang dã trên thế giới.

Các điểm nóng chủ yếu tập trung ở những tỉnh, thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Trị, Nghệ An, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Gia Lai, Kom Tum. Quốc lộ 1A là tuyến đường vận chuyển các loài hoang dã nhiều nhất Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng được cọi là một trong những nước trung chuyển trong hoạt động buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia.

Một số cá thể gấu ngựa đang được chăm sóc tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội.

Tính từ năm 2014 đến hết năm 2018, lực lượng Cảnh sát môi trường toàn quốc đã phát hiện gần 1000 vụ vi phạm về ĐVHD với mức độ nguy cấp và cực kỳ nguy cấp.

Mặc dù Chính phủ Việt Nam và các tổ chức bảo tồn trong và ngoài người đã có nhiều nỗ lực, song hoạt động khai thác, buôn bán bất hợp pháp vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm và ngày càng tinh vi.

Theo Đại úy Trần Thị Kim Thanh, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), công tác đấu tranh chống tội phạm buôn bán ĐVHD còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, một số quy định pháp luật về ĐVHD còn bất cập, chồng chéo gây khó khăn trong quá trình xử lý các vụ vi phạm. Phương thức hoạt động của các đối tượng buôn bán ĐVHD thường có tổ chức, xuyên quốc gia nên khó xác định đối tượng cầm đầu; các đối tượng lợi dụng việc gây nuôi ĐVHD để buôn bán, sử dụng bất hợp pháp. Bên cạnh đó, sự hợp tác quốc tế trong chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực thi pháp luật còn hạn chế.

Bên cạnh đó, một số cơ quan báo chí, truyền thông còn thiếu trách nhiệm trong việc đăng tải thông tin về ĐVHD (về việc săn bắt, ăn, sưu tầm các loài động vật có nguy cơ tuyện chủng) theo hướng cổ xúy về giá trị kinh tế, dinh dưỡng của các loài mang lại nhằm mục đích tăng tương tác, kiếm lợi nhuận.

Tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng, vai trò của báo chí trong việc bảo vệ ĐVHD hiện nay rất quan trọng. Để báo chí thực sự góp sức vào công tác bảo vệ ĐVHD thì các phóng viên cần phải nắm rõ luật (Luật Hình sự, Dân sự), trong đó có các điều luật về bảo vệ môi trường, thiên nhiên và cả các quy định về quyền và trách nhiệm của báo chí.

Bên cạnh đó, phóng viên phải tính đến trước hậu quả của việc đưa thông tin lên báo chí đồng thời phối hợp tốt với cơ quan chức năng cùng các tổ chức bảo vệ môi trường,…