Nghệ An: Ngang nhiên xả thải, xây lấn công trình trái phép ra biển

Lấn chiếm hàng trăm m2 ra biển để xây dựng công trình trái phép, ngang nhiên xả thải gây ô nhiễm môi trường diễn ra trong suốt thời gian qua.

Đây là thực trạng đang diễn ra tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An do hộ nuôi trồng thủy sản địa phương vi phạm khiến dư luận bức xúc.

Ngang nhiên xả thải trực tiếp ra biển

Để có diện tích nuôi trồng thủy sản, ông Hồ Công Kỳ đã được UBND xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc ký kết, cho thuê đất tại khu vực núi đầu Cân. Tổng diện tích mà UBND xã Nghi Yên cho thuê là 7.105m2.

Được biết, đây là phần diện tích thuộc khu vực đường Quốc phòng tiếp giáp với bờ biển ở địa bàn xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Sau khi được chính quyền xã cho thuê đất, ông Hồ Công Kỳ đã cải tạo, xây dựng khuôn viên làm ao nuôi tôm theo hướng trang trại.

Tuy nhiên, trong quá trình nuôi tôm, toàn bộ nguồn nước thải màu đen từ trang trại này lại được xử lý bằng cách đổ thải trực tiếp ra biển, gây bức xúc trong dư luận.

Qua phản ánh, vào những ngày đầu tháng 5/2019, khi tiến hành “mục sở thị”, phóng viên đã quan sát được quá trình xả thải trực tiếp ra biển của trang trại nuôi tôm nói trên.

Trong quá trình nuôi tôm, toàn bộ nguồn nước thải màu đen từ trang trại này lại được xử lý bằng cách đổ thải trực tiếp ra biển, gây bức xúc trong dư luận

Cụ thể, tại khu vực bờ rào của trang trại nuôi tôm xuất hiện một đường ống với đường kính khoảng 30cm nối ra ngoài để để lộ rõ nguồn nước màu đen, hôi tanh chảy ra.

Tiếp đó, nguồn nước thải này chảy lộ thiên ra phía ngoài mương dài khoảng 20m rồi đổ ra biển với khối lượng rất lớn.

Trước sự việc này, phóng viên cũng đã phản ánh với các cấp chính quyền của huyện Nghi Lộc.

Chiều ngày 10/5, ông Trần Công Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Yên cũng đã cùng cán bộ phụ trách trực tiếp xuống hiện trường để kiểm tra.

Theo đó, tại khu vực bãi biển thuộc địa bàn xã Nghi Yên, UBND xã cũng đã làm việc, giao trách nhiệm cho hộ ông Hồ Công Kỳ với các nội dung như sau: “Lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, không được xả nước thải trực tiếp ra môi trường khi chưa qua xử lý”.

Tiếp đó, vào ngày 17/5, ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cũng đã ký văn bản 1299 yêu cầu các phòng, ban chuyên môn, chính quyền xã Nghi Yên kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng hộ ông Hồ Công Kỳ tự ý xả thải ra biển, gây ô nhiễm môi trường.

“Hô biến” công trình lấn biển trái phép

Đáng quan tâm là ngoài tổng diện tích được chính quyền xã Nghi Yên cho thuê khoán thì ông Hồ Công Kỳ đã có hành vi xây dựng lấn chiếm trái phép ra bờ biển.

Cũng trong những ngày đầu tháng 5/2019, khi quan sát tại hiện trường, phóng viên nhận thấy tại khu vực núi đầu Cân tiếp giáp biển đang mọc lên “đại công trường” xây dựng quy mô lớn.

Hệ thống bê tông, cốt thép, vật liệu xây dựng được tập kết để lấn hàng trăm m2 ra biển. Cùng với đó, việc san lấp, xây dựng lấn biển cũng được triển khai từ nhiều tháng trước.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cũng đã giao cho phòng TN&MT, phòng Kinh tế – Hạ tầng… phối hợp với xã Nghi Yên để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Huyện Nghi Lộc cũng giao cho các phòng, ban liên quan yêu cầu ông Hồ Công Kỳ phải trả lại nguyên trạng mặt bằng như ban đầu trước hành vi xây dựng công trình lấn biển trái phép của mình.

“Thành lập tổ công tác rà soát lại hiện trạng sử dụng đất của hộ NTTS, trường hợp hộ ông Hồ Công Kỳ không kịp thời khắc phục các sai phạm nêu trên thì chấm dứt hợp đồng cho thuê đất hoặc không gia hạn hợp đồng đối với năm tiếp theo” – ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc chỉ đạo.

Hệ thống bê tông, cốt thép, vật liệu xây dựng được tập kết để lấn hàng trăm m2 ra biển

Như vậy, sự việc cố tình xả thải ra biển, gây ô nhiễm môi trường trong suốt thời gian qua tại trang trại nuôi tôm của ông Hồ Công Kỳ là có thật. Mặt khác, hành vi lấn chiếm hàng trăm m2 ra biển, làm biến dạng đường bờ biển cũng được ông Hồ Công Kỳ ồ ạt triển khai xây dựng.

Những hành vi mà ông Hồ Công Kỳ đang vi phạm đã được cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dư luận cũng đặt câu hỏi là tại sao cả một công trình, trang trại nuôi tôm xây dựng lấn biển, xả thải trực tiếp ra môi trường lại không được sớm được ngăn chặn, xử lý mà chỉ khi có sự phản ánh từ dư luận, cơ quan chức năng mới vào cuộc?