Tây Ninh còn nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản

Ngày 15/5, Thường trực hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh, tiến hành kiểm tra, giám sát đối với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Tây Ninh về thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Tạm ngừng khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng để đảm bảo chất lượng nguồn nước, công trình thủy lợi.

Tại buổi giám sát, Đại tá Lý Hồng Sinh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh cho rằng, việc cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện nay đang tràn lan khó kiểm soát; đa số các mỏ khai thác khoáng sản được cấp phép đều vi phạm ít hay nhiều so với quy định về quản lý khoáng sản hiện hành; lực lượng thanh tra, kiểm tra không đủ để sâu sát với từng sai phạm của doanh nghiệp khai thác khoáng sản, gây không ít khó khăn cho ngành Công an, cần có sự chung tay quyết liệt của các ngành trong công tác quản lý lĩnh vực này.

Tình trạng hạ cấp đất ruộng để nuôi trồng thủy sản còn khá nhiều bất cập, có nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp lợi dụng chính sách cho nuôi trông thủy sản trên đất trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả, bằng cách xin phép hạ cấp đất ruộng có độ sâu theo quy định là 2,5 mét, sau đó xin phép bán thanh lý số đất dôi dư; thực chất chỉ để khai thác đất thu lợi cá nhân, không thực hiện nuôi trồng thủy sản như đã cam kết trước đó.

Bà Phan Thị Điệp, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh cho biết, Hội đồng nhân dân tỉnh đã có đợt khảo sát thực tế tại một số mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy có nhiều sai phạm rất nghiêm trọng như: Khai thác đất quá độ sâu theo quy định, khai thác vượt sản lượng cho phép hằng năm, thiếu rào chắn an toàn, khai báo các loại khoáng sản không trung thực nhằm hạn chế, né tránh các khoản nộp vào ngân sách nhà nước…

Đáng chú ý là tình trạng khai thác cát quá mức so với quy định đến mức báo động trong lòng hồ Dầu Tiếng, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến kết cấu bờ đập, cũng như thất thoát tài nguyên của tỉnh. Công tác phối hợp liên ngành, liên cấp trong quản lý nhà nước còn mang tính hình thức.

Bà Nguyễn Thị Hiếu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh tiếp thu một số vấn đề kiến nghị của đoàn giám sát.

Bà Hiếu cho rằng thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh cơ bản đã làm tròn nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh trong việc phân công phân nhiệm và sự phối hợp các sở, ngành, các địa phương để thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn trong quản lý, khai thác khoáng sản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, hiện tỉnh đang cho tạm thời tạm ngưng cấp phép các hoạt động xin khai thác khoáng sản và khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng để rà soát đánh giá lại quy trình kiểm tra, giám sát các hoạt động của các mỏ đang khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời chấn chỉnh, ban hành quy định chuẩn mực cụ thể về quản lý khoáng sản, cũng như phân công trách nhiệm quản lý từ cấp tỉnh đến cấp xã, với quan điểm chung là đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nề nếp, mạnh tay xử lý các doanh nghiệp cố tình vi phạm khai thác tài nguyên quá mức so với quy định.

Kết luận tại buổi giám sát, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phản ánh đang tồn tại gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua về công tác quản lý khoáng sản.

Việc khai thác tài nguyên, khoáng sản để phục vụ nhu cầu xây dựng, làm hạ tầng giao thông là thực sự cần thiết; tuy nhiên yêu cầu làm phải đúng quy định của pháp luật và đảm bảo được các yếu tố về môi trường, an ninh trật tự. Theo đó, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước phải chuẩn mực, đảm bảo quy trình kiểm tra, kiểm soát phải chặt chẽ, xử lý các vi phạm mạnh tay mang tính răn đe cho xã hội.