Châu Phi tìm cách hóa giải lời nguyền tài nguyên

ThienNhien.net – Là khu vực giàu tài nguyên, song châu Phi vẫn đang rơi vào tình trạng đói nghèo và kém phát triển. Để người dân thực sự hưởng lợi từ sự giàu có tài nguyên, các quốc gia Châu Phi đang có những động thái nhằm thoát khỏi tình trạng được coi như “lời nguyền tài nguyên” này.

Rơi vào lời nguyền tài nguyên

Câu nói tài nguyên là một “lời nguyền” không hề cường điệu đối với nước Cộng hòa Trung Phi vốn đang sa lầy trong cuộc chiến khởi nguồn từ tranh chấp kim cương. Các xung đột tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Sudan và Nam Sudan cũng liên quan đến các tranh chấp giành quyền kiểm soát nguồn tài nguyên.

Không bị cuốn vào chiến tranh, các quốc gia châu Phi giàu tài nguyên khác như Zambia, Mozambique, Mauritania và Guinea vẫn rơi vào nghịch lý đói nghèo. Theo tờ Financial Times, Guinea có “những mỏ khoáng sản đáng ao ước nhất hành tinh”, bao gồm trữ lượng bauxite lớn nhất thế giới lên đến 40 tỷ tấn,hơn 20 tỷ tấn quặng sắt, kim cương, vàng và uranium.

Tuy nhiên, số liệu củaNgân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) cho hay 55% trên tổng số 11 triệu dân Guinea sống dựa vào thu nhập chưa đến1,25 USD/ngày và xếp thứ 178/187 quốc gia về Chỉ số Phát triển Con người (HDI). Đây là một ví dụ điển hìnhvề nghịch lý giữa giàu có về tài nguyên khoáng sản và nghèo nàn về kinh tế, xã hội.

Theo Ủy ban Kinh tế Châu Phi của Liên Hợp Quốc (ECA), châu Phi sở hữu 54% trữ lượng bạch kim, 78% trữ lượng kim cương, 40% trữ lượng crom, 28% trữ lượng manganvà nhiều tài nguyên khoáng sản khác của thế giới.

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cũng nhận định, 19/46 quốc gia châu Phi cận Sahara có nhiều mỏ hydrocarbon, dầu, khí, than và khoáng sản quan trọng và 13 quốc gia vẫn đang tiếp tục thăm dò các mỏ khoáng sản mới.

Tuy nhiên, châu Phi là châu lục nghèo nhất thế giới theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.

Khai thác đồng ở Kitwe, Zambia (Ảnh: Panos/ Sven Torfinn)
Khai thác đồng ở Kitwe, Zambia (Ảnh: Panos/ Sven Torfinn)

Nỗ lực biến lời nguyền thành vận may

Năm 2009, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Phi (AU) đã thông qua “Tầm nhìn Khai khoáng châu Phi” (AMV). Đây là khung pháp lý giúp đàm phán các hợp đồng khai thác có lợi hơn, chú trọng hơn đến môi trường, gia tăng giá trị của tài nguyên khoáng sản, có tính đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương. Điều này đảm bảo thu được nhiều lợi ích hơn từ nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội.

Theo đó, nguồn lợi sẽ được tập trung đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, vào ngành năng lượng, cung cấp nước, viễn thông và phát triển các ngành công nghiệp chế biến tài nguyên tại địa phương, hướng đến nền kinh tế tri thức và các ngành dịch vụ năng động. AMV cũng dự định củng cố nền móng các tổ chức liên quan để ngăn chặn các dòng tài chính bất hợp pháp.

Kế hoạch hành động của AMV đã được thông qua trong năm 2011. Cuối tháng 12/2013, Trung tâm Phát triển Khoáng sản châu Phi (AMDC) cũng được thành lập nhằm hỗ trợ thực hiện các kế hoạch AMV.

Trong một nỗ lực riêng, chính phủ Zambia từ năm 2011đãtăng mức thuế doanh nghiệp đối với với các công ty khai khoáng từ 20% lên 30% giúp Zambia thu về nguồn thu thuế năm 2011 tăng gấp đôi so với năm 2010, đạt mức 1,36 tỷ USD, dù một phần trong đó là nhờ giá thành tăng do nhu cầu đồng lớn từ Trung Quốc.

Trong khi đó, cải cách ở Mali lại diễn ra có phần chậm và kém quyết đoán hơn​​. Chính phủ nước này đã ban hành Luật khai thác khoáng sản sau cuộc bầu cử năm 2012,chủ yếu nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường.

Luật khai thác khoáng sản năm 2011 của Guinea chặt chẽ hơn luật của Mali khi buộc các công ty khai khoáng phải ký bộ Quy tắc ứng xử chống tham nhũng vàcam kết đào tạolao động địa phương. Bộ luật cũng quy định Chính phủ sở hữu 35% các dự án khai thác.

Về phía Ghana, Chính phủ vẫn tiếp tục duy trì quy định quy định tăng thuế doanh nghiệp từ 25% lên 35% và thuế bạo lợi 10%, bất chấp sức ép của Cục Khai khoáng Quốc gia. Và theo Ủy ban EITI, nguồn thu từ khai thác khoáng sản ở Ghana cũng đã tăng mạnh từ  210 triệu USD năm 2010 lên 500 triệu USD năm 2011.

Ủng hộ từ quốc tế

Các nước châu Phi hiện cũng đang nhận được sự hỗ trợ của một số quốc gia đã thành công trong quản lý tài nguyên khoáng sản như Canada, Úc và Chile.

Mới đây, Canada thành lập Viện Quốc tế Canada về Phát triển Công nghiệp Khai khoáng tại Đại học British Columbia nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển “đáp ứng nhu cầu quản trị và điều hành ngành công nghiệp khai khoáng”.

Chính phủ Úc cũng hỗ trợ các công ty đang hoạt động tại châu Phivề đào tạo nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội.

Trung Quốc cũng hỗ trợ châu Phi xây dựng đường sắt, bệnh viện, đường bộ và cảng ở một sốquốc gia giàu tài nguyên như Angola, Zambia, Sierra Leone và Mali.

Với ý nguyện giúp Châu Phi biến lời nguyền tài nguyên thành cơ may, năm ngoái Na Uy cam kết cấp cho Ngân hàng phát triển châu Phi 4,9 tỷ USD nhằm hỗ trợ cơ sở pháp lý cho ngân hàng này thay mặt chính phủ các quốc gia châu Phi đàm phán các thỏa thuận khai thác có lợi hơn.

Tầm nhìn Khai khoáng châu Phi cũng đã được Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), Ủy ban Sáng kiến Minh bạch ngành Công nghiệp Khai khoáng (EITI) và các tổ chức xã hội châu Phi ủng hộ mạnh mẽ.

Hiện đã có 22quốc gia châu Phi áp dụng tiêu chuẩn EITI trong tổng số 32 quốc gia thành viên EITI.

Chủ tịch Liên minh châu PhiNkosazana Dlamini-Zumatừng nói, tương lai của châu Phi sẽ được quyết định bởi cách thức họ sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Và các nhà lãnh đạo châu Phi cùng các công ty khai khoáng nên tiếp nhận thông điệp này như một tôn chỉ để biến biến tài nguyên khoáng sản của châu Phi thành cơ may.